+
Aa
-
like
comment

TT Trump đánh Trung Quốc tới tấp và sự vùng vẫy của ông Tập Cận Bình

09/09/2019 11:16

Các đòn tấn công của Mỹ kể từ khi TT Trump nhậm chức đến này không phải chỉ có chuyện gia tăng thuế xuất vào hàng hóa bán sang Mỹ không thôi. Hoa Kỳ còn cùng lúc tấn công Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác. Sự ồn ào của các kỳ tăng thuế tạo nên một làn khói mù dày đặc, đủ để đánh lừa dư luận lẫn nhà cầm quyền Trung Quốc và làm cho người ta quên đi các mặt trận còn lại. Thử điểm sơ qua các đòn tấn công của Mỹ từ 2 năm qua:

Tấn công mặt trận văn hóa và gián điệp

Mỹ đồng loạt đóng cửa hàng loạt các Viện Khổng Tử vốn được tài trợ bởi nhà nước Trung Quốc tại các trường đại học của Mỹ và các nước đồng minh cũng làm điều tương tự. Các Viện Khổng Tử này, vốn là đầu não gián điệp của Trung Quốc ở nước ngoài, chuyên tâm phục vụ cho việc thu thập và ăn cắp các bí mật công nghiệp của Mỹ cũng như đóng vai trò trực tiếp trong nhiệm vụ mua chuộc giới trí thức ngây thơ và truyền thông, mạnh mẽ tuyên truyền cho văn hóa Trung Quốc, xây dựng hình ảnh một Trung Quốc văn minh, phồn thịnh và phát triển. Nó là tai, là mắt và là miệng của Trung Quốc bên ngoài lục địa.

Chặn đứng và bóp chết con quái vật này, Hoa Kỳ đã củng cố tuyến phòng thủ của mình một cách hiệu quả. Đi kèm với việc đóng cửa các viện Khổng Tử là chính sách thắt chặt Visa du học dành cho du học sinh Trung Quốc. Việc thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc, giờ đây chỉ còn trông cậy vào các đợt tấn công mạng máy tính, vốn là một thứ hoạt động rất dễ bị tố cáo và gây khủng hoảng cho hình ảnh của một “Trung Quốc quân tử” và vô tội, đang bị Hoa Kỳ ăn hiếp.

Cắt bỏ nguồn thu nhập của nhà nước Trung Quốc

Lại cũng vẫn là chiến thuật tung hỏa mù. Dư luận thế giới tập trung vào sợi dây thừng mà Mỹ đã tròng vào cổ của Huawei mà quên rằng trước đó Mỹ đã tử hình một đứa “con cưng” khác của nền kinh tế được Trung Quốc nuôi nấng: ZTE.

ZTE cũng bị giết chết bởi cùng một đòn cấm vận nguồn cung cấp các bộ phận chính và ZTE đã chết mà không kịp dẫy dụa. Trên lý thuyết, ZTE đã thoát khỏi án tử nhưng thực tế thì hiện nay ZTE đã hoàn toàn nằm trong sự khống chế của người Mỹ với các vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị là người Mỹ cùng với sự thỏa thuận phải hoạt động dựa theo luật pháp của Mỹ. Sẽ có không ít người ngạc nhiên khi đọc những dòng này nhưng như đã nói, đám khói mù Huawei và cái chết thật nhanh chóng của ZTE đã không làm cho dư luận chú ý nhiều về vụ này. Trên thực tế, Huawei hiện giờ chỉ là một thứ con tin với sợi dây thừng đã được tròng vào cổ mà sau lưng là cái xác của ZTE vẫn còn đang đong đưa, như một hình thức nhắc nhở rằng có khôn thì đừng động đậy.

Huawei chính là bản án treo dành cho tất cả những tập đoàn do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Các đòn đánh về thuế xuất mà Mỹ đang áp lên nền kinh tế lắp ráp của Trung Quốc, thật ra, không làm cho Bắc Kinh e ngại bằng những bản án chưa tuyên này, hiện đang sẵn sàng chụp lên đầu các “nắm đấm thép” của một nền kinh tế hoàn toàn do nhà nước quản lý nhưng lại núp dưới chiêu bài của một nền kinh tế tự do.

Siết chặt nguồn cung ứng dầu hỏa

Bàn cờ đã chính thức bước qua một giai đoạn mới sau những nước cờ chặn đứng sự ảnh hưởng ra bên ngoài của Trung Quốc. Bây giờ là lúc bắt đầu của chiến lược ngăn chặn nguồn cung cấp năng lượng cũng như khả năng tự lực của Trung Quốc một khi nguồn năng lượng dầu hỏa chính thức bị cắt đứt.

Không một chiếc xe nào có thể lăn bánh nếu không có dầu hỏa. Xe điện, cũng không thể hoạt động nếu không có nguồn điện cung cấp từ các nhà máy điện chạy bằng dầu hỏa. Sức tiêu thụ dầu hỏa của Trung Quốc gia tăng tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Càng phát triển thì Trung Quốc càng đói dầu và nguồn cung cấp dầu hỏa này, hơn một phần ba đến từ Trung Đông. Đó là lý do mà người Trung Quốc đã bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư vào Iran nhằm bảo đảm được cho mình một nguồn cung ổn định bằng tham vọng xây dựng một đường ống dẫn nối liền lục địa với Trung Đông.

Hiện đang có 3 tuyến đường khả dĩ có thể được nhắm tới trong một chiến lược dài lâu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng:

Tuyến đường bộ sẽ cắt ngang các quốc gia thuộc vùng Nam Á, đi ngang Pakistan, Afghanistan và khu vực Kashmir hiện đang tranh chấp bởi Ấn Độ và Pakistan. Nếu đi ngang Afghanistan thì đó sẽ là tuyến đường ngắn nhất và bỏ qua được cục xương Ấn Độ, vốn là quốc gia có tranh chấp đường biên giới với Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua. Nhưng quan trọng hơn nữa là Ấn Độ hiện đang là đối thủ tiềm năng duy nhất mà Trung Quốc phải e ngại đối với vị thế của một “xưởng lắp ráp gia công” lớn nhất thế giới của mình. Mọi hy vọng về một sự hợp tác để có thể đặt đường ống dẫn đầu đi ngang lãnh thổ của Ấn Độ là điều không tưởng. Trừ phi Ấn Độ trở thành kẻ thù của Mỹ – là điều không bao giờ xảy ra trong một tương lai nhìn thấy được.

Afganishtan thì lại là vùng đất dữ chưa một ngày im tiếng súng suốt mấy chục năm qua. Hết người Nga rồi đến người Mỹ thay nhau áp đặt sự ảnh hưởng đến tình hình chính trị của đất nước này, trong quá khứ lẫn hiện tại. Ở đây, Trung Quốc chưa phải là một tay chơi có sức ảnh hưởng.

Chỉ còn lại Pakistan là ưu tiên lớn nhất và duy nhất cho một đường ống dẫn dầu nối liền Trung Quốc với túi dầu của vùng Trung Đông. Vấn đề là ở đoạn cuối của đường vận chuyển trên bộ này là mảnh đất Kashmir, mà phân nửa lại nằm trong tay của Ấn Độ. Với vị thế của một ứng cử viên duy nhất sẽ thay thế Trung Quốc trong tương lai, cho dù không có tranh chấp với Pakistan thì người Ấn cũng sẽ không dại dột đưa tay ra giúp cho Trung Quốc và tự thắt cổ mình.

Chiến sự Kashmir trong những tuần lễ gần đây, có thể xem như là một dấu chấm hết cho kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu trên bộ của đảng cộng sản Trung Quốc.

Hai tuyến đường còn lại là vận chuyển trên biển. Một là dùng tàu biển để chở dầu từ Trung Đông băng ngang Ấn Độ Dương rồi Vịnh Bengal để cập bến Miến Điện, từ đó, một đường ống trên bộ sẽ chạy cắt ngang suốt chiều dài Miến Điện để về đến Trung Hoa. Đây là con đường nhanh nhất nhưng lại tốn kém vì sau khi vào đến lục địa, dầu hỏa sẽ lại phải vượt thêm một hành trình dài đăng đẳng trước khi có thể về đến các thành phố lớn nằm dọc theo bờ biển Đông, vốn là nơi tập trung toàn bộ sức mạnh của nền kinh tế Trung Hoa.

Bài toán nan giải ở đây chính là tình hình chính trị của Miến Điện, nơi mà chính quyền chỉ mới vừa lộ vẻ thân Trung Quốc thôi thì phương Tây đã thu hồi giải Nobel Hòa Bình danh giá của bà San Suu Kyi và cuộc thảm sát người Hồi giáo vùng Rohingya ngay lập tức biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị tới hôm nay vẫn chưa có lời giải đáp. Coi bộ Miến Điện cũng không phải là nơi an toàn và dễ dàng cho một đường ống dẫn dầu mà Trung Hoa mong muốn.

Lộ trình còn lại, duy nhất và an toàn nhất đối với Trung Quốc, cho đến lúc này, vẫn là đường hàng hải truyền thống từ trước tới nay: Vượt Ấn Độ Dương, băng eo biến Malacca rồi xuyên qua biển Đông. Tuyến vận chuyển huyết mạch này, hiện ngày càng có thêm nhiều chướng ngại vật mới được dựng lên, mà hầu hết đều có chung điểm xuất phát: sự tham lam của Trung Quốc, với kế hoạch vươn ra Thái Bình Dương để trở thành một cường quốc hải quân.

Sự tham lam kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế đã biến Trung Quốc thành một con thú hoang hay cắn càn, nhằm dành lấy cho mình miếng mồi lớn nhất.

Tuyến đường vận chuyển năng lượng huyết mạch của Trung Quốc, đau đầu thay, lại có đến 2 nút thắt nguy hiểm và nhiều biến động, có khả năng làm tắt nghẽn việc vận chuyển vào bất cứ lúc nào. Đó là eo biển Hormuz, cửa ngõ ra vào của United Arab Emirates (2,8%) Saudi Arabia (12,4%), Iraq (9,4%), Iran (6.3%) và Kuwait (5%), sản lượng nhập khẩu dầu hỏa của Trung Quốc tại các quốc gia này chiếm đến 35,6% tổng sản lượng nhập khẩu của năm 2018 vừa qua. Bất cứ một sự biến động nào ở eo biển Hormuz cũng sẽ đều trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc và tiếc thay, eo biển Hormuz hiện đang là nơi có nhiều nguy cơ chiến sự nhất với sự dính líu của 2 cường quốc lớn trên thế giới và một quốc gia khét tiếng về độ … khùng. Một cuộc chiến giữa Iran với bất kỳ quốc gia nào thuộc khối đồng minh Mỹ-Anh-Do Thái cũng sẽ là thảm họa cho con đường vận chuyển cung cấp dầu trên biển đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Và do đó, trữ lượng dầu hỏa tại khu vực biển Đông là vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Nó mang tính sống còn. Điều đáng nói ở đây là, vì sống còn nên Trung Quốc sẽ phải chiếm biển Đông và chiếm biển Đông lại cũng chính là nguyên nhân cho việc Trung Quốc phải tứ bề thọ địch.

Đặng Vũ Nam Phong

Bài mới
Đọc nhiều