+
Aa
-
like
comment

Trùm khai thác than lậu trong vỏ bọc chủ vườn lan đột biến

31/08/2021 10:04

Thanh câu kết với đại gia Châu Thị Mỹ Linh khai thác, mua bán chui hàng triệu tấn than. Anh ta được nhiều người biết đến khi rao bán cây lan Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ.

Trong vụ khai thác trái phép hàng triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến ở Thái Nguyên, Bộ Công an đã khởi tố anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (31 tuổi, quê Quảng Ninh) cùng 10 bị can khác về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Cơ quan điều tra xác định Giang và Thanh đã móc nối với bà Châu Thị Mỹ Linh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước) để gây án. Trước khi bị bắt, bị can Thanh được biết đến là đại gia sở hữu hàng nghìn cây lan đột biến.

Khai thác gấp 120 lần mức cho phépTheo Bộ Công an, năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ, cho Công ty Yên Phước với trữ lượng 8.500 tấn/năm, thời hạn khai thác đến năm 2031.

Lan dot bien anh 1
Cơ quan chức năng kiểm tra mỏ than lậu liên quan vụ án. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Năm 2018, Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên. Một năm sau đó, bà Linh đã chấp thuận cho Công ty Đông Bắc Hải Dương (do anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang điều hành) khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ than trên.

Hợp đồng giữa 2 bên thể hiện công ty phía Thanh và Giang được quyền khai thác mỏ than trong 5 năm. Khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm với mức giá của một tấn than thành phẩm là 450.000 đồng.

Thông qua việc ký hợp đồng, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác, chế biến, tiêu thụ than rồi trả tiền % chênh lệch cho Châu Thị Mỹ Linh.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 5/2019, bà Linh đã câu kết để cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác hơn 2 triệu tấn than các loại, cao gấp 120 lần so với mức quy định trong giấy phép khai thác.

Quá trình hợp tác, Công ty Yên Phước đã xuất bán cho phía Đông Bắc Hải Dương hơn một triệu tấn than kèm nhiều loại khoáng sản như bã sàng, đá đen. Tổng số tiền các bị can thu lợi bất chính là hơn 100 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2021, sau khi người dân quanh mỏ than Minh Tiến phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 5 đợt kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm của Công ty Yên Phước. Trong 3 năm, UBND tỉnh đã xử phạt hành chính doanh nghiệp này tổng số tiền gần 600 triệu đồng.

Núp bóng đại gia chơi lan đột biếnCơ quan điều tra xác định 2 doanh nghiệp trên đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, giấy tờ thể hiện trữ lượng khai thác ở mức đã được cấp giấy phép 8.500 tấn/năm. Sau đó, họ báo cáo các số liệu gian dối cho cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.

Trên thực tế, bà Linh và các bị can đã tổ chức khai thác, tiêu thụ vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản, không đúng với nội dung giấy phép. Các bị can còn sử dụng số liệu giả để trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Lan dot bien anh 2
Các bị can Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang (giữa) và Bùi Hữu Thanh. Ảnh: Bộ Công an.

Song song với quá trình tổ chức khai thác và mua bán than trái phép, anh em Bùi Hữu Thanh còn xây dựng vườn lan đột biến (lan var) Đất Mỏ ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh để mua bán, giao dịch loại cây này.

Cuối tháng 3, vườn lan var của Bùi Hữu Thanh gây xôn xao mạng xã hội khi có 3 vị khách được cho là đã đến nơi này để mua cây lan Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 mẫu lan khác cũng được bán với tổng trị giá 53 tỷ.

Sau lần giao dịch trên, Bùi Hữu Thanh nói rằng việc bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ là có thật. Tuy nhiên, chủ vườn đính chính rằng số tiền đó là để mua toàn bộ 5.000 cây lan giống tại vườn.

Người điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương cũng cho rằng sau khi thông tin giao dịch lan truyền, liên ngành công an, thuế và chính quyền ở Đông Triều đã đến làm việc, trong đó có vấn đề truy thu thuế.

Theo Bộ Công an, ngoài hành vi tổ chức khai thác và tiêu thụ than trái phép, cơ quan điều tra còn xác minh làm rõ thêm nguồn gốc nhiều tài sản của anh em Bùi Hữu Thanh và các bị can; phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra các kho, bãi chứa than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp kinh doanh than ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

12 bị can bị khởi tố gồm: Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang, Hà Anh Tuấn (cựu Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương), Bùi Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương), Ngô Đăng Hải (phó giám đốc công ty này).

Ngụy Quang Thuyên, Doãn Thị Định, Đỗ Thị Luyến (các nhân viên Công ty Yên Phước); Bùi Hữu Thương, Bùi Hữu Khoa (quản lý bãi than của Công ty Đông Bắc Hải Dương) và Nguyễn Tuấn Anh (kinh doanh vận tải).

Hoàng Lam 

Bài mới
Đọc nhiều