+
Aa
-
like
comment

Trùm giang hồ Đường Nhuệ bị bắt: Có dấu hiệu phạm nhiều tội danh, hoạt động xã hội đen

11/04/2020 16:00

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cơ quan Công an phải cần thiết mở rộng điều tra đối với vợ chồng Đường Dương không chỉ dừng lại ở vụ án ‘Cố ý gây thương tích’ mà còn phải làm rõ những uẩn khúc hoạt động của doanh nghiệp do cặp vợ chồng này làm chủ.

Trùm giang hồ Đường Nhuệ bỏ trốn, có phải tình tiết tăng nặng?

Liên quan vụ vợ chồng đại gia bất động sản Đường Dương bị khởi tố để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”, sáng 11/4, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vào hồi 21h30 ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã bắt được Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) khi đang lẩn trốn tại khu vực xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Bị can Đường Nhuệ.

Phân tích về hành vi bỏ trốn của Nguyễn Xuân Đường, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tâm lý chối tội, trốn tránh là tâm lý “bẩm sinh” của tội phạm. Hầu hết các quốc gia đều không coi việc chối tội, trốn tránh, bỏ trốn là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Những tình tiết này chỉ được xem xét để đánh giá thái độ thành khẩn, khả năng cải tạo giáo dục khi lượng hình.

“Pháp luật hình sự Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Đồng thời, quy định việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường cho biết.

Theo Luật sư Cường, việc trốn tránh, cản trở hoạt động điều tra sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam và sẽ bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc khi lượng hình. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không quy định việc bỏ trốn, bị truy nã là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương.

Việc quyết định hình phạt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy định của bộ luật hình sự về khung, khoản, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Có hai yếu tố chính quyết định đến hình phạt là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Yếu tố nhân thân thể hiện khả năng cải tạo giáo dục, còn yếu tố hành vi quyết định đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối, cản trở hoạt động điều tra… thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc. Còn những người phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu trong đồng phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì sẽ được khoan hồng.

Tuy nhiên, hình phạt cũng chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có tội, phạm vào một trong các tội danh mà Bộ luật hình sự đã quy định. Trong trường hợp tòa án tuyên bố không có tội thì hình phạt sẽ không được đặt ra hoặc tòa án cũng có thể miễn hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt.

Đối với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật hình sự mà các bị can trong vụ án này đã bị khởi tố, vợ chồng Đường “Nhuệ” và các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù. Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, khi bị Tòa án kết tội thì có thể phải chịu mức án cao nhất là 6 năm tù.

Bởi vậy, việc bị can bỏ trốn, bị truy nã sau đó bị bắt không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình. Tuy nhiên, nếu bị kết tội, khi quyết định hình phạt thì tòa án sẽ tuyên một hình phạt nghiêm khắc.

Mở rộng điều tra, nếu sai phạm sẽ truy tố thêm tội danh

Liên quan đến Đường Nhuệ, dư luận quan tâm việc, Đường Nhuệ từng bị nhiều người bị tố cáo về các hành vi cho vay nặng lãi, bảo kê, hành hung đe dọa giết người xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhưng sau đó thì các kết quả điều tra, cơ quan chức năng đều xác định không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Điển hình là vụ việc mang dáng dấp “xã hội đen” thu hút sự chú ý của dư luận năm 2019 là việc chủ doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ Lâm Quyết là ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết có đơn trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan công an TP Thái Bình, tố cáo việc ông Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo nhóm người xăm trổ, mang theo hung khí đến trụ sở Công ty Lâm Quyết để xiết nợ, đập phá đồ đạc, đuổi công nhân ra ngoài, lấy đi tài liệu, sổ sách.

Ông Nguyễn Văn Lẫm cũng đã cung cấp băng ghi âm thể hiện ông Đường đe dọa chặt chân, nói: “Cái mạng người với thằng nghiện nó chỉ vì một tép thuốc phiện thôi, nó có thể giết người”. Gia đình ông Lẫm đã cầu cứu cơ quan công ban bảo vệ mình đồng thời tố cáo hành vi của ông Đường

Nguyễn Xuân Đường cũng bị bà Đinh Thị Lý (SN 1964, trú TP Thái Bình) tố cáo nhận đòi nợ thuê, vô cớ đánh con trai bà là anh Mai Thế Duy bị thương tích 15% ngay tại phòng tiếp dân, trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP. Thái Bình vào năm 2014. Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, song sau đó lại quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án mà cơ quan điều tra còn phát hiện ra có những sai phạm khác thì cũng sẽ đề cập hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Với những sai phạm mà đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ khởi tố thêm các tội danh khác đối với những người vi phạm. Trong một vụ án, bị can có thể phải đối mặt với nhiều tội danh, khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ xác định hành vi vi phạm đối với từng tội danh, nếu phạm tội thì sẽ bị tổng hợp hình phạt để ấn định một mức hình phạt chung.

Đối với vụ án này, việc bị can bị tố cáo về hành vi gây thương tích trước đây nếu như chưa được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người bị hại có đơn đề nghị xem xét, cung cấp bổ sung tài liệu chứng cứ thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục xem xét, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Còn các hành vi vi phạm khác nếu có (nếu phát hiện thêm trong quá trình điều tra) thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét xử lý theo quy định chung với nguyên tắc không oan sai cũng không bỏ lọt tội phạm, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xem xét xử lý theo quy định.

Cả các vấn đề này cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trong quá trình điều tra và có kết luận chính thức, để cập hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Cần làm rõ hoạt động kinh doanh của công ty Đường Dương

Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an tỉnh Thái Bình trước những đối tượng phạm pháp khi khởi tố, bắt giam vợ chồng Đường Dương về tội cố ý gây thương tích, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng cơ quan Công an phải cần thiết mở rộng điều tra đối với các đối tượng này không chỉ dừng lại ở vụ án “Cố ý gây thương tích” mà còn phải làm rõ những uẩn khúc hoạt động của doanh nghiệp do cặp vợ chồng này làm chủ.

“Việc báo chí phản ánh doanh nghiệp này liên tục đấu giá trúng hàng loạt lô đất đắc địa trên địa bàn, kiếm lời số tiền rất lớn. Đặc biệt, có dấu hiệu hoạt động xã hội đen, o ép các doanh nghiệp khác gây thất thu nguồn ngân sách…điều này cần phải làm rõ”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần làm rõ việc ai bảo kê, đứng sau để các đối tượng lộng hành trên địa bàn thời gian qua mà không bị xử lý.

“Những băng đảng hành xử phi pháp, đòi nợ kiểu xã hội đen, khống chế người dân thì phải xử lý thật mạnh. Nếu địa phương mà để xảy ra tình trạng người dân bị đe dọa, khống chế, giang hồ, xã hội đen lộng hành thì người đứng đầu chính quyền phải có trách nhiệm. Mặt khác phải làm rõ tại sao doanh nghiệp này liên tục đấu giá được những lô đất như thế…”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, đối với thông tin về việc Công ty BĐS Đường Dương có sử dụng nhiều đối tượng có vẻ ngoài bặm trợm, xuất hiện đánh người, gây thị uy và tạo sức ép cần phải được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ.

Theo quy định của pháp luật về hoạt động đấu giá (cụ thể trong trường hợp này là đấu giá bất động sản – quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất), những người tham gia đấu giá đều bình đẳng, có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Từ giai đoạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá cho đến phiên đấu giá diễn ra thì những người tham gia đấu giá mua bất động sản đều bình đẳng. Ai trả giá cao nhất và kèm theo đó là đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì trúng.

Tại Khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016 có quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:

Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Luật sư Hoàng Tùng.

Do đó, những hành vi không minh bạch, mang tính chất đe dạo để trúng được các lô đất là vi phạm các quy định về đấu giá tài sản. Có thể thấy, phản ánh của nhiều người, nhiều tổ chức về việc công ty BĐS Đường Dương có những hành vi đe dọa, gây thương tích hoặc thủ đoạn khác để ép buộc các đối thủ để cho bản thân và công ty đấu giá trúng các bất động sản trong các dự án đã nêu. Cơ quan điều tra cần làm rõ sự việc nêu trên rằng liệu có sự can thiệp của “xã hội đen” hoặc công ty Đường Dương như phản ánh.

Trường hợp thật sự có các hành vi gây thương tích, éo buộc đe dọa đối thủ để trúng đấu giá thì cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan điều tra cần làm rõ thêm liệu có hành không có xuất hiện đồng phạm khác trong vụ án này để đảm bảo xử lý triệt để, đúng người đúng tội.

Tâm Đức/KT

Bài mới
Đọc nhiều