+
Aa
-
like
comment

Trực tiếp: Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị sơ kết hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120

13/03/2021 08:22

Sáng 13/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ….

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 13/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo các Bộ, ngành cùng chính quyền các địa phương sẽ rà soát lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 trong thời gian qua; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết này trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiều năm nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, chứng kiến các đợt hạn mặn xâm nhập, lũ lụt, sạt lở, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở những vùng ven biển…PGS – TS Lê Anh Tuấn, Phó viện Trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, các địa phương đã chủ động trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thay đổi của nguồn nước, của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

PGS – TS Lê Anh Tuấn, Phó viện Trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ.Tuy nhiên, trong 3 năm triển khai Nghị quyết 120 vẫn còn một số vướng mắc như chưa có quy hoạch vùng một cách tổng thể, liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa phát huy hiệu quả. Vấn đề này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

PGS – TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Người dân đã tìm cách giảm bớt lúa 3 vụ, giảm bớt trồng lúa ở vùng ven biển và chuyển qua những mô hình thích hợp khác ví dụ như mô hình lúa – tôm, lúa – cá hay lúa rừng. Cái thứ hai là người dân đã biết khai thác giá trị của nông sản để tạo ra giá trị có thương phẩm cao hơn.”

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, tỉnh Kiên Giang đã huy động được cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả thiết thực cho địa phương.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian tới, Kiên Giang đưa ra một số kiến nghị đề xuất với Chính phủ.

Ông Đoàn Hữu Thắng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ngành Tài nguyên Môi trường (TNMT) kiến nghị bộ TNMT hoàn thiện thể chế chính sách, sớm nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng những hệ thống cơ chế báo cáo giám sát phù hợp mang tính hệ thống, tổng thể đặc biệt là báo cáo giám sát các dự án về biến đổi khí hậu.

Ngành tài nguyên cũng kiến nghị Bộ TNMT tăng cường nguồn lực về đầu tư ngân sách ưu tiên triển khai các dự án các công trình trọng điểm về biến đổi khí hậu trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng.

Cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL cũng rất quan tâm đến hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Giới doanh nghiệp cho rằng, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành nghề chế biến các mặt hàng nông sản.

Nông dân sản xuất còn phụ thuộc vào thời tiết còn doanh nghiệp thì có những lợi ích đan xen với người nông dân.

Ông Đoàn Văn Khanh với các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất.Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Quan trọng nhất là vấn đề biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, nhất là hạn mặn và nước trên thượng nguồn khan hiếm. Do vậy yêu cầu trước mắt là Chính phủ cần có chủ trương làm sao ngăn ngừa những hiện tượng đó làm cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Về phía doanh nghiệp phải theo dõi biến đổi khí hậu để thích ứng. Nhất là về vùng nguyên liệu phải gieo trồng theo mùa vụ thích hợp hoặc theo khuyến cáo của ngành chức năng.”

Còn anh Huỳnh Sa Rây, một trong những nông dân sản xuất giỏi ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho rằng, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120, các địa phương được hưởng thụ nhiều chương trình, dự án.

Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa ra để người dân ứng dụng. Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả mà còn tiết kiệm được sức lao động.

Vườn dưa lưới của nông dân Huỳnh Sa Rây đã cho cắt nước, chuẩn bị thu hoạch.”Ngoài những mặt được kể trên, thì vẫn còn một bộ phận nông dân gặp khó rất nhiều vì vào mùa hạn mặn xâm nhập, bà con phải hạn chế xuống giống nên không có thu nhập. Từ thực tế khó khăn này, tôi xin đề xuất với trên tìm giải pháp tháo gỡ cho bà con; nghiên cứu xem trong thời gian này phải có cây trồng, vật nuôi gì cho phù hợp để hỗ trợ cho bà con; hỗ trợ kỹ thuật, vốn, đầu ra sản phẩm…để bà con nông dân tiếp tục bám đất, nâng cao thu nhập ” – anh Huỳnh Sa Rây cho biết.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, khu vực này đã đạt được kết quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực.

Nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả. Tuy nhiên người dân ĐBSCL vẫn còn phụ thuộc nhiều về yếu tố thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Làm gì để người dân ĐBSCL chủ động tốt hơn trong biến đổi khí hậu, nước biển dâng?

Đây cũng là mong muốn chung của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân trong khu vực kỳ vọng tại hội nghị sơ kết này.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Bài mới
Đọc nhiều