Trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập ở Quảng Nam
20 tấn gạo, 10 tấn nhu yếu phẩm đã được tập kết đến sân bay Đà Nẵng. Nếu thờitiết tốt, Sư đoàn Không quân 372 sẽ dùng trực thăng tiếp tế cho 3.000 dân bị cô lậpở Quảng Nam.
Sáng 31/10, Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc.
Theo báo cáo, mưa lớn và giao thông chia cắt nhiều ngày qua khiến hai xã Phước Lộc và Phước Thành (huyện Phước Sơn) với khoảng 3.000 dân bị cô lập.
Hiện, 2 xã này lương thực, thực phẩm sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu đói, thiếu muối, thiếu áo quần mặc. Xã Phước Lộc còn chưa tới 4 tấn gạo, mì tôm cũng trôi hết xuống hồ; xã Phước Thành còn vài tạ gạo, khả năng thiếu cả muối, 41 hộ mất nhà đất, người chỉ còn 1 bộ đồ, phải trú tại trụ sở xã.
Ngoài ra, chiều 28/10, 2 vụ sạt lở ở xã Phước Lộc đã vùi lấp 13 người. Trong đó, một vụ sạt lở vùi lấp 2 cán bộ xã trong lúc đi giúp dân chống bão, hiện vẫn chưa tìm thấy. Vụ sạt lở thứ 2 xảy ra tại thôn 3, vùi lấp 11 người, đến nay 6 thi thể đã được tìm thấy, 6 người khác đang mất tích.
Tại cuộc họp, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án tập kết hàng tiếp tế rồi gùi cõng đường bộ đến khu vực giáp ranh với Phước Thành và Phước Lộc. Từ đây, lực lượng cứu hộ dùng tời bằng ròng rọc, đưa hàng lên đỉnh đồi để dân quân, lực lượng xung kích của xã tiếp nhận và gùi cõng về cho các thôn.
“Do tình hình mưa lớn, vẫn còn nhiều điểm sạt lở nên lực lượng bên ngoài tạm dừng hành quân vào. Trước mắt tỉnh huy động dân quân và người địa phương quen đi rừng, am hiểu địa hình để gùi cõng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu”, ông Hà cho hay.
Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện ở sân bay Đà Nẵng đã tập kết 20 tấn gạo, 10 tấn nhu yếu phẩm và đề nghị lực lượng không quân vận chuyển bằng máy bay vào hết cứu trợ cho người dân.
“Dự kiến những cơn bão tiếp theo thì các xã vùng cao Phước Sơn sẽ bị chia cắt, cô lập trong thời gian rất dài nên Sư đoàn 372 cố gắng bay thả hàng cho dân”, thượng tá Thành đề nghị.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng Quân huấn (Sư đoàn Không quân 372) thông tin, hàng hóa tiếp tế được chuẩn bị sẵn ở sân bay Đà Nẵng, khi điều kiện thời tiết cho phép sẽ thì trực thăng sẽ cất cánh.
“Mỗi lần vận chuyển hàng cả đi và về hơn một giờ, không hạn chế số lần bay từ 7h đến 17h hằng ngày. Mỗi chuyến bay chở 1-1,2 tấn hàng bay tầm 1 tiếng từ sân bay Đà Nẵng lên tiếp tế cho người dân ở các xã bị cô lập”, đại tá Hùng nói.
Đưa chuyên gia địa chất đến Trà Leng
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng nay đoàn chuyên gia địa chất (Viện Khoa học thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên) đã vào hiện trường vụ sạt lở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Theo ông Bửu, từ 6h sáng nay, lực lượng chức năng gồm 500 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
“Do khối lượng đất đá, cây cối lớn, chúng tôi đưa thêm 4 máy xúc lớn vào vào hỗ trợ đào bới đất. Sau đó, 3 máy bơm nước đưa nước vào để rửa trôi đất đai, rồi chó nghiệp vụ sẽ đánh hơi tìm kiếm. Ngoài ra, một đội tìm kiếm ở sông Leng và sông Tranh vì có thể một số người bị cuốn xuống sông”, ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, hiện tại thời tiết ở Trà Leng có mưa nhỏ. Nếu mưa lớn lực lượng cứu hộ sẽ tạm dừng việc tìm kiếm.
‘Hiện, những người không liên quan công tác tìm kiếm sẽ không được vào hiện trường để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc tìm kiếm. Đội chó nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng và Công an tỉnh vẫn tiếp tục được triển khai”, ông Bửu nói.
Trước đó, lúc 14h ngày 28/10, vụ sạt lở đất xảy ra tại thôn 1 (xã Trà Leng) vùi lấp 11 hộ dân, 33 người thoát chết, 14 người vẫn còn mất tích, trong đó có Bí thư xã Trà Leng. Hiện tại, 8 thi thể đã được đưa khỏi hiện trường.
PV/VNN