Trục lợi từ dịch bệnh là tội ác!
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại đến nay, tình trạng khẩu trang, găng tay bẩn cũng có dấu hiệu nóng trở lại. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục tấn khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng “phù phép” chuẩn bị đưa ra thị trường. Sự việc này đang gióng lên hồi chuông về đạo đức của một số bộ phận tiểu thương khi họ không màng đến an toàn, sức khỏe người dùng.
Hàng triệu găng tay đã qua sử dụng được tái chế, đóng gói, ghi nhãn, chuẩn bị xuất bán; hàng tấn găng tay đang chờ phân loại, trong đó có những chiếc còn dính máu, còn nguyên chữ viết của các cơ sở y tế là khung cảnh tại một ổ tiêu thụ găng tay y tế bẩn tại Hà Nội. Những sự vụ sau đó được phát giác tại Bình Dương, Hòa Bình, Lào Cai với con số khủng hơn, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Găng tay sử dụng một lần trong các cơ sở y tế được xác định là rác thải y tế nguy hại. Loại rác thải này theo nguyên tắc sẽ buộc phải tiêu hủy, bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, là nguồn lây bệnh do không được xử lý kiểm khuẩn.
Vậy nhưng trái với quy định, nó được một số kẻ hám lợi, thiếu nhân tính cho phép tồn tại, thậm chí là chỉ cần vệ sinh qua loa, rồi tiếp tục vòng quay kinh hoàng bán ra thị trường.
Mỗi tấn găng tay cao su đã qua sử dụng được thu gom mua với giá khoảng 5 triệu đồng, sau đó chỉ cần qua các công đoạn “tái chế” được làm bằng thủ công để xuất bán ra thị trường. Quá trình tái chế găng tay rất đơn giản như phân loại theo tiêu chí bẩn hoặc hơi bẩn. Số được lựa chọn sẽ đổ ra bàn cho công nhân làm phẳng bằng vuốt, kéo giãn những chỗ nhăn nhúm rồi xếp lại thành chồng, rồi được đưa đến khu vực này để đóng hộp. Mỗi một bó 100 chiếc được xếp cho vào hộp rồi dán tem.. Đáng nói, không hề có một chất tẩy rửa, vệ sinh hay bất cứ một công nghệ khử trùng nào. Dễ hiểu khi bóc những hộp găng tay được gọi là mới có vô số găng tay bẩn bên trong…
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao tình trạng tái chế, làm giả, làm nhái lại diễn ra một cách phổ biến như vậy tại các địa phương. Đã biết về sự nguy hại của những loại găng tay này hay do lợi nhuận thu được quá cao từ hành vi gian lận, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Bởi, theo quy định, những mặt hàng như găng tay y tế này chỉ sử dụng 1 lần và bắt buộc phải tiêu hủy sau khi sử dụng.
Không ai biết được trong số những khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng liệu có mầm mống của dịch bệnh hay không? Những người đang làm thao tác “phù phép” kia, có lẽ không phải họ không sợ, nhưng họ đã bất chấp…
Đây không chỉ là câu chuyện của những kẻ hám lợi, bán rẻ đạo đức, vi phạm pháp luật, mà hậu quả sẽ là vô cùng lớn đối với sức khỏe của người dân và cộng đồng. Hơn nữa, nó sẽ cản trở nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Trước diễn biến phức tạp và mối nguy tiềm ẩn mang tên găng tay bẩn, ngay ngày 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9 năm 2020.
Rõ ràng, sự reo rắc mầm bệnh, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và công tác phòng chống đại dịch Covid-19 cần phải lên án và xử lý thật nghiêm minh, đủ sức răn đe để không còn trường hợp tái diễn.
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả