Trục lợi chính sách cho người có công là tội ác
Hàng nghìn hồ sơ cho người nhiễm chất độc hóa học và hồ sơ thương binh giả hoặc nghi là giả cho thấy không phải do quy trình mà là nghi do luồn lách để trục lợi.
Để có được độc lập, hàng triệu người lính đã nằm lại các chiến trường và cũng có hàng triệu người may mắn về với gia đình nhưng phải để lại chiến trường một phần thân thể hoặc mang theo nỗi đau dai dẳng vì nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) trong chiến tranh.
Từ lâu nay Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, ghi nhớ bằng các chính sách nhằm hỗ trợ phần nào những người có công với cách mạng. Thế nhưng đang có hiện tượng các chính sách nhân đạo này bị rất nhiều người trục lợi.
Giả thương binh, giả nhiễm dioxin
Có quá nhiều tố cáo, khiếu nại nên mới đây Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng đã thanh tra liên ngành việc xét duyệt, xác nhận hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện tại bảy quân khu (Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội. Dù chưa giám định xong hơn 11.000 hồ sơ có nghi vấn nhưng đã phát hiện ra gần 2.300 hồ sơ thương binh giả.
Cũng từ các tố cáo, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp thanh tra việc xác lập hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH tại 11 tỉnh cũng phát hiện hàng nghìn hồ sơ giả, nghi giả.
Theo tìm hiểu, các hồ sơ thương binh đều được tiến hành xác lập qua rất nhiều bước, nhiều tầng từ cấp xã, huyện… và cuối cùng là bộ tư lệnh các quân khu nhưng vẫn lọt sổ.
Tương tự, các hồ sơ cho người bị phơi nhiễm CĐHH cũng xác lập theo trình tự chặt chẽ từ đơn vị thấp nhất lên đến hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người con đàn cháu đống lại được chứng nhận vô sinh, đặc biệt bí thư chi bộ thôn, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) “bị” kết luận tâm thần và đang hưởng chính sách của người có công.
Xử lý không nghiêm
Người ở địa phương sẽ biết rất rõ ông A, bà B là vô sinh, hay có bị thương trong kháng chiến hay không. Vậy không có lý do gì cán bộ làm chính sách các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở lại không biết.
Điều đáng tiếc là đến nay Bộ LĐ-TB&XH đã có các kết luận nhưng hiếm thấy cán bộ bị xử lý nghiêm mà chỉ dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm”. Đặc biệt, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra bằng chứng sai phạm tại các hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nhưng việc phối hợp để đưa ra ánh sáng những cán bộ làm sai vẫn chưa được một số bộ, ngành triển khai.
Cá biệt, có việc Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chuyển văn bản cho Bộ Y tế yêu cầu phối hợp kiểm tra các sai phạm tại Quảng trị nhưng ba năm qua vẫn chưa một lần nhận được phản hồi. Hồ sơ thương binh giả hay người hưởng chế độ CĐHH giả không còn là câu chuyện nhạy cảm.
Nếu các bộ, ngành không xử nghiêm những cán bộ làm sai, tuyên truyền nâng cao đạo đức cho một bộ phận người dân và hoàn thiện chính sách người có công sẽ còn nhiều những kẻ bắt tay nhau để trục lợi. Và nếu không ngăn được vấn nạn này, những người có lương tri sẽ cảm thấy rất xấu hổ với những người từng lấy thân thể của mình chiến đấu cho nền độc lập hôm nay.
Theo Viết Long/ Pháp luật TP.HCM