+
Aa
-
like
comment

Trồng rừng gỗ lớn -‘Cách mạng’ chuyển đổi tư duy: Đòn bẩy để phát triển

22/10/2020 21:27

Thanh Hóa trồng rừng gỗ lớn từ năm 2010 nhưng phải đến 2015 mới chuyển biến mạnh. Cần có một “cuộc cách mạng” chuyển đổi tư duy người trồng rừng xứ Thanh.

Thanh Hóa chưa cân đối được ngân sách để có chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, một số huyện cũng đã trích một phần ngân sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất. Chính sách mỗi huyện mỗi khác và không phải huyện nào cũng cân đối được ngân sách để hỗ trợ. Tuy nhiên, trong số 56 nghìn ha rừng gỗ lớn đã được đầu tư trồng, chuyển hóa hiện cũng chỉ khoảng 1/2 diện tích được hưởng chính sách hỗ trợ của các huyện.

Dù được hỗ trợ hay không nhưng thực tế ở Thanh Hóa cho thấy, những hộ có tiềm lực về tài chính, có diện tích rừng lớn cũng đang tự ý thức chuyển dần từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Tại Thanh Hóa hiện cũng đã xuất hiện một số mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng FSC, tuy diện tích liên kết chưa được nhiều.

Thay đổi nhận thức người trồng rừng và tập trung nguồn lực cho trồng rừng gỗ lớn để mang lại hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước thực trạng trên diện tích trồng rừng gỗ lớn tăng chậm về diện tích, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển rừng gỗ lớn, đặc biệt là nguồn lực từ chính các hộ gia đình được giao đất trồng rừng.

Địa phương cũng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp, để tạo ra chuỗi sản phẩm lâm nghiệp theo quy trình lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp các sản phẩm từ rừng trồng có cơ hội hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế. Vì vậy, Thanh Hóa sẽ phải thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC, gắn chế biến với xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.

Từ trước đến nay, trồng rừng ở Thanh Hóa thực hiện theo tư duy mạnh ai nấy làm nhưng quan niệm này sẽ phải dần thay đổi và đi vào quy củ. Theo ông Phúc, để phát triển rừng sản xuất, người trồng rừng cần đổi mới quan hệ sản xuất; các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã sản xuất lâm nghiệp, thúc đẩy tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình đóng góp cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giữa nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp.

 

“Muốn người trồng rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn thì đối tượng trồng phải đa dạng để nông dân lựa chọn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học trong lĩnh vực trồng rừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tuyển tập các loài cây trồng lâm nghiệp thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn, có năng suất chất lượng cao, phục vụ trồng rừng kinh tế.

Các trường, viện, trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước cần hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới vào sản xuất, ứng dụng trên địa bàn tỉnh (công nghệ nuôi cấy mô…), chuyển giao công nghệ mới, tạo sản phẩm chủ lực đột phá về chế biến lâm sản, phát triển chế biến sâu” – ông Phúc nêu quan điểm.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, việc triển khai thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp, mô hinh kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các loài cây chu kỳ kinh doanh ngắn để đảm bảo thu nhập cho các hộ gia đình trong khi rừng gỗ lớn chưa đến kỳ khai thác cũng là một giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn.

“Người dân sẽ tự lựa hình thức trồng rừng sao cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình nhất. Mọi sự hỗ trợ cũng chỉ mang tính kích cầu. Chỉ khi nào nông dân hiểu được lợi ích thiết thực của rừng gỗ lớn, hội tụ đủ các yếu tố để trồng rừng gỗ lớn thì tự nhiên rừng gỗ lớn sẽ tăng về diện tích. Lúc đó, trồng rừng gỗ lớn không còn là câu chuyện của riêng ngành lâm nghiệp mà cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, các cấp chính quyền và quan trọng nhất là người dân tham gia trồng rừng” – ông Phúc phân tích.

Võ Văn Dũng

Bài mới
Đọc nhiều