+
Aa
-
like
comment

Trong mùa dịch, Thủ tướng Abe đã làm việc 5 tháng liên tục

Sơn Ca - 29/08/2020 07:52

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức tuyên bố từ chức tại họp báo lúc 15h chiều 28-8 (giờ Việt Nam) vì lý do sức khỏe mà giới truyền thông Nhật cho rằng có phần từ tình trạng làm việc căng thẳng chống dịch.

Trong mùa dịch, Thủ tướng Abe đã làm việc 5 tháng liên tục - Ảnh 1.
Thủ tướng Shinzo Abe đeo khẩu trang, xuất hiện tại nơi cư ngụ ở thủ đô Tokyo sáng 28-8 – Ảnh: REUTERS

Hai lần phải vào bệnh viện liên quan việc khám sức khỏe trong một tuần. Tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Shinzo Abe đã gây ra những đồn đoán lẫn lo âu nhất định trước thời điểm chiều 28-8.

Vị lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thời gian qua bị đồn đoán suy nhược do làm việc quá nhiều và ảnh hưởng của bệnh viêm loét đại tràng mãn tính là căn bệnh ông mắc phải từ năm 17 tuổi.

Thậm chí truyền thông Nhật gần đây liên tục tập trung chú ý vào tốc độ đi bộ của ông Abe rồi so sánh với trước đó để suy đoán về sức khỏe của ông.

Theo Đài RFI, ông Abe từng rời vị trí lãnh đạo vào tháng 9-2007, cũng vì lý do sức khỏe. Khi đó, ông chỉ lên nắm quyền được chưa đầy một năm. Từng có lúc ông thừa nhận mình đã phải “đi vào nhà vệ sinh 30 lần mỗi ngày” do căn bệnh có từ thời trẻ.

Hôm 26-8, theo Hãng tin Reuters, ông Yoshihide Suga – chánh văn phòng nội các Nhật, còn tuyên bố rõ ràng trong cuộc họp báo thường kỳ rằng “còn quá sớm để nói về thời kỳ ‘hậu Abe’ bởi ông ấy vẫn còn hơn một năm mới hết nhiệm kỳ (tháng 9-2021)”.

Vì thế không ít người đã bị bất ngờ trước quyết định ra đi vì lý do sức khỏe của ông Abe vào chiều 28-8.

Làm việc căng thẳng làm trở bệnh?

Đến khi trở lại nắm quyền lực năm 2012, ông làm việc được lâu dài nhờ một loại thuốc giúp giảm đau và kiềm chế những rối loạn đường ruột.

Nhưng có vẻ do tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến ông làm việc căng thẳng nên căn bệnh gây ảnh hưởng trở lại. Theo lời những người thân cận, ông đã bị ho ra máu từ đầu tháng 7 vừa qua.

Còn theo thống kê của giới truyền thông Nhật, kể từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến ngày 20-6, Thủ tướng Abe đã làm việc 147 ngày liên tục, tương đương 5 tháng trời.

Nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe sẽ kéo dài đến tháng 9-2021. Giờ đây báo chí Nhật đã đặt ra câu hỏi “liệu ông Abe có đủ sức đi hết nhiệm kỳ hay không?” sau khi hay tin ông đã phải tới Bệnh viện Đại học Keio ở thủ đô Tokyo kiểm tra sức khỏe đến 7 tiếng vào hôm 17-8.

Xét về các con số trong mùa dịch (Nhật chỉ có hơn 62.000 ca nhiễm, 1.200 ca tử vong trong dân số 126 triệu), chính quyền của ông Abe được xem là xử lý dịch tốt hơn các quốc gia phát triển khác là Mỹ và châu Âu.

Nhưng theo RFI, hơn 70% người dân Nhật vẫn không hài lòng về cách xử lý dịch của chính quyền, đặc biệt từ khi dịch có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 7.

Trong mùa dịch, Thủ tướng Abe đã làm việc 5 tháng liên tục - Ảnh 2.
Người dân ở Tokyo xem truyền hình trực tiếp buổi họp báo chiều 28-8 của ông Abe – Ảnh: REUTERS

Theo trang mạng Người quan sát (Trung Quốc), một loạt chính sách được triển khai hời hợt và thiếu hiệu quả, thậm chí có một số biện pháp còn trở thành chủ đề đàm tiếu của người dân, đồng thời trở thành tiêu điểm để đảng đối lập chỉ trích chính quyền.

Chẳng hạn, chính sách phát khẩu trang cho người dân cả nước trong thời kỳ đầu xảy ra dịch bệnh đã không mấy phát huy tác dụng phòng chống dịch bệnh, ngược lại còn tiêu hao không ít nhân lực, vật lực và tiền của.

“Abenomask” (khẩu trang do Chính phủ Nhật Bản phát cho người dân theo sáng kiến của Shinzo Abe, một cách chơi chữ bắt nguồn từ tên gọi chính sách kinh tế hỗn hợp Abenomics) mà người dân Nhật Bản nhận được dường như đã trở thành một vật lưu niệm và có giá trị sưu tập hơn là một vật dụng chống dịch.

Người dân cho rằng chính quyền đã ưu tiên hồi phục kinh tế, đánh giá thấp tính nghiêm trọng của dịch và tiến hành xét nghiệm đại trà chưa đủ mức.

Theo kết quả khảo sát của Hãng tin Kyodo công bố ngày 23-8, tỉ lệ tín nhiệm dành cho nội các của Thủ tướng Abe chỉ ở mức 36%, là mức thấp thứ hai kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012. Kết quả trên bị giảm thêm so với mức ủng hộ 38,8% trong cuộc khảo sát một tháng trước đó.

Trong mùa dịch, Thủ tướng Abe đã làm việc 5 tháng liên tục - Ảnh 3.
Ở khu phố mua sắm tại thủ đô Tokyo ngày 17-8 – Ảnh: REUTERS

Thủ tướng “thâm niên” nhất

Ngày 23-8 cũng là ngày Thủ tướng Abe đánh dấu ngày cầm quyền thứ 2.798 liên tiếp, là thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất trong lịch sử nước này.

Quãng thời gian này cũng tương đương với thời gian lãnh đạo Chính phủ của cựu thủ tướng Eisaku Sato (từ tháng 11-1964 đến tháng 7-1972).

Nếu tính cả khoảng thời gian lãnh đạo từ năm 2006-2007 thì tổng số ngày cầm quyền của Thủ tướng Abe là hơn 3.000 ngày, nhiều hơn con số 2.886 ngày mà cựu thủ tướng Taro Katsura từng lãnh đạo đất nước này những năm 1900.

Ngoài Thủ tướng Abe thì chỉ có 10 người khác từng giữ vị trí thủ tướng Nhật Bản trong hơn 1.000 ngày liên tiếp, trong đó có cố thủ tướng Nobusuke Kishi (1896 – 1987), ông ngoại của Thủ tướng Abe, cầm quyền trong 1.241 ngày.

Những thành quả phục hồi kinh tế đạt được nhờ chính sách mà chính phủ của ông đề ra, hay còn được biết đến là Abenomics, đã bị xóa mờ khi đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và nhiều người mất việc làm.

Quý 2 năm nay, GDP của Nhật Bản chỉ đạt 485.000 tỉ yen (tương đương 4.600 tỉ USD), thấp hơn cả mức 504.000 tỉ yen trong quý 1-2013, quý đầu tiên mà ông Abe trở lại cầm quyền.

Ông Abe lâu nay vẫn hi vọng có thể hoàn thành mục tiêu sửa đổi hiến pháp trước khi nhiệm kỳ lãnh đạo Dân chủ tự do (LDP) cầm quyết kết thúc vào tháng 9 năm sau.

Dân Nhật thông cảm vì thấy Thủ tướng mệt

Naohito Kojima, 55 tuổi: “Tôi nghĩ ông ấy đã làm việc vất vả. Với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền, ông ấy đã làm việc chăm chỉ cho nền kinh tế dưới sự lãnh đạo và chính sách của ông trong 8 năm.

Có nhiều vấn đề khác nhau, nhưng khi một ai đó khác lên làm lãnh đạo thì liệu có thể duy trì một chính phủ ổn định trong thời gian như ông ấy đã làm không. Ông ấy đã có nhiều cuộc đàm phán ngoại giao ở nước ngoài, có ưu và khuyết điểm, nhưng tôi nghĩ có rất nhiều điểm đáng ghi nhận”.

Reiji Iwata, 24 tuổi, diễn viên: “Tôi nghĩ ông ấy đã làm việc suốt thời gian qua, và chúng ta cũng gặp thách thức của đại dịch COVID-19. Tôi nghĩ ông ấy đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích, nhưng ông ấy đã làm việc chăm chỉ cho đất nước và tôi cảm thấy rất buồn khi ông ấy từ chức”.

Kunio Sekine, 62 tuổi, nhân viên văn phòng: “Tôi rất ngạc nhiên. Ông ấy trông có vẻ rất mệt mỏi nhưng tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ từ chức. Tôi ước gì ông ấy có thể làm việc chăm chỉ hơn nữa và tại nhiệm lâu hơn chút nữa”.

Kumiko Saito, 45 tuổi, nhân viên văn phòng: “Ông ấy đã làm việc chăm chỉ tìm các biện pháp để hạn chế virus corona chủng mới. Nhưng gần đây ông ấy có vẻ mệt mỏi. (Việc từ chức của ông ấy) là rất đáng tiếc”.

Katsumi Abiko, 79 tuổi, quản lý một cửa hàng: “Tôi thì đã mong ông ấy từ chức từ lâu rồi. Mọi thứ ông ấy làm đều sau lầm, đặc biệt là khi ông ấy cố gắng sửa Hiến pháp. Ông ấy không bảo vệ Hiến pháp của Nhật mà còn muốn thay đổi nó. Tôi không chấp nhận điều này”.

Bài mới
Đọc nhiều