Trong họa có phúc
Năm 2020 là thời khắc Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở ra rất nhiều cơ hội để khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Trước sự tấn công của thảm họa toàn cầu Covid-19, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,39% trong quý 2/2020, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khúc ruột miền Trung phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ liên khúc bão lụt, ngành du lịch tổn thất nghiêm trọng. Tình thế càng khó khăn hơn khi liên tục xuất hiện những gương mặt vàng trong làng đá phản lưới nhà. Tuy nhiên, Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau tạo ra một bầu trời kỳ tích.
Cuộc sống dần ổn định trở lại. Chúng ta đi mây về biển, ngồi bên nhau nhìn quả bóng lăn, lướt qua nhau trong đêm Giáng Sinh. Người ngoại quốc phải thốt lên: Việt Nam có giấu dịch bệnh hay không? Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật GDP đánh giá lại của Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Qua đó, Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á (329,5 tỷ USD 2019), bình quân đầu người vượt qua Philippines, thu nhập quốc dân GNI đạt 95,42% GDP. Liên Hợp Quốc nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam lên mức cao (0,704), cùng nhóm với Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Cả năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, quy mô GDP ước tính khoảng 349 tỷ USD, cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế.vTổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD. Xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD; nhập khẩu đạt 262,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục hạ đo ván xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020. Đặc biệt, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ lên đến 62,7 tỷ USD. Việc này khiến cho Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, cảnh báo rút thẻ bài “trừng phạt”. Phía Việt Nam khẳng định không có chủ đích thao túng tiền tệ, đồng nhắc tới lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Từ đó, giúp thấy rõ hơn thực chất của quan hệ thương mại sòng phẳng giữa hai bên.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7%. Trong đó vốn khu vực Nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%. Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, Indonesia đã tính toán ban hành luật Omnibus để cạnh tranh vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp với Việt Nam, tuy nhiên luật này chạm tới quyền lợi của người lao động nên đã vấp phải sự phản đối của công dân nước họ. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đầu tư đến hấp dẫn, thu hút hơn 28,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI mới trong năm 2020. Mặc dù các doanh nghiệp FDI có đóng góp rất lớn đối với xuất khẩu. Tuy nhiên, vốn FDI ngày càng giảm tỷ trọng so với với vốn nội địa. Cả khối FDI co lại chỉ còn nắm khoảng 1/5 GDP, sự ảnh hưởng tới vĩ mô của doanh nghiệp nội địa ngày càng tăng.
Năm 2020, có thành công rực rỡ, có khó khăn đau thương, nhưng Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên.
Nguyễn Vinh