Trong bánh mì miễn phí, có độc dược nào không?
Đa số chúng ta đều tham gia vào mạng xã hội với một suy nghĩ hồn nhiên rằng nó giúp mình tương tác với bè bạn, người thân và cộng đồng tốt hơn. Và cũng bên cạnh mạng xã hội, chúng ta ung dung với các tiện nghi của các ứng dụng trên internet. Tất cả các ứng dụng ấy hầu hết là miễn phí. Nhưng ít người bắt đầu nghĩ đến một mối lo đơn giản: “trong bánh mì miễn phí, có độc dược nào không?”…
Xã hội ảo cần được quản trị
Có gì liên quan giữa một chú nhóc đang bắt đầu gõ kỳ cạch máy tính để cố gắng tham gia vào guồng quay kiếm tiền trên mạng xã hội với những cuộc tấn công không gian mạng thầm lặng, giống như cái đập cánh của con bướm ở Trung Quốc có thể tạo ra một cơn bão ở Hoa Kỳ?
Chợ đen ảo, tội phạm thật
Trên một nhóm (group) Facebook chợ đen chuyên về các thủ thuật kiếm tiền từ mạng xã hội, có một clone (loại nick ảo được tạo ra từ việc sao chép thông tin cá nhân của các nick thật) đăng bài rao: “Bán số lượng lớn via Việt cổ 2012-2017 bạn bè cao rate 30k/1 cái, có 2fa kèm mail gốc, bảo hành một đổi một”.
Có lẽ bạn đọc không hề quen với những thuật ngữ kiểu này. Tôi sẽ giải thích: via là tài khoản thật, có tương tác thật (khác với clone thường không có tương tác) nhưng bị hacker tấn công, chiếm quyền và dùng vào các mục đích xấu.
2012-2017 là quãng thời gian nick vừa bị chiếm quyền được tạo lập, còn “bạn bè cao” là có số lượng bạn nhiều, tức là nhiều tương tác. Rate là giá, ở đây là 30 ngàn đồng một nick. 2fa là xác thực hai yếu tố, một phương thức bảo mật chứng thực người dùng đăng nhập nick Facebook.
Nghe có vẻ xa lạ, nhưng bán via không phải một việc làm có tính thời vụ. Có hàng chục nghìn tài khoản như thế được rao bán mỗi ngày, tức là cỗ máy hack tài khoản này đã chạy với công suất của những nhà máy gia công hàng đầu. Điều đó có nghĩa là đang có một cộng đồng những người chuyên nghiệp am hiểu công nghệ mỗi ngày ngồi vào máy tính và tập trung toàn bộ trí lực cho một việc: chiếm đoạt tài khoản, và sau đó bán lại trên mạng.
Và đấy chỉ là một mắt xích. Tháng Sáu vừa rồi, cảnh sát hình sự Huế vừa triệt phá một đường dây tội phạm ảo xuyên quốc gia với một nhóm 7 đối tượng người Nigeria cấu kết với 4 người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng của rất nhiều quý bà nhẹ dạ. Rất có thể chúng đã chat với các nạn nhân bằng một trong số những nick via từ nước ngoài, vốn có danh tính và bạn bè thật trước khi bị hack để tạo sự tin tưởng. Chúng mua lại 70 tài khoản ngân hàng được lập từ 53 chứng minh nhân dân cũng bị làm giả của một kẻ chuyên nghiệp ở Huế để rút tiền tiêu xài đồng thời xóa dấu vết.
“Anh cần via xuất xứ từ Anh, Mỹ cũng có, nhưng số lượng lớn thì phải chờ” – T. một người bán via nói với tôi. Trong một ngày, đội (team) của T. có thể scan (thuật ngữ chỉ việc dùng công cụ để quét và lấy quyền các tài khoản Facebook thật) hàng chục, thậm chí hàng trăm nick nếu may mắn. Tất nhiên, bản thân nick T. cũng là một via. Tức không ai biết danh tính thật của cậu ta là ai. Vào một ngày đẹp trời hơn nữa, tài khoản bị scan hoặc hack có thể là một nick tích xanh nổi tiếng, như cầu thủ Quang Hải chẳng hạn.
Nếu đó là một vụ đột nhập vào nhà riêng, có lẽ công chúng đã chú trọng đến khía cạnh luật pháp của hành vi này nhiều hơn là bình phẩm việc Hải đã bị mất những gì.
Ngôn ngữ khá trẻ con của hacker sau khi chiếm account của Hải tạo cảm giác đây là một trò đùa, nhưng sự việc nghiêm trọng hơn thế rất nhiều: ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân, và ai cũng có những bí mật, có thể ảnh hưởng đến tài chính (thông tin thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng), cho đến nhân phẩm (các đoạn chat).
Sự riêng tư là chìa khóa mở ra những khía cạnh gần gũi với bản thân chúng ta nhất, từ cơ thể trần trụi; lịch sử tình dục và tưởng tượng; bệnh tật trong quá khứ, hiện tại và thậm chí tương lai của chúng ta; cho đến sai lầm, hay điều tồi tệ nhất bạn từng làm.
Quyền lực trên không gian mạng
Và đám đông chúng ta nhìn hành vi này với tư cách người xa lạ, bằng sự hiếu kỳ với đời tư của người nổi tiếng hơn là một sự cảnh báo. Đến bây giờ, hầu hết mọi người đều biết dữ liệu của họ đáng tiền, nhưng dữ liệu của bạn không có giá trị chỉ vì nó có thể được bán.
Facebook và Google không bán dữ liệu của bạn, mà bán sức mạnh để ảnh hưởng đến bạn. Họ bán quyền lực hiển thị quảng cáo chính xác theo thị hiếu của bạn và quyền lực dự đoán hành vi của bạn. Họ không thực sự kinh doanh dữ liệu, mà đang kinh doanh quyền lực. Thậm chí nhiều hơn lợi ích tiền tệ, dữ liệu cá nhân còn mang lại sức mạnh cho những người thu thập và phân tích nó.
Có hai khía cạnh của quyền lực. Đầu tiên là những gì giống như triết gia người Đức Rainer Forst đã mô tả vào năm 2014 rằng “là khả năng của A để thúc đẩy B suy nghĩ hoặc làm điều gì đó mà B không nghĩ hoặc thực hiện”. Chúng bao gồm các bài phát biểu gây cảm hứng, các hình thái gây ảnh hưởng về tư tưởng, và cả sự cưỡng chế khi cần. Nếu gây cảm hứng là chưa đủ, thì chế tài và vũ lực sẽ buộc đối tượng phải nghe theo.
Loại quyền lực thứ hai vi tế và thẩm thấu mạnh mẽ hơn, chính là vũ khí của những gã khổng lồ công nghệ như Google hay Facebook: thông tin và kiến thức. Ít nhất, kiến thức là một công cụ của quyền lực.
Nhà triết học người Pháp Michel Foucault còn đi xa hơn nữa khi cho rằng kiến thức tự thân nó đã là một dạng quyền lực. Có sức mạnh vô hạn trong việc BIẾT. Càng nhiều người biết về chúng ta, họ càng có thể lường trước được động thái, cũng như tạo ảnh hưởng đến chúng ta.
Quyền lực càng vô hình, chúng càng mạnh mẽ: những bộ óc lớn nhất đã tập trung nghiên cứu để biến không gian mạng thành một môi trường gây nghiện, và đa số sẽ tự nguyện hy sinh sự riêng tư trên này, để đổi lấy sự tiện lợi vô nghĩa.
Quản lý loại quyền lực này đòi hỏi sự nhận diện mạnh mẽ với những gì đang xảy ra: liệu những gã nhóc buôn bán tài khoản đi hack có phải là nguy cơ duy nhất gây ra thiệt hại lớn cho xã hội? Thực tế có lẽ là không. Chúng ta đang coi việc bị mất dữ liệu trên mạng giống như một loại tai nạn, ai mắc thì người đó “đen phải chịu”.
Luật An ninh mạng là động thái cần thiết để giành lại chủ quyền trên không gian mạng, nhưng nó mới chạm vào bề nổi: xâm phạm an ninh quốc gia không phải là một chiến dịch tức thời với số lượng ồ ạt, mà có thể là những hành vi nhỏ lẻ, ban đầu dường như không quan trọng, nhưng lặp đi lặp lại, với tần suất dày đặc.
Có rất nhiều người đang làm những việc này như một công việc thường nhật công sở, vì động lực mạnh mẽ: lợi nhuận. Tháng Sáu vừa qua, cục Thuế Hà Nội xác định có 1.100 cá nhân trên địa bàn kinh doanh phần mềm, xây dựng trò chơi trên mạng có tổng doanh thu trong 3 năm lên đến 4.800 tỷ đồng, đặc biệt có một cá nhân có thu nhập lên đến 140 tỷ đồng. Trong các nhóm Facebook hướng dẫn về kiếm tiền thông qua các clip trên mạng, có những “gã khổng lồ” giấu mặt có thể kiếm 50-100 ngàn USD mỗi tháng, dù tuổi đời còn rất trẻ, từ tiền quảng cáo.
Và một trong những thủ thuật cơ bản để bắt đầu kiếm tiền là nuôi và sử dụng via. Cả một hệ thống xoay quanh hành vi cơ bản này: via sẽ dùng để spam các bài viết lên news feed, các nhóm Facebook, hoặc lôi kéo người dùng để xây dựng hệ thống các Fanpage, hoặc dùng nó để bán like cho KOLs và những người nổi tiếng. Một số kẻ thậm chí nôn nóng đến mức “vào việc” luôn: chúng dùng những via nước ngoài có thông tin đáng tin cậy để chat và lừa đảo tài sản.
Trên khía cạnh này, một chú nhóc đang bắt đầu gõ kỳ cạch máy tính để cố gắng tham gia vào guồng quay kiếm tiền trên mạng xã hội có thể viên gạch tiếp theo đặt nền móng cho những cuộc tấn công không gian mạng thầm lặng. Và thế giới này vẫn dường như vô hình trong mắt đa số người dân cũng như các nhà quản lý: chỉ sau vài tháng làm quen, một cậu nhóc cũng có thể hiểu và thành thục đa số các khái niệm mà những “người lớn” sẽ bỏ qua, với lăng kính như nhìn cuộc chơi của những đứa trẻ con.
Nhưng những đứa trẻ con này đang biết nhiều hơn đa số chúng ta, trên phương diện nào đó. Hack có lẽ là động từ quen thuộc nhất với đa số những người xa lạ với các kiến thức mạng, dù vẫn sử dụng nó hàng ngày, nhưng đi kèm nó là một tổ hợp hành vi phức tạp khác nằm ngoài phổ chuyên môn của xã hội.
Và đây có vẻ không giống một nghề tí nào. Nhưng những công việc thế này, phải nhắc lại, đã thành một nghề kiếm ra tiền hàng ngày, với sự ổn định năng suất đáng kinh ngạc. Trên một không gian mà nhiều người đang trở nên ngày càng nghiện sử dụng nó hơn, sẵn sàng tiêu tốn nhiều thời gian và cả sự riêng tư của mình.
Quyền lực mà nó tạo ra không những là vô hình, mà còn chưa gây ra đủ sức chú ý của xã hội: cho đến khi tôi hoàn thành xong bài viết này, danh tính hacker đã đột nhập Facebook của Quang Hải vẫn chưa lộ diện. Cuộc tấn công âm thầm vẫn đang tiếp tục, ở một góc khuất trên không gian ảo.
Phạm An
Quản trị mạng để làm cơ sở quản trị xã hội
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong con đường phát triển của họ, đó là sự phản đối chính sách kiểm duyệt nội dung thù địch và kích động bạo lực.
Ban đầu ông chủ Mark Zuckerberg còn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi tin rằng mạng xã hội Facebook không nên đứng ở vị trí kiểm duyệt và có trách nhiệm can thiệp những bài đăng trên mạng. Các công ty tư nhân, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực không nên nhúng tay vào chuyện đó” nhưng khi các thương hiệu lớn như Unilever, Coca-Cola hay Pfizer lần lượt tham gia vào chiến dịch tẩy chay Facebook, thì những người cầm trịch Facebook buộc phải đưa ra những thay đổi hợp lý hơn. Cụ thể, Facebook đã phải dán nhãn nội dung được xác định là đáng tin cậy, bao gồm cả trạng thái của chính trị gia hàng đầu.
Sự điều chỉnh của Facebook nhằm bảo vệ uy tín và tránh bị trừng phạt từ các tập đoàn kinh tế lớn. Còn tại Việt Nam, Facebook vẫn đang tồn tại không ít bất cập. Đành rằng, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, nhưng việc quản trị mạng vẫn cần những động thái quyết liệt hơn và khoa học hơn.
Bây giờ, thật khó nói về câu chuyện nào của cuộc sống lại tách rời khỏi mạng xã hội. Kinh tế, giáo dục, văn hóa đều chịu chi phối trực tiếp của mạng xã hội. Do đó, muốn quản trị xã hội một cách hiệu quả, thì không thể không lấy cơ sở từ quản trị mạng.
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội thật khó đoán định và tiên liệu. Cái thật cũng có mà cái giả cũng có, nhưng lời nhắc nhở “cái thật vừa xỏ chân vào giày, thì cái giả đã đi vạn dặm” vẫn ám ảnh những người sử dụng mạng xã hội. Trang bị khả năng đề kháng cho cộng đồng, có thể xem là điều kiện cần. Còn kỹ năng và kỷ luật quản trị mạng chính là điều kiện đủ.
Có một thực tế ít ai để ý là mạng xã hội đang được sử dụng như một công cụ để tìm kiếm lợi ích riêng tư. Bán hàng giả trên mạng rất khó kiểm soát, mà bôi nhọ người khác trên mạng càng khó kiểm soát hơn. Đừng vội tin rằng cộng đồng mạng có thể điều chỉnh lẫn nhau mà không cần bàn tay can thiệp của cơ quan chức năng. Cho nên, quản trị mạng không thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho ngành Công an, mà các ngành khác cũng phải góp phần tích cực.
Nếu không quá lời, thì phải sòng phẳng cảnh tỉnh, hầu hết các loại tội phạm đều đang nhảy lên mạng xã hội để tác oai tác quái. Các ứng dụng trăm hồng nghìn tía được bung ra để chiêu dụ người dùng, và không ai đảm bảo thông tin cá nhân không bị đánh cắp để dùng vào các mục đích đen tối. Tài khoản ảo mà kiếm vật chất thật và gây hậu quả thật.
Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có quyết định quan trọng là khai tử dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, các công ty đòi nợ thuê có thể sẽ đóng cửa trên đường phố, nhưng các tổ chức tín dụng đen trên mạng thì sao? Các app vay tiền vẫn bủa vây người dân từ thành thị đến nông thôn. Vay tiền thì dễ mà trả tiền thì khó, vì lãi suất cắt cổ chính là sợi dây thòng lọng giăng sẵn để siết cổ người tiêu dùng. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh các app tín dụng đen thì dẫu xóa sổ các công ty đòi nợ thuê thì hệ lụy khác vẫn tái diễn.
Vài năm nay, ngành thuế rất khẩn trương truy thu thuế thu nhập từ các cá nhân và tổ chức kinh doanh online, nhưng hàng lậu và hàng giả lại mặc sức tung hoành. Thậm chí, những kênh thương mại điện tử được đầu tư trăm tỷ cũng bị phát hiện bán hàng giả và hàng lậu. Nghĩ mà buồn cười, khi những cuốn sách giả không thể đưa vào nhà sách thì lại được bán công khai trên mạng nhân danh phát triển văn hóa đọc.
Tuy nhiên, có tác hại sâu rộng nhất là sự có mặt của những người nổi tiếng với hành vi gây nhiễu loạn trên mạng xã hội. Ví dụ, trầm hương là một loại đặc sản không phải ai cũng dễ dàng nhận biết chất lượng. Thế nhưng, vài danh hài và ca sĩ đã quảng bá và mua bán trầm hương khá hồn nhiên. Thậm chí, những yếu tố hoang đường và thần bí cũng được lan truyền xung quanh mỗi sản phẩm trầm hương.
Một nữ ca sĩ chia sẻ rằng, công ty của cô thất thoát hơn 10 tỷ đồng, sau khi được bạn bè giới thiệu về vòng trầm nên cô đeo và may mắn ập đến không kịp đỡ. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, công ty của nữ ca sĩ đã nhanh chóng thu hồi được 80% số tiền thất thoát.
Oái ăm thay, những thông tin kiểu ấy không phải hiếm hoi. Để bán trầm hương, thì người nổi tiếng xây dựng những huyền thoại ly kỳ như trầm hương giúp xua tà khí, tránh tai nạn, khỏi bệnh tật, thoát vận xui… Nếu những cơ quan quản lý thị trường không ngăn chặn những chiêu trò tương tự như rao bán trầm hương, thì không biết bao nhiêu người tiêu dùng sẽ biến thành nạn nhân của các trò lừa đảo siêu cấp.
Quản trị mạng, không chỉ làm trong sạch môi trường trên internet mà còn tạo cơ hội gắn kết các mối quan hệ xã hội. Hiện nay, nhiều chính khách đã sử dụng mạng xã hội để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến người dân. Nếu không có hành lang an toàn thì tài khoản đích thực của chính khách cũng rất dễ trở thành đối tượng bị chiếm quyền để gây ra những bất ổn trầm trọng về chính trị, xã hội.
Ngăn chặn những động cơ xấu trên mạng xã hội, chính là tiền đề cho những cơ hội giao lưu chân thành và cởi mở giữa người có trách nhiệm và quần chúng. Liệu tài khoản của các chính khách trên Facebook có thể hoạt động một cách hiệu quả không? Đó cũng là một câu hỏi quản trị mạng xã hội.
Quản trị mạng, không hề đơn giản, nhưng không thể phó mặc và buông xuôi. Bởi lẽ, mỗi tài khoản trên không gian ảo không chỉ liên quan mật thiết đến tài sản, tinh thần và tính mạng của từng cá nhân, mà còn tác động đến sự tiến bộ của xã hội. Từ giá trị Luật An ninh mạng đến nhu cầu quản trị mạng là một con đường tất yếu để quản lý xã hội văn minh.
Lê Thiếu Nhơn
Dữ liệu lớn chính là tài nguyên
Tháng 11/2019, trong một phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có phát biểu về vấn đề mạng xã hội và an ninh mạng rằng “Nếu tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài, nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và chỗ này không nằm ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Bởi đây là an ninh quốc gia”.
Lập tức, trên mạng xã hội, bắt đầu có những người mang phát biểu này ra để giễu nhại. Đáng buồn thay, trong số họ có những người có uy tín xã hội, có khả năng lôi kéo một nhóm trong xã hội theo quan điểm của mình.
Thực sự, trong số những người có uy tín trên mạng xã hội tham gia vào cuộc bàn luận xoay quanh phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi đó, cực hiếm người có đủ hiểu biết về mạng xã hội, về công nghệ 4.0 ở vào tầm vóc có thể đối thoại được với ông Hùng.
Là một người từng lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ với những sản phẩm công nghệ có thể nói cập nhật rất nhanh tốc độ phát triển của thế giới, am hiểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng là không thể bàn cãi. Nhưng mỉa mai thay, những kẻ thiếu hiểu biết lại vẫn thích lôi thứ mình không hiểu biết ra để làm trò đùa chỉ vì đơn giản ông Nguyễn Mạnh Hùng đang là một chính khách.
Trong cuốn sách bán chạy, và đáng đọc, mà nhiều người vẫn ca ngợi gần đây của tác giả người Do Thái Yuval Harari có tên “21 bài học cho thế kỷ 21” có một đoạn ở ngay phần mở đầu rất đáng suy ngẫm. “Chỉ trong vài thế kỷ trở lại đây, nguồn gốc của quyền hành mới chuyển từ thánh thần trên cõi thiên đàng xuống với con người bằng xương bằng thịt. Nhưng chẳng bao lâu nữa, quyền lực có thể sẽ chuyển một lần nữa, từ con người sang các thuật toán”. Harari đã viết như thế, ở phần bàn về Tự do, với câu đề tựa cho phần này là “Big Data đang theo dõi ngươi đó”.
Chúng ta có thể mê mẩn với sách của Harari, bởi sự am tường sâu sắc của tác giả này cùng lối hành văn giản dị, hóm hỉnh. Song chúng ta nên nhớ rằng để những kiến thức mà Harari chia sẻ thực sự hữu dụng, chúng ta cần phải học về tất cả những gì mà Harari đề cập tới, ít nhất là đủ để nắm bắt khái niệm và bản chất cốt lõi. Rất tiếc, số người chịu học không nhiều, nên cảnh báo mà Harari đưa ra nhiều khi trở thành… giải trí.
Khoảng chục năm trở lại đây, mà sôi nổi nhất là từ 2016 tới nay, rất nhiều nhà đầu tư trong nước hồ hởi với các hạng mục đầu tư liên quan đến nền tảng mạng xã hội, OTT, ứng dụng chia sẻ… Để đầu tư một nền tảng như thế đòi hỏi kinh phí cực cao, với con số có thể lên tới hàng chục triệu USD cho mỗi năm trong khoảng 4-5 năm đầu tiên bởi từ “back-end”, “front-end”… cho tới ti tỉ thứ khác đều “đòi tiền” mỗi ngày.
Mà lạ thay, cực kỳ hiếm hoi có một nền tảng nào kiểu đó có thể mang lại doanh số tốt cho nhà đầu tư cả. Thậm chí ở mảng OTT và mạng xã hội, chưa một nhà đầu tư nào trong nước kiếm được doanh thu bằng phân nửa những gì họ phải bỏ ra. Ngay cả một nền tảng sừng sỏ trên thế giới như Netflix cũng chưa đạt được mức doanh thu kỳ vọng ở thị trường Việt Nam. Vậy thì vì lý do gì họ vẫn đổ xô vào đầu tư ở những hạng mục mà ai cũng thấy là “tiêu tiền là chính”?.
Rất dễ hiểu, thứ họ cần không phải là tiền. Họ săn lùng thứ khác. Đó chính là thứ Harari nhắc tới trong cuốn sách của mình: Quyền lực. Thứ quyền lực ấy được hình thành khi có ai đó nắm các cơ sở dữ liệu gói lớn (big data). Có big data trong tay, tiền sẽ tới chứ không phải nền tảng ấy mang lại tiền theo mô hình kinh doanh mua – bán sản phẩm, dịch vụ truyền thống đơn thuần.
Big data chính là nguồn tài nguyên vĩ đại nhất của hiện tại, và tương lai, mà thực tế rất nhiều chính phủ đang đau đầu trong việc tìm cách để có thể quy hoạch chúng vào một cơ chế kiểm soát và quản trị. Xu hướng thế giới cho thấy quyền lực đang nằm trong tay của những nhà tài phiệt công nghệ. Họ chính là những kẻ nắm giữ cơ sở dữ liệu của loài người hiện đại, từ hành vi cho tới sở thích, và nhờ đó, có thể can thiệp để tạo ra những biến động xã hội mang lại lợi ích cho một nhóm cụ thể nào đó.
Gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến TikTok, một ứng dụng kiểu mạng xã hội mang lại những video đầy tính giải trí giúp con người cảm thấy sảng khoái khi xem chúng. Nhưng chẳng ai đủ cảnh giác để quyết định có nên dùng TikTok hay không trước khi đăng ký một tài khoản ở đó. Tất cả đều hồ hởi lao vào đó như một thứ gì mới mẻ, lạ lẫm và thời thượng. Chưa một ai đặt ra câu hỏi rằng “Vậy thì những ai đầu tư xây dựng TikTok đang kiếm doanh thu từ đâu khi mà người dùng đang được hưởng mọi thứ miễn phí?”.
Trên diễn đàn lâu năm có tên tinhte.vn của Việt Nam mới đây có một kỹ sư công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về TikTok đủ khiến nhiều người giật mình.
Đại để, anh ta đã dịch ngược mã nguồn (code) của TikTok và đưa ra kết luận rằng “Về cơ bản TikTok là một dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân được che đậy bởi tính năng xã hội hóa. Nếu trong ứng dụng đó có API thu thập dữ liệu người dùng, lấy hết dữ liệu trong điện thoại của bạn, thì chắc chắn bên chủ quản ứng dụng đó đang tận dụng hết khả năng của API này để thu thập những thông tin như thông tin phần cứng, thông tin phần mềm, tất cả các dữ kiện internet trên thiết bị, định vị thiết bị người dùng…”.
Kết luật của kỹ sư này không phải một dạng đe dọa để “lấy tiếng” mà nó là sự thật. Không chỉ một mình TikTok mà tất cả các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng chia sẻ và nhiều loại ứng dụng khác đều đang hoạt động theo cơ chế ấy. Cái họ cần là thông tin của người dùng chứ không phải là khả năng người dùng có thể mang lại cho họ doanh thu bằng tiền.
Một ứng dụng quen thuộc và nhiều người biết tới chính là Apple Music đủ có thể là ví dụ để chúng ta hiểu dữ liệu của mình đang được khai thác thế nào.
2015 Apple tung ra ứng dụng này, thay thế cho cái ứng dụng nghe nhạc iTunes thông thường. Ngay ở thời điểm đó, nhìn vào cách cá nhân hoá người dùng mà Apple Music mang lại, cùng các cửa sổ đặc biệt của các ngôi sao ca nhạc, tôi đã chia sẻ trên facebook rằng Apple bắt đầu đi trên con đường xây dựng mạng xã hội theo đặc thù riêng của mình.
Và bây giờ, sau 5 năm tồn tại, nó đã khai thác rất mạnh những gì người dùng (có đăng ký thuê bao tháng) của mình mang lại. Bạn thích loại nhạc nào: nó gợi ý đúng phóc. Xu hướng nghe của bạn theo cảm xúc: nó gợi ý không chệch chút nào. Những ai trong mạng lưới tương tác email của bạn có sở thích nghe tương đồng với bạn: nó dâng lên ở cửa sổ chính để bạn “follow” họ.
Cứ chậm chậm, cứ từ từ như vậy thôi nhưng sẽ đến một ngày, thế giới giải trí âm nhạc của bạn nói riêng và ngay cả thói quen quan tâm trên mạng của bạn nói chung sẽ được nó đọc một cách chính xác. Cái ấy, người ta gọi là AI, trí tuệ nhân tạo. Nhưng AI để phục vụ ai thì chúng ta tự hiểu. Tất nhiên, không phải chúng ta, những người dùng.
Thế giới đã và đang trải qua nhiều kinh nghiệm đáng nhớ mà công cụ ảo (virture, cyber) chính là cánh tay đắc lực tạo ra biến cố. Điển hình là cuộc cách mạng Hoa nhài ở Tunisia, là Brexit và ngay cả những gì đang diễn ra ở Mỹ sau cái chết của George Floyd. Vấn đề không phải chỉ vì mạng xã hội có sức kết nối con người nên tạo ra các phong trào một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vấn đề nằm ở chỗ có những cá nhân biết đích xác hành vi của cộng đồng và hoàn toàn có thể lèo lái cộng đồng ấy theo ý muốn của mình. Tất nhiên, các cá nhân ấy đều có một thứ vô cùng quyết định: quyền lực từ dữ liệu lớn.
Có thể nói, internet đã mở ra một Tân thế giới mà ở đó, con người hồ hởi lao vào nó với một sự hoang dã khi thấy tài nguyên dồi dào quá, không biết dùng đến khi nào mới cạn kiệt. Nó như thể cái cách mà những người đầu tiên trong hạm đội của Columbus nhìn thấy vàng ở châu Mỹ vậy. Nhưng thực tế, tài nguyên ấy không phải vô hạn định và đang có những thế lực thực sự bắt đầu có kế hoạch bành trướng kiểm soát tài nguyên này một cách rất khoa học.
Tất cả các chính phủ đều đau đầu trước tình trạng này và nó thực sự là thách thức của loài người. Viễn cảnh một thế lực lớn cầm nắm vận mệnh nhân loại phi biên giới, phi quốc gia, phi chủng tộc thực tế không hề xa vời và viễn tưởng như phim Hollywood. Nó là thực tế và đã và đang tồn tại một cuộc đấu trí thực sự giữa các chính phủ và các thế lực ấy.
Và một chính phủ chắc chắn sẽ đơn độc trong cuộc tranh đấu này. Rất cần sự liên kết quốc tế bởi vấn đề an ninh toàn cầu hoàn toàn có thể bị đe dọa nếu không có sự kết hợp với nhau dựa trên sự am hiểu, mối quan ngại chung và kế hoạch hành động chung đồng bộ.
Chính trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã nói rằng “Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào đủ lực để có thể đối phó được với vấn đề về an ninh mạng, đều phải có liên minh liên kết với nhau để xử lý vấn đề này”.
Tất nhiên, những vấn đề quá lớn lao sẽ có thể khiến chúng ta cảm thấy mình tốt nhất nên đứng ngoài cuộc và không tham gia làm gì. Nhưng thực chất, mỗi con người đều có khả năng giúp một phần, dù rất nhỏ. Khi các thuật toán đang là công cụ để chiếm quyền kiểm soát, để “đọc-hiểu” từng người dùng, việc mỗi con người tự biết hạn chế lại trước những ứng dụng được tung ra mỗi ngày cũng làm chậm lại tiến trình đào bới dữ liệu của chúng.
Chỉ cần nhớ chẳng có thứ bánh mì nào là miễn phí cả và tất cả những phần mềm dưới danh nghĩa “miễn phí cho người dùng” đều mang trên vai chúng trọng trách mà chủ đầu tư của chúng mong đợi. Chính chúng ta mới là tài sản của họ chứ không phải thứ phần mềm ấy, công ty ấy mới là tài sản của họ. Và chẳng có gì bất tiện bằng việc ta bị người khác “bắt vở” hết mọi hành vi, từ quá khứ cho tới hiện tại, tương lai. Khốn thay, cái bất tiện ấy đang bắt đầu từ bây giờ, ở những thứ mà chúng ta đang cho là rất tiện…
Hà Quang Minh
Phạm An – Lê Thiếu Nhơn – Hà Quang Minh/CAND