Trong 420 tỉ USD vũ khí bán đi khắp thế giới, Mỹ chiếm 246 tỉ USD
Doanh số bán vũ khí tăng gần 5% trên toàn cầu trong năm 2018, trong đó các nhà sản xuất vũ khí Mỹ chiếm đa số trong thị trường này, theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Theo báo cáo này, doanh thu của 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đạt 420 tỉ USD. Chỉ riêng các nhà sản xuất tại Mỹ đã chiếm đến 59% thị trường này với tổng doanh thu là 246 tỉ USD, tăng 7,2% so với năm 2017.
“Đây là sự gia tăng đáng kể trong vòng một năm” – bà Aude Fleurant, giám đốc chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, nhận định.
Hãng tin AFP ngày 9-12 cho biết các nhà sản xuất vũ khí Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ chính sách nới lỏng các giới hạn về mua bán vũ khí cho nước ngoài của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Các nhà thầu vũ khí lớn nhất Mỹ hiện nay là Boeing, Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman. Đây là những nhà thầu chuyên bán tàu, xe tăng, máy bay, tên lửa và các vũ khí khác cho quân đội của các chính phủ nước ngoài.
Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vẫn là Lockheed Martin với doanh thu 47,3 tỉ USD trong năm 2018 và chiếm 11% thị trường vũ khí thế giới.
Trong khi đó, Nga đứng thứ hai trong bảng xếp hạng về sản xuất vũ khí, chiếm 8,6% thị trường. Anh đứng thứ ba, chiếm 8,4% và kế đến là Pháp, 5,5% thị trường.
Công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Nga, Almaz – Antei, đã lên hạng 9 trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới (top 100), với doanh thu là 9,6 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2017.
“Sự gia tăng này không chỉ do nhu cầu nội địa tăng mạnh mà còn nhờ vào tăng trưởng doanh số bán vũ khí cho các nước khác, đặc biệt là bán hệ thống phòng không S-400” – báo cáo cho biết. Một trong những khách hàng của hệ thống S-400 là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối thương vụ này.
Ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cũng có 2 doanh nghiệp nằm trong top 100 với tổng doanh thu là 2,8 tỉ USD, tăng 22% so với năm ngoái.
Bà Fleurant cho biết hai nhà thầu vũ khí chính của châu Âu là Airbus và MBDA cũng tăng doanh thu khi “đáp ứng nhu cầu của các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra và các căng thẳng nghiêm trọng tại một số khu vực”.
Nghiên cứu không bao gồm Trung Quốc, do không có đủ số liệu. Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI ước tính rằng có từ 3 đến 7 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách 100 các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.
Kể từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Trung Quốc đã chi 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Ngọc Hoàng