Trò vu vạ “gắp lửa bỏ tay người” để bôi nhọ hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm
Trong bài viết mới, đối tượng Hoàng Dũng xuyên tạc rằng các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm tại công ty Việt Á và nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao là “tác phẩm” của riêng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để tranh quyền đoạt lợi.
Trong khi vụ việc sai phạm nâng khống giá kit xét nghiệm tại công ty Việt Á vẫn còn đang gây chấn động cả nước thì cơ quan điều tra đã tiếp tục khởi tố một vụ án khác nghiêm trọng không kém. Đó là việc bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Cục Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước. Hai vụ việc giống nhau ở chỗ các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để tham ô, trục lợi cá nhân, gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước và nhiều đồng bào vốn đã gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Đó là những hành vi không thể chấp nhận được cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật.
Thật là đau xót khi phải chứng kiến sai phạm của một số cá nhân ở chính những ngành đã có nhiều công lao trong mùa dịch bệnh. Hàng nghìn y bác sỹ đã xung phong vào tâm dịch, xa nhà nhiều tháng trời, đối mặt với đủ thứ khó khăn gian khổ và cả nguy hiểm đến tính mạng để giúp người dân truy vết, xét nghiệm, chữa trị, tiêm phòng nhằm chống chọi với dịch bệnh. Trong khi đó nhiều cán bộ ngành y lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với Việt Á để trục lợi. Ngành ngoại giao cũng đã lập công lớn với chiến dịch lao thẳng vào “tâm bão” đón đồng bào về quê hương tránh dịch. Trong khi đó người đứng đầu Cục Lãnh sự, một cơ quan thuộc Bộ ngoại giao lại nhẫn tâm nhận hối lộ, trục lợi trên mồ hôi nước mắt của kiều bào xa quê bằng cách lợi dụng chủ trương đầy tính nhân văn của Nhà nước.
Sẽ cần thêm thời gian để cơ quan chức năng điều tra làm rõ và công khai tất cả mọi ngóc ngách của vụ án, cũng như đưa tất cả những người có liên quan ra trước vành móng ngựa. Nhưng với quy mô và tính chất phức tạp của hai vụ việc này, có thể khẳng định đây là kết quả đến từ chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cơ quan có nhiệm vụ “chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” theo Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ chính trị. Điều này cũng phản bác lại luận điệu của Hoàng Dũng quy chụp vụ án chỉ là chiến công của riêng Bộ Công an nhằm mục đích tranh quyền đoạt lợi.
Việc ngụy tạo chứng cứ, tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ, triệt hạ uy tín cá nhân cũng là chiêu bài “một mũi tên trúng nhiều đích” mà các thế lực thù địch đã quen sử dụng lâu nay. Đơn cử như kể từ khi vụ án Việt Á bị khởi tố đã có hàng trăm thuyết âm mưu, kịch bản đấu đá chính trị được tung ra xoay quanh các đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an…Thế nhưng thực tế cho thấy toàn hệ thống chính trị và cá nhân các lãnh đạo đều rất quyết tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc điều tra xử lý các vụ án, “không vì đang chống dịch mà bỏ qua việc chống tham nhũng tiêu cực trong bộ y tế”, “xác định công tác phòng chống tham nhũng phải lâu dài, bền bỉ, quyết tâm cao hơn, bài bản hơn”, “Rõ đến đâu xử lý đến đó, nếu trước chưa rõ, chưa phát hiện thì sau phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh cao các kết quả đạt được của lực lượng công an trong năm 2021, trong đó có việc phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đặc biệt lớn. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các kết quả phát hiện, điều tra đã góp phần cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, có tác dụng răn đe nhiều đối tượng “đã biết sợ”, từng bước hạn chế vi phạm. Công tác điều tra cũng chứng minh rõ yếu tố tư lợi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, khẳng định các đối tượng phạm tội xuất phát từ động cơ, mục đích và lỗi cố ý cá nhân chứ không phải do “lỗi hệ thống” như các đối tượng xấu xuyên tạc.
“Gắp lửa bỏ tay người” là thành ngữ, cách nói ẩn dụ để lên án những kẻ có hành vi đặt điều, vu khống cho người khác. Hoàng Dũng và các đối tượng khác đã dùng đi dùng lại thủ đoạn này nhằm xuyên tạc, chia rẽ nội bộ. Rồi từ đó, đẩy vấn đề lên thành một chiến dịch truyền thông để gây nhiễu loạn thông tin, kích động, lôi kéo dư luận, hòng gây mất ổn định chính trị và an ninh trật tự. Thế nhưng, những luận điệu mà chúng tung ra chỉ là những tin đồn tào lao và nhanh chóng bị mọi người dẹp bỏ.
An Diễm