+
Aa
-
like
comment

Trò ngáo ộp, hù dọa Việt Nam từ lệnh cấm vận đối với Nga

An Diễm - 18/03/2022 15:21

Chân Trời Mới Media cố gán ghép rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Nga nên khi Nga bị các nước trừng phạt kinh tế thì Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Ảnh minh họa

Theo các số liệu mà trang mạng này dẫn ra: “Tính đến thời điểm cuối tháng 2-2022, Nga đứng vị trí thứ 24 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam …. Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga”.

Một thông tin khác là các công ty Nga đầu tư tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng, quân sự. Trong đó, Vietsovpetro là công ty lớn thứ 8 ở Việt Nam và sản xuất 1/3 lượng dầu của cả nước, và Gazprom cùng Rosneft đang tham gia vào một số dự án dầu khí tại Việt Nam. Từ đó, Chân Trời Mới Media kết luận rằng khi Nga bị cấm vận kinh tế, chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lạm phát cao.

Dưới bài đăng này, nhiều “người hâm mộ” của Chân Trời Mới Media hả hê cho rằng Việt Nam sắp “toi” theo Nga. Thực chất thì các biến động kinh tế do cuộc chiến Nga – Ukaine hiện nay ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Các quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô, thực phẩm và năng lượng từ Nga và Ukraine, trong khi giá cả của những mặt hàng này đã bị đẩy lên cao liên quan xung đột. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng thời bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình chung này nhưng chắc chắn là không ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt từ Nga như Chân Trời Mới Media rêu rao.

Theo đúng như các số liệu thì Nga chỉ đứng thứ 24 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu giữa hai nước cũng chỉ đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại của Nga. PGS.TS. Phạm Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết kim ngạch nhập khẩu này chỉ chiếm đúng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhưng vậy là có tới hơn 20 quốc gia khác đầu tư và làm ăn kinh tế với Việt Nam nhiều hơn nước Nga, và họ hoàn toàn có thể bù đắp các phần bị ảnh hưởng.

Đây là biểu hiện sinh động về thành công của đường lối ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế mà Việt Nam luôn kiên định theo đuổi. Nhờ chính sách ngoại giao đúng đắn, Việt Nam hiện nay có nhiều hiệp định thương mại song phương với các quốc gia phát triển nhất trên thế giới, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xuất phát điểm của đường lối này là chúng ta luôn coi trọng lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia bạn bè, luôn “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói. Đây là cũng nguyên do mà Việt Nam đã bỏ phiếu trắng với Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến Nga – Ukraine ngày 2/3 vừa qua, một động thái đã bị nhiều đối tượng chống đối mỉa mai, chê trách, thậm chí vẽ ra nhiều thuyết âm mưu để đe dọa Việt Nam. Thế nhưng, ngay sau đó vào ngày 8/3 đã diễn ra Hội nghị kinh doanh Việt Nam – Mỹ, nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ khẳng định đặc biệt coi trọng thị trường Việt Nam. Theo bà Marisa Lago, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách thương mại quốc tế, hơn 100 chuyên gia Mỹ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong việc đầu tư, thúc đẩy thương mại hai chiều phát triển hơn nữa.

Không lạ gì Chân Trời Mới Media với những chiêu trò ngụy biện, ném đá và “trù ẻo” đất nước lâu nay. Qua cái cách dẫn chứng và lấy số liệu, có thể khẳng định họ đã phải rất vất vả mới tìm ra được các thông tin “có vẻ như” là những nguy cơ cho Việt Nam, thế nhưng thực chất chỉ là “vẽ chuyện, có bé xé ra to”, thiếu hiểu biết.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều