Trở nên cực kỳ khó đoán, điều gì đang xảy ra với ông Kim Jong-un?
Ngay cả theo tiêu chuẩn của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn có những hành động không thể đoán trước được trong năm nay.
Ông từng hứa sẽ tiết lộ “vũ khí chiến lược mới” để đối phó Mỹ nhưng rồi lại giảm các vụ thử tên lửa đạn đạo. Ông gửi thư chia buồn đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về dịch Covid-19 hồi tháng 3 để rồi vào tuần rồi cho phá hủy văn phòng liên lạc trị giá 15 triệu USD được Seoul xây dựng.
Hôm 24-6 qua, ông Kim tiếp tục gây bất ngờ khi tuyên bố đình chỉ các “kế hoạch hành động quân sự” nhằm vào Hàn Quốc mới được công bố. Vài giờ sau, Seoul cho biết đã quan sát thấy Triều Tiên gỡ bỏ các loa phóng thanh được lắp đặt gần đây để phát sóng tuyên truyền qua biên giới.
Các nhà lãnh đạo Triều Tiên lâu nay vẫn dựa vào sự khó đoán của bản thân để gây áp lực lên các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, những thay đổi chính sách gần đây có thể chỉ ra một rắc rối lớn hơn với đối với ông Kim: Ông đang bị bế tắc.
Hơn 2 năm sau khi diễn ra một loạt cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa đạt được việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an ninh như mong muốn.
Để phá vỡ bế tắc, ông Kim cần tạo đủ áp lực để buộc ông Trump trở lại bàn đàm phán để có thể nhận được sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế đang gặp khó.
Tuy nhiên, Triều Tiên phải thận trọng, tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến đối đầu quân sự với Mỹ hoặc khiến Washington và Bắc Kinh gia tăng trừng phạt.
“Đây là một cuộc chơi phức tạp và Bình Nhưỡng hiện không có nhiều đòn bẩy để thật sự gây ảnh hưởng lên Washington. Tôi nghi rằng họ sẽ tiếp tục tăng cường căng thẳng hết mức có thể nhưng không muốn thực hiện các hành động khiêu khích có thể đóng hoàn toàn cánh cửa tiếp xúc với Tổng thống Trump” – ông Mintaro Oba, từng là một nhà ngoại giao Mỹ về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, nhận định.
Ông Kim đã sử dụng một loạt hướng tiếp cận kể từ khi hội nghị thượng đỉnh chính thức lần hai với ông Trump hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được.
Đầu tiên, ông Kim tăng cường các cuộc thử nghiệm vũ khí và phát đi cảnh báo đến Mỹ trong lúc bỏ ngoài tai đề nghị đối thoại của ông Moon.
Trong những ngày gần đây, ông để em gái Kim Yo-jong điều hành chiến dịch khiêu khích và đe dọa Hàn Quốc, trong đó có cả vụ phá hủy “đại sứ quán trên thực tế” của Seoul tại phía bắc biên giới ngày 16-6.
Bất thình lình, khi bán đảo Triều Tiên đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên hôm 25-6, truyền thông nhà nước đưa tin ông Kim ra lệnh quân đội hoãn kế hoạch đối với Hàn Quốc. Sau đó, quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol cảnh báo có thể xem xét lại việc đình chỉ này nếu các quan chức Hàn Quốc không cẩn thận.
Mặc dù sự đổi ý liên tục nói trên khiến cả thế giới không khỏi thắc mắc, chúng cũng cho thấy ông Kim hiện vẫn chưa sẵn sàng đi xa hơn thế. Những động thái nghiêm trọng hơn, như tấn công mục tiêu quân sự của Hàn Quốc hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công Mỹ, có thể gây ra hậu quả nguy hiểm nếu Tổng thống Trump xem điều này là mối đe dọa đến cơ hội tái đắc cử của mình.
“Nếu ông Kim tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạn liên lục địa đầy khiêu khích, Tổng thống Trump sẽ nhấn mạnh rằng ông sẽ đi xa hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, để giúp xây dựng nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” – ông John Sitilides, một chiến lược gia địa chính trị tại Công ty Trilogy Advisors (Mỹ) phỏng đoán. Điều này có nghĩa là sẽ không còn nới lỏng trừng phạt và “chính quyền ông Kim phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ thất bại ngoại giao nào”.
Dù vậy, ông Kim vẫn nắm trong tay một số lợi thế chiến lược. Chẳng hạn Bình Nhưỡng có thể tiếp tục sản xuất vật liệu hạt nhân, xây dựng một kho vũ khí có thể gồm đến 100 đầu đạn hạt nhân vào cuối năm nay, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ). Điều đó khiến vấn đề Triều Tiên trở thành mối đe dọa lớn hơn cho bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ và làm tăng đòn bẩy của ông Kim trong các cuộc đàm phán.
P.Võ/NLD