+
Aa
-
like
comment

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội: ‘Nếu bí thư do đại hội bầu, mọi thứ sẽ khác’

25/09/2019 19:40

Theo Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông, cần tổng kết việc thí điểm đại hội Đảng bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư.

Nhiều người từ cấp ủy sang nhưng nhân dân không tín nhiệm

Chia sẻ tại hội thảo khoa học Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, PGS – TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cho rằng cầm quyền là phải cầm quyền bằng nhà nước, thông qua việc giới thiệu, cử cán bộ Đảng vào làm việc trong bộ máy nhà nước. “Đây là nhân tố quyết định tính chính danh, cầm quyền của Đảng và hiệu quả cầm quyền của Đảng”, ông Thông nói và cho biết, để cử cán bộ vào thì phải lựa chọn, và cách lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là bầu cử.

“Bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng”, ông Thông nhấn mạnh và khẳng định, đổi mới bầu cử trong Đảng là then chốt nhất trong số những vấn đề then chốt để chọn được người đủ tâm, đủ tầm, đủ độ tin cậy, hạn chế tối đa những sai lầm.

Theo ông Thông, nhà nước có chế độ bầu cử riêng, theo luật còn Đảng thì thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng. Cho biết hiện nay có 3 quy chế quan trọng về chế độ bầu cử trong Đảng, trong đó có Quyết định 244 năm 2014 của T.Ư Đảng là rất quan trọng, song ông Thông chỉ rõ, giới quan sát và nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục suy nghĩ để thực hiện tốt bầu cử trong Đảng.

Ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội /// Ảnh Ngọc Thắng
Ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Thông phân tích, có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong nhà nước vì nếu chọn không tốt thì khi đưa ra nhân dân chưa chắc đã trúng.

“Thực tiễn bầu cử hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội vừa rồi cho thấy, có những người được giới thiệu nhưng trượt, nhân dân không tín nhiệm. Vừa rồi chúng ta thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Tuy nhiên, trong thực tiễn có địa phương lên kế hoạch rồi nhưng thực hiện lại không được. Trúng bí thư cấp ủy nhưng lại không trúng hội đồng nhân dân. Nhiều người từ cấp ủy sang nhưng nhân dân không tín nhiệm”, ông Thông chia sẻ.

Cung cấp thông tin nhân sự để tránh râm ran tin đồn

Từ thực tiễn trên, ông Thông nêu ra 4 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong công tác bầu cử trong Đảng.

Cụ thể, tập trung dân chủ là nguyên tắc xuyên suốt trong chế độ bầu cử của Đảng. Tuy nhiên, theo quy chế tại Quyết định 244 thì cấp ủy viên không được nhận đề cử, không được đề cử người khác nếu như không được cấp ủy triệu tập đại hội. Bên cạnh đó, cấp ủy viên không được quy hoạch vào khóa mới thì không được nhận đề cử tại đại hội. Cấp ủy viên cũng không được giới thiệu người ngoài danh sách đề cử.

Theo ông Thông, “không được giới thiệu thì dân chủ có vấn đề” và đề nghị có thể cấp ủy viên không được nhận đề cử nhưng nên cho phép giới thiệu người khác và nếu được đại hội đồng ý 50% thì cho vào danh sách.

Vấn đề thứ hai, ông Thông cho rằng, các đảng viên không phải là đại biểu dự đại hội bầu cử gián tiếp thông qua các đại cử tri, như vậy quyền bầu cử, ứng cử của đảng viên bị hạn chế. Do đó, cần phải cung cấp các thông tin cần thiết cho đảng viên về nhân sự đại hội để tránh tình trạng “râm ran tin đồn”.

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần thiết phải cung cấp thông tin cho đảng viên về quy hoạch và cung cấp trước đại hội.

“Chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện ủy viên T.Ư khóa XIII thì 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết. Để đảng viên giám sát họ. Bộ Chính trị hôm qua vừa quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Nhưng Đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì sao kiểm soát được”, ông Thông nói.

Hồ sơ ứng viên cần có chương trình hành động để giám sát

Bên cạnh đó, ông Thông cũng bày tỏ, lâu này chúng ta có quan điểm cạnh tranh bầu cử trong Đảng là có số dư nhưng cạnh tranh trong bầu cử còn có tranh cử.

Các đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội là phải đi vận động, tranh cử, trình bày trước cử tri nhưng trong Đảng, các ứng cử viên không có chương trình hành động. “Vậy khi tôi bầu anh thì anh sẽ làm gì sau khi trúng cử?”, ông Thông nêu và đề nghị, hồ sơ của ứng cử viên bắt buộc phải có chương trình hành động để các đại biểu nghiên cứu, đồng thời giám sát suốt nhiệm kỳ.

Theo ông Thông, số dư hiện nay quy định là 30% là quá ít, tính cạnh tranh thấp, cơ bản giới thiệu là trúng nên đề nghị cần tăng số dư lên để trao quyền lớn hơn cho các đại biểu.

Điểm cuối cùng mà ông Thông đề nghị suy nghĩ, hoàn thiện là việc có nên bầu cử trực tiếp hay không. Theo đó, cần có tổng kết việc thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư. “Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức đảng, vị thế sẽ rất khác”, ông Thông nhấn mạnh.

Lê Hiệp/Thanh Niên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều