+
Aa
-
like
comment

Trở lại vĩ tuyến 17

28/04/2020 11:08

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 là những cái tên quen thuộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng ghi dấu nỗi đau chia cắt của dân tộc, nay đã trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ. Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi trở về thăm vùng đất nổi tiếng này.

Lúa vụ Đông Xuân của xã Trung Hải năm nay được mùa chưa từng có.

Về với “Cầu Hiền Lương – đôi bờ sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17” những ngày này như trở về với mảnh đất của những câu chuyện anh hùng và sáng tạo, đổi mới trong phát triển. Sau Hiệp định Genève năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã buộc cả dân tộc ta phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ thống nhất đất nước. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Khu vực Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền nam.

Trong những năm tháng ấy, quân đội Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt với các chiến lược chiến tranh thâm độc cùng hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học muốn biến Quảng Trị thành vùng đất lửa, là nơi thử nghiệm vũ khí và các kiểu chiến tranh hiện đại. Nhưng người dân Quảng Trị vẫn luôn quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”. Sông Bến Hải đêm đêm tấp nập những chuyến đò chuyển quân và vũ khí từ lũy thép Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền nam ruột thịt, để thực hiện lời thề với Bác Hồ “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”, cùng cả nước viết nên khúc ca khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Cầu Hiền Lương năm 1967, trước khi bị bom Mỹ đánh sập – Ảnh tư liệu của gia đình Đại tá Vĩnh Thành, Phó Giám đốc Công an Quảng Trị (người đứng thứ ba, từ bên phải sang).

Những người cháu của các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Ông Lê Đức Kiên, Chủ tịch UBND xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, một xã nằm ngay bờ bắc cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, dẫn chúng tôi đến thăm nhà thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Kiễng ở thôn Đông. Mẹ Kiễng có bảy người con trai thì ba người hy sinh trong chiến tranh, hai người thiệt mạng vì bom đạn của địch. Trong những người cháu của Mẹ Kiễng, có ông Nguyễn Văn Bài và ông Nguyễn Văn Thơ là cháu nội, đều được Đảng và Nhà nước đưa ra miền bắc nuôi ăn học đàng hoàng.

Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương, cả hai ông đều phấn đấu trở thành những cán bộ có năng lực, toàn tâm, toàn ý xây dựng quê hương đất nước. Ông Bài được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị hai nhiệm kỳ; còn ông Thơ trở thành Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiên cho biết, xã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cho 32 Bà mẹ VNAH, 209 liệt sĩ. Ông Phạm Văn Á, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vĩnh Thành, là chắt nội của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Liễm. Mẹ Liễm có ba người con trai thì hai người hy sinh trong chiến tranh, người còn lại cũng là thương binh. Ông Á cho biết đời sống xã viên trong hợp tác xã nuôi trồng thủy sản khá ổn định. Hiện hợp tác xã có 102 xã viên nuôi tôm trên diện tích 69 héc-ta, doanh thu hằng năm lên đến 50 tỷ đồng.

Đối diện xã Hiền Thành của huyện Vĩnh Linh ở phía bờ bắc, là xã Trung Hải của huyện Gio Linh nằm ngay bờ nam cầu Hiền Lương – sông Bến Hải. Từ năm 1967 trở về sau, vùng đất xã Trung Hải trở thành “vàng đai trắng” của “Hàng rào điện tử McNamara”, ngày đêm địch quần nát xóm làng. Người dân sơ tán ra bắc, chỉ còn lại du kích bám trụ chiến đấu cùng những người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Hải cho biết địa phương có tới 77 Bà mẹ VNAH, 349 liệt sĩ. Riêng thôn Xuân Long tuy chỉ có 196 hộ dân nhưng có đến 140 liệt sĩ, 13 Bà mẹ VNAH. Trong đó, Mẹ VNAH Ngô Thị Nga có hai người con trai và chồng cùng hy sinh, mẹ VNAH Hoàng Thị Thự có chồng và hai người con đều là liệt sĩ. Xã Trung Hải được mệnh danh là “xã đỏ” trên “vành đai trắng”.

Ông Nguyễn Văn Bài (bên phải) cháu nội của Bà mẹ VNAH đang trò chuyện với tác giả.

Cũng như truyền thống ở xã Hiền Thành, các người cháu nội của các Mẹ VNAH thuộc xã Trung Hải luôn có khát vọng vươn lên, sống có ích cho đất nước, thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau phát triển. Họ đều được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện ăn học để đền đáp phần nào sự hy sinh, mất mát của các Mẹ dành cho Tổ quốc. Hàng trăm người cháu của các Mẹ đều trở thành những cán bộ, công chức phục vụ đất nước. Người làng Xuân Mỵ có anh Nguyễn Xuân Huyến và anh Nguyễn Xuân Thọ, đều là cháu nội của hai Mẹ VNAH. Cùng công tác ở thành phố Đông Hà nhưng cứ mỗi cuối tuần họ lại về quê thăm bà con và thắp hương cho các Mẹ và thế hệ đi trước. Các anh đều đang giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị, và luôn sống có ý nghĩa như ông cha kỳ vọng.

Niềm vui từ những ngôi làng

Đã thành lệ, vào những ngày tháng Tư lịch sử, ông Hoàng Nghị và vợ là bà Hoàng Thị Hoa ở làng Hiền Lương, xã Hiền Thành, phía bắc sông Bến Hải, đều dẫn các cháu của mình dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương. 47 năm trước, gia đình ông Hoàng Nghị, ở bờ bắc sông Bến Hải đã làm lễ rước bà Hoàng Thị Hoa, người bờ nam về làm dâu. Lễ cưới của hai ông bà là lễ cưới đầu tiên được rước dâu qua cầu Hiền Lương, khi đó vừa mới được xây dựng lại, ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết chỉ vài tháng.

Vợ chồng ông Nghị, bà Hoa hạnh phúc dẫn các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, ông bà bùi ngùi nhớ lại hình ảnh lễ cưới của hai người. Hôm ấy, họ hàng hai bên đứng thành hai hàng trên cầu Hiền Lương vỗ tay thay cho tiếng pháo đón dâu mừng hạnh phúc. Ông nắm tay bà đi bộ qua cầu mà vẫn không tin được số phận sắp đặt cho hai người trở thành đôi uyên ương đầu tiên tổ chức lễ cưới và rước dâu qua cầu Hiền Lương. Bởi vì, trước đó đất nước bị chia cắt ròng rã suốt mấy mươi năm trời: “Sông Bến Hải bên trong bên đục. Trách ai làm cho non nước chia đôi”. Điệu hò xưa ấy đã đi vào ký ức của dân tộc Việt Nam với nỗi đau không thể nào quên.

Nhưng tháng Tư nay đã khác rồi. Trời Quảng Trị xanh thẳm. Lúa Đông Xuân chín vàng rực, được mùa chưa từng có, nông dân đôi bờ mãn nguyện khi doanh nghiệp mua lúa cho họ ngay trên đồng ruộng với giá cao. Đồng chí Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh luôn có tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế, xã hội. Dọc bờ bắc sông Bến Hải, các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Giang…đang là những xã nông thôn mới trù phú với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao… đã đưa thu nhập bình quân đầu người dân của huyện Vĩnh Linh đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Thương hiệu miến gạo sạch “Loan Hảo” nổi tiếng được người dân xã Hiền Thành sản xuất

Về phía bờ nam, đồng chí Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tự hào vì quê hương đã đi lên từ “vành đai trắng” của “Hàng rào điện tử McNamara”. Đảng bộ huyện Gio Linh quyết tâm khai thác hiệu quả các thế mạnh kinh tế vùng đồng bằng và gò đồi từ các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio An. Nét nổi bật là Gio Linh trở thành huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển. Hằng năm tổng sản lượng thủy sản ngư dân khai thác được chiếm gần 60% sản lượng toàn tỉnh, với đội tàu xa bờ hùng mạnh vừa đánh cá vừa bảo vệ biển đảo quê hương. Ngoài ra, phát triển du lịch ven biển cũng là mũi nhọn kinh tế của huyện khi được thiên nhiên ưu đãi, có chiều dài bờ biển lên đến 16 km với các địa điểm nghỉ dưỡng như Trung Giang, Gio Hải, Cửa Việt được du khách trong và ngoài nước lựa chọn mỗi khi đến Quảng Trị.

Trong niềm vui kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ: Chúng ta cần xóa đi sự ám ảnh về nỗi đau chia cắt để xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh, độc lập, đoàn kết, đó mới là tinh thần của dân tộc. Chính phủ đã đồng ý trên cơ sở của cụm di tích quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải” cho tỉnh Quảng Trị xây dựng công viên Thống Nhất, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình.

Lâm Quang Huy/ND

Bài mới
Đọc nhiều