+
Aa
-
like
comment

Trò chơi ngôn ngữ của ông Duterte

17/08/2019 19:33

Những tuyên bố cứng rắn khác thường gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 13-8-2019 đặt dấu hỏi: ‘Phải chăng tuần trăng mật Trung – Phi đã kết thúc?’.

Có lẽ cần nhìn vấn đề trong các mối quan hệ khác, với người dân và quân lực Philippines.

Rõ ràng là những phát biểu “dọn đường” của ông Duterte ngay trước khi ông dự kiến thăm Trung Quốc (lần thứ 5 trong nhiệm kỳ tổng thống sáu năm mới được nửa đường), tỉ như bàn về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông hay phán quyết của tòa The Hague, không thuận tai Bắc Kinh cho lắm.

SCMP bình luận: “Một số nhà quan sát nói tình hình hiện tại khác biệt rõ rệt với chuyến đi đầu tiên của ông Duterte đến Trung Quốc vào năm 2016”.

Chuyến đi 3 năm trước

SCMP nhắc lại những thề thốt cũ của ông Duterte trong chuyến đi tháng 10-2016 đó: “Sau khi tuyên bố “tôi tách khỏi Hoa Kỳ” rất được hoan nghênh, ông nài nỉ: “Tôi đến đây… không phải khơi khơi xin xỏ, nhưng nếu được, Trung Quốc sẽ tìm thấy tự trong lòng mình lý do để giúp chúng tôi trong lúc cần kíp này và sau đó chúng tôi sẽ nhớ ơn suốt đời”. Những ngôn từ ngoại giao hiếm thấy!

Trò chơi ngôn ngữ của ông Duterte - Ảnh 1.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Philippines năm 2018 của ông Tập – Ảnh: ASIA NEWS

SCMP không quên nhắc đáp từ của chủ nhà: “Trung Quốc vui lòng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi chuyến thăm của ông Duterte là “một cột mốc”, và hai quốc gia là “hàng xóm” và “anh em ruột thịt””.

Kết quả chuyến thăm: “Khi Duterte rời Bắc Kinh bốn ngày sau đó, Trung Quốc đã đưa ra một loạt ưu đãi tài chính: 15 tỉ USD đầu tư trực tiếp và giao dịch thương mại; 9 tỉ USD cho vay lãi suất thấp; hạn mức tín dụng trị giá 3 tỉ USD, theo Bloomberg; và 1 triệu khách du lịch Trung Quốc, theo Zhao Jianhua (Triệu Giám Hoa), đại sứ Trung Quốc tại Manila.

Đáp lại những lời hứa này, lượng vốn tổng cộng khoảng 27 tỉ USD, ông Duterte được cho là sẽ gạt bỏ phán quyết của Liên Hiệp Quốc với yêu sách của Trung Quốc về “đường chín đoạn” – cơ sở của yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông cùng các tài nguyên biển và dự trữ dầu mỏ”.

Sau khi giở lại quan hệ Duterte – Trung Quốc từ chuyến thăm cột mốc đầu tiên, SCMP dừng ở một cột mốc khác: “Đến tháng 4 năm nay, khi Duterte rời Diễn đàn châu Á Bác Ngao do Trung Quốc tài trợ, sự ngưỡng mộ của ông dành cho Bắc Kinh không hề suy giảm.

Ông nói với các phóng viên: “Đơn giản là tôi yêu quý ông Tập Cận Bình. Ông ấy thấu hiểu vấn đề của tôi và muốn giúp đỡ””.

Để tỏ rõ rằng ông Duterte đã “trao duyên” đúng chỗ, đúng theo ý chánh của tựa bài báo là “tuần trăng mật giữa Trung Quốc và Philippines”, SCMP nhắc lại thái độ đáp trả của Trung Quốc: “Về phần mình, (đại sứ) Zhao hứng khởi viết một bài cho tờ China Daily, trong đó ông còn trích cả một bài thơ Trung Quốc: “Nước lặng, gió hòa. Hãy ra khơi đến biển bao la”, và bình luận: “cưỡi gió và vỗ sóng, Trung Quốc cùng với Philippines sẽ tiếp tục lái con tàu xây dựng Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 về phía một tương lai tươi sáng hơn””.

Nhìn xa hơn trong lịch sử, ông Duterte không hẳn đã thân Trung Quốc hơn một số tổng thống tiền nhiệm, trừ ông Benigno Aquino III, người nắm quyền ngay trước ông Duterte và kịch liệt chống Trung Quốc.

Trong diễn văn tại Diễn đàn Bác Ngao lần thứ nhất ở Philippines tháng 4 vừa rồi, ông Duterte đã cảm ơn những người tiền nhiệm đó: “Tôi hài lòng với việc qua nỗ lực từ những người tiền nhiệm của tôi – Tổng thống Ramos là một nhà sáng lập và Tổng thống Arroyo hiện là thành viên của hội đồng quản trị – Diễn đàn Bắc Ngao đã trở thành công cụ thiết lập quá trình kinh tế Philippines trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập khu vực”.

Cần nhắc ông Ramos làm tổng thống Philippines từ năm 1992-1998 và là đồng minh chính trị chí thiết của ông Duterte, người đã thúc đẩy và bảo trợ để ông Duterte ra tranh cử. Đáp lại, tháng 7-2016, chỉ một tháng sau khi lên nắm quyền, ông Duterte chỉ định ông Ramos, khi đó đã 88 tuổi, làm đặc phái viên của tổng thống trong cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc.

Còn bà Arroyo, làm tổng thống từ năm 2001-2010, từng đối mặt với việc bị luận tội vì chấp thuận cho một công ty Trung Quốc xây dựng hệ thống hạ tầng Internet băng thông rộng quốc gia cho Philippines, một thỏa thuận mờ ám mà bà bị nghi ngờ tham nhũng.

Thái độ hiện tại

Ông Duterte ít nhiều đổi giọng có vẻ từ tháng 7-2019, sau khi quân đội Philippines cảnh báo ông việc các tàu cá bán quân sự của Trung Quốc “lúc nhúc” quanh đảo Pag-Asa (Thị Tứ). Lần này, ông Duterte đâm ra rụt rè: “[Trung Quốc] đã giúp chúng ta một chút. Nhưng vụ này khiến chúng ta phải tự hỏi liệu một quốc gia có thể yêu sách toàn bộ đại dương không”.

Theo SCMP, “mối quan hệ càng trở nên căng thẳng khi một tàu cá Trung Quốc hồi tháng 6 đâm vào một chiếc thuyền nhỏ của 21 ngư dân Philippines. Các quan chức nội các Duterte ngày càng chỉ trích Trung Quốc trong các tuyên bố của họ.

Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia và là một viên tướng hồi hưu, cảnh báo rằng dòng người lên đến 1,2 triệu khách du lịch và 138.000 công nhân Trung Quốc trong năm 2018 phải bị coi là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh quốc gia”.

Sau đó là cảnh báo từ Bộ Quốc phòng Philippines và cả các bộ ngành khác: “Đến tháng 7, quân đội Philippines cho biết hai du khách Trung Quốc bị bắt gặp chụp ảnh một căn cứ hải quân trên đảo Palawan. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana công khai kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jnr gửi công hàm phản đối Trung Quốc…

Thông qua Twitter, ông Locsin xác nhận sẽ gửi công hàm phản đối”. Việc ngay chính các cận thần của ông Duterte nay cũng lên tiếng cứng rắn với Trung Quốc khiến nhiều câu hỏi được nêu ra: phải chăng tình hình đã đến mức “chịu không nổi nữa”? Liệu những động thái đó có phải là dọn đường để ông Duterte lên tiếng? Hay là sức ép buộc ông phải lên tiếng?

Giở lại những “lình xình” sau vụ tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc húc chìm và bỏ mặc, thủy thủ đoàn suýt chết nếu không được ngư dân Việt Nam cứu, ông Duterte vẫn nhất mực cho rằng đây chỉ là một “tai nạn hàng hải”, điều khiến dư luận nổi đóa, đến nỗi thuyền trưởng thuyền đánh cá bị nạn trên đường đến gặp ông Duterte tại dinh tổng thống đã xuống xe bỏ về nhà!

Những chuyện khó nói

Sự phản ứng không chỉ từ dân chúng. Quân đội cũng đã có những động thái tuy nhẹ nhàng nhưng rõ rệt. Channel News Asia ngày 6-8-2019 cho biết quân đội Philippines đưa ra cảnh báo liên quan tới an ninh quốc gia với kế hoạch của chính phủ cho phép nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các đảo Grande và Chiquita, gần căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic cũng như đảo Fuga ở bắc Philippines.

Phát ngôn viên quân lực Philippines, thiếu tướng Edgard Arevalo, khuyến cáo: “Các đảo này giữ vai trò quan trọng trong nền quốc phòng của Philippines. Dù nhất trí với mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta cần cân nhắc khía cạnh an ninh, vốn có thể bị tổn hại nếu không nghiên cứu đầy đủ ảnh hưởng của quyết định cho các pháp nhân nước ngoài thuê đảo”.

Trong một chi tiết đáng chú ý khác, người phát ngôn lục quân Philippines, trung tá Ramon Zagala, hôm 10-7 đã lên truyền hình nói rằng quân đội phải trung thành với chuỗi mệnh lệnh chỉ huy và do tổng thống là tổng tư lệnh nên phải trung thành với tổng thống.

Tuy nhiên, tướng Arevalo nói việc ông Zagala yêu cầu binh lính trung thành với tổng thống là không đúng với lời tuyên thệ trước luật pháp của quân đội. Tướng Arevalo nhắc rằng “quân lực Philippines là người bảo vệ nhân dân và nhà nước. Đó là nhiệm vụ hiến định của chúng ta và chúng ta sẽ tuân thủ nhiệm vụ này”.

Việc hai sĩ quan cấp cao của quân đội nói ngược nhau công khai đã làm dấy lên tin đồn đảo chánh. Ngày 10-7-2019, Newsweek là một trong những tờ báo chính thống loan tin: “Ông Duterte than rằng ông đang đối diện một cuộc đảo chánh khi quân đội đang sôi sục”.

Đây không phải lần đầu tiên một tổng thống Philipines bị đe dọa đảo chánh, thậm chí không phải là lần đầu với ông Duterte. Ngày 11-9-2018, chính ông tuyên bố trong một phỏng vấn ở dinh tổng thống: “Tôi từng nói rõ rồi. Nếu quân đội nghĩ tôi không xứng ngồi đây thì cứ việc ra tay”.

Có thể ngờ rằng hiện giờ trước khi lên đường sang Bắc Kinh lần thứ 5, ông Duterte đang áp dụng câu “ngôn ngữ là thần Janus hai mặt”, lớn tiếng với Trung Quốc để giữ… an toàn. Báo chí Philippines đang thắc mắc về cả thỏa thuận khai thác dầu khí và đánh cá chung Trung – Phi mà ông Duterte đã loan báo, không hiểu phải chăng đó chỉ là việc hợp thức hóa cho Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Cho tới giờ vẫn chỉ có rất ít thông tin cụ thể về những thỏa thuận này, nhưng tình hình hiện tại cho thấy chuyến đi sắp tới của ông Duterte sang Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc ông có ngồi hết được nhiệm kỳ của mình hay không.

Tính đến ngày 1-8-2019, nếu như ông Duterte đã thăm Trung Quốc bốn lần thì ông cũng đã thăm Nhật Bản được ba lần.

Trong chuyến thăm đầu tiên, tháng 10-2016, ông chốt được thỏa thuận cung cấp thiết bị cho lực lượng vũ trang Philippines, gồm 10 tàu tuần tra, 5 máy bay huấn luyện Beechcraft TC-90 cùng các thuyền cao tốc để tăng cường khả năng an ninh hàng hải và chống khủng bố.

Hai bên cũng ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ tự do hàng hải – hàng không và luật pháp khi giải quyết tranh chấp. Một năm sau, tháng 10-2017, ông Duterte sang thăm Nhật lần thứ hai và Tokyo loan báo dành 9 tỉ USD cho việc tái thiết thị trấn Marawi từng bị khủng bố chiếm đóng trước đó.

Mới tháng 5 vừa rồi, ông Duterte thăm Nhật lần thứ ba, và giới doanh nhân hai nước đã ký kết 26 dự án trị giá 5,5 tỉ USD. Ở góc độ tổng quát hơn, Bloomberg ngày 23-6-2019 chạy tít: “Nhật Bản vẫn dẫn đầu trong cuộc đua cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, ngay cả khi Trung Quốc tăng cường đầu tư cho Vành đai – con đường”.

Theo đó, các dự án được Nhật Bản hỗ trợ ở sáu nền kinh tế lớn nhất khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) giá trị 367 tỉ USD, so với các sự án của Trung Quốc là 255 tỉ USD. Các dự án của Nhật cũng ít “điều tiếng” hơn của Trung Quốc và càng ít bị soi mói từ góc độ an ninh quốc gia.

DANH ĐỨC/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều