+
Aa
-
like
comment

Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng

Bích Ngân - 03/07/2024 14:37

Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC, cùng 49 bị cáo khác sẽ được Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử vào ngày 22/7. Vụ án này thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và giới đầu tư do liên quan đến những cáo buộc nghiêm trọng về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo việc sử dụng Công ty Faros làm công cụ để nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Ông Quyết đã lãnh đạo và chỉ đạo Tổng Giám đốc FLC, ông Doãn Văn Phương, cùng em gái ông là bà Trịnh Thị Minh Huế (kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) thực hiện các thủ tục này.

Bên cạnh đó, ông Quyết còn chỉ đạo mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Những khoản tiền này sau đó được sử dụng cho mục đích cá nhân. Ông Quyết đã thừa nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả với số tiền hơn 189 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng chỉ ra rằng, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã thao túng giá năm mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng. Dù vậy, CQĐT chưa xác định được thiệt hại cụ thể của nhà đầu tư trong hành vi này.

Theo cơ quan điều tra đã xác định có 30.403 nhà đầu tư mua 391.155.480 cổ phiếu ROS từ ông Trịnh Văn Quyết, với tổng giá trị thu về hơn 4.818 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Faros chỉ có vốn chủ sở hữu thực là hơn 1.197 tỷ đồng, còn lại là vốn góp khống lên tới hơn 3.102 tỷ đồng. Do đó, ông Quyết đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền 3.621 tỷ đồng.

Đến nay, kết quả điều tra xác định có 133/30.403 bị hại đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu, với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó, 95/133 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại với số cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống có giá trị mua là hơn 1,3 tỷ đồng.

Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hà Nội, Tòa xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS). Những người này và các cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác đều được triệu tập đến phiên xét xử.

Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra, đồng thời, Bộ Công an và VKSND Tối cao đã nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị những người bị hại đã mua cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán khai báo, tiến hành xác minh, lấy lời khai để xem xét, giải quyết trong vụ án.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Quyết cùng ba người khác đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn của Công ty CP xây dựng FLC Faros. Từ 1,5 tỷ đồng, vốn điều lệ đã được thổi phồng lên 4.300 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy hai năm, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros, gấp gần 3.000 lần giá trị thực.

Tuy nhiên, khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán toàn bộ số cổ phiếu mình đang nắm giữ, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên năm cá nhân khác, thu về hơn 6.400 tỷ đồng.

Sau những đợt tăng vốn ảo, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã có thời gian dài “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau những đợt bị thổi giá, cổ phiếu này cũng bị giảm sâu, hiện tại giá trị của cổ phiếu này chỉ còn khoảng 2.500 đồng, không bằng một cốc trà đá. Nhiều nhà đầu tư đã phải gánh chịu thua lỗ lớn.

Công an bắt đầu bê các tài liệu, vật dụng bị niêm phong ra ngoài trụ sở FLC.

Trước đó ngày 29/3, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ nhiều sai phạm của ông Quyết liên quan đến việc “thổi giá” cổ phiếu với mục đích thu lợi bất chính. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, với mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, và những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.

Đáng chú ý, vụ án liên quan đến Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC là một trong những vụ án kinh tế lớn và phức tạp, thu hút sự quan tâm của công chúng và giới đầu tư. Hành vi nâng khống vốn điều lệ và thao túng thị trường chứng khoán đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư và làm giảm uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên tòa xét xử sắp tới sẽ là bước quan trọng trong việc làm rõ sự thật và đảm bảo công lý cho người bị thiệt hại.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều