Trinh sát kể chuyện bán cà phê, phá đường dây xăng giả của Trịnh Sướng
Hàng chục trinh sát vào vai phụ việc tại quán cà phê, quán nhậu, chạy xe ôm, đánh cá suốt nhiều tháng ròng để lần theo đường dây sản xuất, mua bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng.
Cuối tháng 8/2109, vụ án sản xuất và mua bán xăng giả liên quan đến đại gia xăng dầu Trịnh Sướng dần khép lại.
Để triệt phá được đường dây sản xuất xăng giả cực lớn, hết sức tinh vi này, ngoài sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông, lực lượng trinh sát ròng rã nhiều tháng trời “nếm mật nằm gai”, đóng góp công sức vào thành công của chuyên án.
Từ những chiếc xe bị cháy
Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy xe máy, ôtô không rõ nguyên nhân. Để làm rõ những vấn đề trên, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành lấy tất cả những mẫu xăng tại các đại lý, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, phân tích và phát hiện một số mẫu xăng không đạt theo tiêu chuẩn, có nhiều bất thường.
Ngoài việc phân tích xăng, Cơ quan điều tra Công an Đắk Nông đã thu được một thông tin hết sức quan trọng là nguồn hàng mà các đại lý xăng dầu này nhập về được chào mời với giá thành thấp hơn so với mặt bằng giá xăng ngoài thị trường và được chiết khấu khá cao. Điều đó chứng tỏ ở các đại lý xăng dầu này đang có sự bất minh, gian dối.
Điều khó khăn là làm sao chứng minh được các đối tượng đã sản xuất xăng giả vì các sản phẩm xăng đưa ra thị trường đều có chỉ số Octan trong khung quy định xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh xăng kém chất lượng.
Thực tế, hàng năm, hầu như tỉnh nào cũng phát hiện xăng kém chất lượng, xăng không hóa đơn, chứng từ nhưng cũng chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính, không truy được tận cùng nguồn gốc xăng.
Do đó, để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đưa ra mục tiêu bằng mọi giá phải bắt quả tang hành vi pha chế xăng để chứng minh xăng giả.
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết nếu thành lập đoàn kiểm tra đơn thuần thì chỉ xử lý được phần ngọn, còn phần gốc không xử lý được thì khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Do đó, phải đảm bảo bắt được quả tang hành vi đang pha trộn dung môi, pha trộn chất kích RON và các chất tạo màu vào xăng nền thì mới xử lý được.
“Nếm mật nằm gai”
Tháng 1/2018, Công an tỉnh Đắk Nông đã thành lập chuyên án tiến hành vào cuộc điều tra, thu thập thông tin, tổ chức lên kế hoạch đấu tranh với nhóm đối tượng này trên địa bàn tỉnh rồi mở rộng ra các tỉnh thành khác. Hàng chục cán bộ thuộc các lực lượng của Công an tỉnh Đắk Nông nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ trinh sát, điều tra.
Trung úy Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông), tâm sự trước khi lên đường, lãnh đạo ban chuyên án đã căn dặn, hướng dẫn rất kỹ từ cách nhập vai, tiếp cận, thu thập thông tin, chứng cứ, chế độ báo cáo.
Trung úy Dũng được lãnh đạo ban chuyên án phân công đóng giả người làm thuê gần khu vực pha chế xăng giả của đại gia Trịnh Sướng. Rất may, có một quán cà phê gần đó đang tuyển nhân viên nên trung úy Dũng đã xin vào làm.
“Tôi cố gắng vừa làm sao nắm rõ mọi hoạt động, thu thập được chứng cứ báo về ban chuyên án vừa đảm bảo công việc của một tiếp viên quán cà phê để không bị nghi ngờ. Tuy nhiên, cũng có lần cứ mãi chú tâm dõi theo một chiếc xe bồn chở xăng vào khu vực pha chế nên làm đổ ly cà phê và bị bà chủ quát tháo”, trung úy Dũng nhớ lại.
Còn theo thượng úy Phạm Thanh Tú, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông, tất cả các điểm pha chế xăng giả đều có người canh gác cẩn mật. Những người trực tiếp pha chế xăng giả phần lớn là người thân tín của Trịnh Sướng.
Có những địa điểm nhìn giống như khu vực bỏ hoang, cỏ mọc um tùm mỗi ngày chỉ có ít chiếc xe bồn ra vào chớp nhoáng rồi cửa đóng kín mít. Những khu vực này, khi có người lạ đi qua thì liền bị để ý khiến việc tiếp cận, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi được ban chuyên án chỉ đạo tiếp cận các điểm pha chế xăng giả từ đường sông. Ngày ngày, tôi lênh đênh trên thuyền vào vai người đánh bắt cá. Đêm xuống, neo đậu sát hơn khu vực pha chế để theo dõi từng động tĩnh. Có những đêm mưa gió như muốn nhấn chìm thuyền, người ướt đẫm, lạnh buốt”, thượng úy Tú kể lại những tháng ngày trinh sát của mình.
Nhiều chiến sĩ trinh sát còn khá trẻ, nhiều người vợ mới sinh hoặc con còn nhỏ nhưng vì nhiệm vụ, các anh đã biền biệt nhiều tháng trời để bám sát mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ.
“Khi nhận nhiệm vụ, con tôi mới 1 tháng tuổi, khi về con đã biết ngồi. Cũng may là vợ thấu hiểu, thông cảm cho công việc của mình”, trung úy Dũng chia sẻ thêm.
Theo đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, các doanh nghiệp này chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Tây và TP HCM nên Công an tỉnh Đắk Nông phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ kế hoạch đánh án, chọn lực lượng.
Các đối tượng làm xăng giả trong các kho hàng, tàu biển, mỗi xe bồn được pha chế trong khoảng 20 đến 30 phút nhưng đòi hỏi phải cùng lúc bắt quả tang tại nhiều điểm. Trong khi đó, tất cả các điểm pha chế được cảnh giới rất cẩn trọng, người lạ không thể lại gần, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, sự nỗ lực của tất cả ban chuyên án, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Liên quan đến đường dây sản xuất và mua bán xăng giả, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam 31 đối tượng.
Theo điều tra, từ năm 2017 đến ngày bị bắt, các đối tượng đã mua bán dung môi, chất làm tăng chỉ số Octan với số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng để sản xuất xăng dầu giả. Các đối tượng này đã đưa ra thị trường để tiêu thụ hơn 400 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ 3 triệu lít dung dịch các loại (có gần 2 triệu lít đã pha chế thành xăng giả).
Cao Nguyên/Người Lao Động