+
Aa
-
like
comment

Triều Tiên sẽ thử tên lửa ‘quái vật’ chào đón ông Biden?

28/11/2020 19:32

Triều Tiên có thể thử tên lửa, thậm chí là vũ khí hạt nhân, để gửi thông điệp tới chính quyền mới của ông Joe Biden, như cách nước này từng làm với hai đời tổng thống Mỹ trước.

Ông Kim Jong Un nằm trong số các lãnh đạo thế giới chưa thừa nhận chiến thắng của Joe Biden, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đồng minh chủ chốt của Triều Tiên – gửi điện chúc mừng tổng thống đắc cử Mỹ vào giữa tuần này.

Mối quan hệ Mỹ – Triều thời gian tới có thể xấu hơn cả thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, khi Washington triển khai chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên cho đến khi nước này ngừng khiêu khích, theo Bloomberg.

Tuy vậy, những năm qua, Bình Nhưỡng vẫn đều đặn thực hiện các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, trở thành mối đe dọa ngày càng rõ rệt với nước Mỹ.

Chào đón ông Biden bằng tên lửa ‘quái vật’ thế hệ mới? “Bất kỳ ai nắm quyền ở Nhà Trắng cũng khó có thể thay đổi hành vi hay chiến lược của Bình Nhưỡng với Mỹ. Vũ khí hạt nhân luôn là cốt lõi sức mạnh của Triều Tiên. Nó được chứng minh hiệu quả trong nhiều thập kỷ”, Soo Kim, một nhà phân tích chính sách tại Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), nói.

Quan he My - Trieu anh 1
Loại ICBM khổng lồ vừa được Bình Nhưỡng tiết lộ trong cuộc duyệt binh tháng 10. Ảnh: Rodong Sinmun.

Triều Tiên dò xét chính quyền Obama bằng việc phóng tên lửa tầm xa và thử vũ khí hạt nhân chỉ vài tháng sau lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thứ 44 vào đầu năm 2009.

Khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng, Triều Tiên “chào mừng” bằng một loạt vụ phóng tên lửa. Đỉnh điểm là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11/2017. Đây là loại ICBM mà các chuyên gia tin rằng có thể mang đầu đạn hạt nhân đến Mỹ.

Tổng thống đắc cử Biden cũng có thể được chào đón bằng một vụ thử ICBM mới, theo Bloomberg.

Đây chính là loại mà Bình Nhưỡng giới thiệu trong cuộc duyệt binh vào tháng 10. “Tên lửa này là một con quái vật”, Melissa Hanham, Phó giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở, nói với Reuters.

Các chuyên gia nhận định tên lửa mới của Triều Tiên có vẻ được thiết kế dựa trên Hwasong-15, vốn là ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí nước này.

“Bình Nhưỡng cần thử nghiệm ICBM mới để chứng tỏ nó đáng tin cậy trong mắt đối thủ. Triều Tiên chỉ cần ICBM của họ đủ chính xác để răn đe Mỹ”, Hanham nói.

Triều Tiên luôn xem vũ khí hạt nhân là bảo bối quốc gia, giúp ngăn chặn cuộc tấn công quân sự từ Mỹ.

Dưới thời ông Trump, tổng thống Mỹ hai lần tiếp xúc trực tiếp với ông Kim Jong Un. Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên từ chối phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có thể nhận được bất kỳ phần thưởng nào.

Sự chần chừ của Bình Nhưỡng Trong một động thái khác, Wall Street Journal dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong Un yêu cầu các quan chức chính phủ kiềm chế không khiêu khích Mỹ. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang thận trọng hơn với chính quyền sắp tới của ông Biden.

Quan he My - Trieu anh 2
Nhà lãnh đạo Kim dường như vừa hy vọng, vừa lo lắng với chính quyền mới ở Mỹ. Ảnh: AFP.

Nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng nhận định các cuộc đàm phán với chính quyền tổng thống đắc cử Biden sẽ khó khăn hơn so với Tổng thống Trump. Chính phủ của ông Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi thảo luận truyền thống, thông qua các cuộc đối thoại theo từng cấp.

Điều này cần nhiều thời gian hơn để đạt được thỏa thuận. Nó trái ngược với cách tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng của Tổng thống Trump.

Trong quá trình tranh cử, ông Biden nhiều lần nhấn mạnh sẽ áp dụng chính sách “ngoại giao có nguyên tắc” với Bình Nhưỡng. Ông Biden nói chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu ông Kim Jong Un hứa trước là sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân.

Tổng thống đắc cử cũng chỉ trích những cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều, cho rằng ông Trump thất bại trong việc ngăn chặn sự phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Triều Tiên đang thể hiện cả sự hy vọng và lo lắng”, Kim Byung Kee, nhà lập pháp trong Ủy ban Tình báo quốc gia Hàn Quốc nói. Các quan chức Hàn Quốc nhận xét Bình Nhưỡng đang cố gắng giữ cánh cửa cho một hội nghị thượng đỉnh khác với Mỹ.

“Bình Nhưỡng sẽ rất khó chịu nếu chính quyền ông Biden khôi phục chính sách ‘kiên nhẫn chiến lược’ từ thời ông Obama. Mỹ gần như sẽ phớt lờ Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng ngừng khiêu khích và phát triển vũ khí hạt nhân”, nhà lập pháp Kim nói.

Từ đây cho đến ngày nhậm chức của tổng thống Mỹ mới, nghị sĩ Kim cho rằng Bình Nhưỡng sẽ theo dõi chặt chẽ những gương mặt đề cử vào đội ngũ an ninh quốc gia trong chính quyền Biden.

Trong khi đó, một số cựu quan chức an ninh Hàn Quốc lại cho rằng sự chần chừ của Bình Nhưỡng đối với chính quyền Biden đơn giản chỉ vì những khó khăn trong nước, như tình hình dịch bệnh hoặc kinh tế suy giảm.

Trung Hiếu/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều