Triều Tiên phóng tên lửa: Không chỉ là thông điệp chính trị
Theo giới phân tích, các vụ phóng tên lửa không chỉ là thông điệp gửi đến Mỹ, mà còn cho thấy các bước phát triển công nghệ vũ khí của Triều Tiên.
Triều Tiên ngày 10/9 thực hiện một loạt vụ phóng mới, chỉ vài giờ sau khi nước này thể hiện sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ.
Phản ứng với các vụ phóng tên lửa mới nhất này, Hàn Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và nhận định đây là các tên lửa tầm ngắn. Tuyên bố của quân đội Hàn Quốc cho rằng, những hành động này của Triều Tiên không ủng hộ cho những nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc kêu gọi các bên dừng ngay lập tức các hành động thù địch. Nhật Bản cũng ngay lập tức có phản ứng với vụ phóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đang thu thập và phân tích thông tin. Tuy nhiên các vật thể bay của Triều Tiên không vào lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế. Chúng tôi nghĩ Triều Tiên đang cố gắng cải thiện các công nghệ có liên quan đến tên lửa thông qua hàng loạt các vụ phóng liên tiếp”.
Ngay sau vụ phóng xảy ra, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và Đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon đã tổ chức các cuộc điện đàm thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như các biện pháp để đạt được bước tiến hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí có cuộc gặp sớm nhất để tiếp tục các cuộc đối thoại.
Vụ phóng chỉ diễn ra vài giờ sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trong một tuyên bố cho biết, Triều Tiên sẵn sàng có các cuộc đối thoại toàn diện với Mỹ vào cuối tháng 9, vào thời điểm và địa điểm đã được nhất trí. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng cảnh báo rằng, Mỹ cần phải đưa ra cách tiếp cận mới hoặc các cuộc đối thoại có thể lại tiếp tục đối mặt với thất bại. Thị trường cổ phiếu các công ty xây dựng Hàn Quốc có mối liên hệ với Triều Tiên đã tăng ngay sau thông báo của Triều Tiên. Phản ứng trước đề nghị của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, thông báo của Triều Tiên là thú vị và cần chờ đợi điều gì sẽ xảy ra.
Nhận định về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là thông điệp gửi đến Mỹ về những hậu quả sẽ xảy ra nếu Mỹ không đến bàn đối thoại với các đề xuất thực tế, đồng thời Triều Tiên đang tìm kiếm lợi thế trước vòng đối thoại mới với Mỹ. Bằng cách liên tục sử dụng tên lửa tầm ngắn đe dọa trực tiếp các quốc gia láng giềng cũng được coi là gây áp lực buộc Hàn Quốc phải thúc giục đồng minh Mỹ nhượng bộ.
Tuy nhiên điều mà giới chuyên gia lo ngại là các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên không đơn thuần chỉ là các thông điệp chính trị. Mặc dù đây là các tên lửa tầm ngắn, nhưng mỗi vụ phóng lại thể hiện các kỹ năng quân sự tinh vi hơn. Trong số các tên lửa phóng có nhiều loại được thiết kế mới để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với tuyên bố của Triều Tiên phát triển vũ khí mới nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự và áp lực tấn công nhằm vào an ninh quốc gia, sự phát triển trong hệ thống vũ khí của Triều Tiên sẽ là mối lo ngại lớn đối với các quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản.
(Theo Phạm Hà/VOV)