Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, ‘nắn gân’ Mỹ và cảnh báo Nhật?
Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa trong tuần qua, dấy lên căng thẳng trước thềm Olympic Tokyo 2021 và gây thêm sức ép với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo hãng thông tấn Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra vùng biển gần Nhật Bản ngày 25/3. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo và nếu vụ phóng được xác nhận, đây sẽ là một thách thức mới đối với nỗ lực tiếp cận Bình Nhưỡng của Tổng thống Joe Biden.
Reuters đưa tin, trong tuyên bố ngay trong ngày, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của quân đội Mỹ mô tả các vụ phóng tên lửa nêu bật mối đe dọa mà chương trình vũ khí của Triều Tiên gây ra đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Bộ này cho biết đang theo dõi tình hình và tham vấn các đồng minh.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, một tên lửa bay được khoảng 450km và đáp xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, chứng tỏ đó là một tên lửa tầm ngắn.
“Vụ phóng đầu tiên trong vòng chưa đầy một năm thể hiện mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định ở Nhật Bản và khu vực, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố trên đài truyền hình NHK.
Các vụ phóng mới nhất trùng thời điểm bắt đầu lễ rước đuốc Olympic ở Nhật Bản, bắt đầu bốn tháng đếm ngược đến Thế vận hội Mùa hè ở Tokyo, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020 do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Suga cho biết sẽ đảm bảo một Thế vận hội an toàn và trọn vẹn, đồng thời “thảo luận kỹ lưỡng” các vấn đề Triều Tiên, trong đó có các vụ phóng tên lửa, với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Washington vào tháng tới.
Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cũng xác nhận ít nhất hai “vật phóng không xác định” đã được bắn từ tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành phân tích dữ liệu vụ phóng để biết thêm thông tin.
Nhà Xanh, tức dinh Tổng thống Hàn Quốc, sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của hội đồng an ninh quốc gia để bàn về diễn biến mới.
Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cảnh báo các tàu thuyền không tiến gần tới bất kỳ một vật nào rơi xuống biển và yêu cầu họ cung cấp thông tin cho lực lượng này.
Thách thức chính sách của Mỹ
Triều Tiên đã không thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất kể từ năm 2017, trước thềm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018.
Giới chức Mỹ cũng khẳng định Triều Tiên đã tiến hành các vụ phóng mới nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng hoặc kiểu loại tên lửa phát hiện được. Cũng không có bình luận nào từ Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao ở Washington.
Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang trong “giai đoạn cuối” đánh giá chính sách Triều Tiên. Giới phân tích ghi nhận có sự thay đổi về ngôn từ so với chính quyền trước ở Washington, nhấn mạnh “phi hạt nhân hóa Triều Tiên” thay vì toàn bộ bán đảo.
Bước tiến xa hơn
Cuối tuần trước, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa hành trình tầm ngắn. Tuy nhiên, Tổng thống Biden coi nhẹ các vụ thử này, coi đó là “chuyện bình thường”. Giới chức ở Washington tuyên bố họ vẫn để ngỏ đối thoại với Bình Nhưỡng.
Reuters dẫn lời Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ nhận định, kể cả các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng là một sự “dấn bước” từ vụ thử cuối tuần trước, cho phép Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ. Nó còn thể hiện sự đáp trả tương xứng với cuộc tập trận chung Mỹ Hàn gần đây.
Theo ông Narang, các vụ phóng không phải kiểu nỗ lực ngoại giao bằng ngư lôi, mà chúng là lời nhắc nhở về một cái giá phải trả của việc không đạt được thoả thuận với Bình Nhưỡng.
“Mỗi ngày trôi qua mà không có thỏa thuận nào để giảm thiểu rủi ro từ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một ngày mà kho vũ khí đó càng lớn hơn và rộng hơn”, ông bình luận.
Các đề nghị ngoại giao của Tổng thống Biden đối với Triều Tiên đến nay vẫn chưa có hồi đáp, và chính quyền Kim Jong Un tuyên bố sẽ không can dự cho đến khi Washington từ bỏ các chính sách thù địch, trong đó các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.
Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa trong suốt năm 2020 bất chấp vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006. Hồi đầu năm 2018, Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng thử vũ khí hạt nhân và ICBM, dù nước này quả quyết không còn cảm thấy bị ràng buộc sau khi các cuộc đàm phán với chính quyền ông Trump bị đình trệ.
Triều Tiên đã thử nghiệm một số tên lửa tầm ngắn mới mà có thể đe dọa Hàn Quốc và 28.500 lính Mỹ đóng tại nước này, gần đây nhất là vào tháng 3/2020.
Thanh Hảo/Reuters