Triều Tiên kêu gọi người dân chống lại biện pháp trừng phạt của Mỹ
Tass dẫn nguồn tin từ tờ Minju Choson của Triều Tiên, chính quyền Triều Tiên kêu gọi công dân chuẩn bị cho một trận chiến quyết tử chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Chiến dịch đột phá trực diện nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy và áp lực từ các thế lực thù địch, phủ nhận quyền tồn tại và phát triển đất nước chúng ta sẽ là một trận chiến quyết tử”, ấn phẩm viết.
Ấn phẩm cho biết, Triều Tiên mong người dân biến những thách thức hiện tại thành lợi thế và đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng dựa trên lực lượng và công nghệ của chính mình. Để làm được điều này, các công dân phải thể hiện sự kiên trì và can đảm, xuyên qua các bức tường như thể bước qua cửa và thậm chí nhảy vào lửa.
Ấn phẩm cũng lưu ý rằng Triều Tiên đã phải đối mặt với áp lực “chết người” mà các quốc gia khác sẽ không thể chịu đựng được dù chỉ một ngày.
“Chiến dịch của Mỹ nhằm bóp nghẹt Triều Tiên đã đạt đến giới hạn”, tác giả nhấn mạnh.
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lưu ý rằng nhiệm vụ cấp bách là điều chỉnh lại cơ sở kinh tế của đất nước và tổng huy động tiềm năng sản xuất. Đồng thời, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, việc tiếp tục cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ có thể được coi là thực tế đã rõ ràng, điều này sẽ đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa nội lực của đất nước trong tất cả các lĩnh vực.
Ông Kim Jong-un cũng tuyên bố, Hoa Kỳ càng trì hoãn nhiều thời gian thì sẽ chỉ càng bất lực trước sức mạnh của Triều Tiên.
“Hoa Kỳ càng trì hoãn kéo dài thời gian, làm cho kết quả đàm phán Triều-Mỹ trở nên không rõ ràng, thì họ chỉ càng bất lực trước sức mạnh ngày càng tăng của Triều Tiên, hơn thế nữa Mỹ càng “chìm sâu” vào tình thế tuyệt vọng”, ông Kim Jong-un tuyên bố.
Ông Kim cũng khẳng định rằng, Triều Tiên sẽ không đơn phương tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân chừng nào Hoa Kỳ chưa có bất kỳ sự hồi đáp.
“Đất nước ông đã ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân và những vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để khôi phục niềm tin với Mỹ cũng như đóng các địa điểm thử hạt nhân. Tuy nhiên, trong suốt trong hai năm vừa qua Hoa Kỳ không có sự phúc đáp nào”.
Thanh Bình/ IFN