+
Aa
-
like
comment

Triều Tiên công khai “tuyên chiến” với Mỹ

Huyền Trang - 17/07/2023 16:16

Những ngày gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang ngày càng xấu đi sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa từ phía Bình Nhưỡng. Bởi Mỹ và các quốc gia đồng minh: Nhật, Hàn đều xem là hành động gây nguy hại nghiêm trọng đến an toàn của các quốc gia láng giềng, hơn nữa còn ảnh hưởng không nhỏ đến toàn thế giới.

Kim Yo-jong, ủy viên Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, phát biểu tại phiên họp tháng 8/2022 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Trước đó, sau mỗi lời cáo buộc của phương Tây hầu như Triều Tiên đều im lặng. Nhưng từ ngày 10/7 đến nay, đã có ít nhất 2 lần Triều Tiên công khai lên tiếng, cáo buộc Mỹ mới chính là quốc gia đang “chèn ép” và xâm phạm đến chủ quyền của Triều Tiên.

Cụ thể, ngày 11/7 bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un cáo buộc một máy bay do thám của quân đội Mỹ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Triều tiên 8 lần, hãng Thông tấn KCNA đưa tin.

Theo đó, bà Kim cảnh báo các lực lượng Mỹ sẽ phải đối mặt với “hành động đáp trả nghiêm trọng” nếu tiếp tục thực hiện các hành vi “xâm nhập bất hợp pháp”. Hơn nữa, phía Triều Tiên còn nhấn mạnh đưa ra cảnh báo những chuyến bay như vậy có thể bị bắn hạ và họ đang kiềm chế các hành động đáp trả.

Tuy nhiên trước đó, Lầu Năm Góc đã bác bỏ cáo buộc vi phạm không phận của Bình Nhưỡng và cho biết quân đội Mỹ đã chấp hành đúng luật pháp quốc tế. “Vì vậy, những cáo buộc đó chỉ là những cáo buộc”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên.

Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Kim Yo-jong cáo buộc lực lượng không quân Mỹ xâm nhập vào “vùng biển kinh tế” phía đông của Bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, vào ngày 10/7 máy bay Mỹ xuất hiện trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở độ cao 435km về phía Đông của Tongchon, tỉnh Gangwon và độ cao 276km về phía Đông Nam Uljin, tỉnh Bắc Gyeongsang.

Trong luật biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia kéo dài 200 hải lý, tính từ vùng lãnh thổ 12 hải lý xung quanh bờ biển. Trong vùng biển này quốc gia có quyền khai thác tài nguyên biển bên trong nhưng không có chủ quyền đối với mặt nước hoặc vùng trời phía trên.

Khi được hỏi về các tuyên bố của Triều Tiên ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế các hành động leo thang” và nhắc lại lời kêu gọi “tham gia vào chính sách ngoại giao nghiêm túc và bền vững” của nước này trước đó.

Mặc cho Mỹ phủ nhận, ngày 14/7, em gái ông Kim Jong-un lại một lần nữa công khai cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt “những điều rất bất hạnh” nếu nước này không từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên.

“Cái giá Mỹ phải trả cho những động thái nhằm vào Triều Tiên không bao giờ nhẹ nhàng. Và tôi cũng không che giấu sự thật rằng những điều rất bất hạnh sẽ chờ đợi Mỹ”, Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nói ngày 14/7 nhưng không nêu cụ thể.

Bà Kim cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đáp trả “thoải mái hơn”, cả về phương thức lẫn quy mô, với nỗ lực của Washington để tăng cường sự hiện diện các khí tài chiến lược tại bán đảo Triều Tiên. Bà tuyên bố Triều Tiên sẽ xây dựng biện pháp răn đe hạt nhân “áp đảo nhất” cho đến khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch.

Em gái ông Kim Jong-un còn bày tỏ “bất bình mạnh mẽ” khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 13/7 họp bàn về vụ phóng tên lửa Hwasong-18 của Triều Tiên một ngày trước đó. Bà mô tả cuộc họp là “bất công và định kiến”, nói vụ phóng thể hiện quyền tự vệ của Bình Nhưỡng trước chính sách thù địch từ Washington.

Hình ảnh tên lửa của Triều Tiên trong một chương trình tin tức tại nhà ga xe lửa ở Seoul – Hàn Quốc vào ngày 18-2. Ảnh: AP

“Không có lý do để chỉ trích vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên”, bà Kim cho biết.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nhiều lần cáo buộc “Những động thái hiếu chiến của Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, vốn đang rất bất ổn, đến gần bờ vực một cuộc chiến hạt nhân hơn”.

Cảnh báo xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang. Trước đó, vào cuối tháng 5 Mỹ và Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay, với kịch bản ứng phó “cuộc tấn công tổng lực” từ Triều Tiên, kéo dài đến giữa tháng 6.

Sau nhiều lần Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, coi đây là bằng chứng cho thấy liên minh này có thái độ thù địch và muốn thay đổi chế độ của Bình Nhưỡng. Washington và Seoul đều khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính phòng vệ.

Đáp lại Triều Tiên, Hàn Quốc cho biết, vào giữa tháng 6 Triều Tiên đã phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông. Trước đó, cuối tháng 5 Bình Nhưỡng phóng tên lửa đẩy mang theo vệ tinh quân sự lên không gian nhưng bất thành và rơi xuống biển. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên án mạnh mẽ động thái của Triều Tiên.

Sau các cáo buộc, Bộ ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nước này tiếp tục tăng cường “các năng lực tự vệ để bảo vệ chủ quyền”, trừ khi Mỹ thu hồi “chính sách thù địch và những mối đe dọa quân sự dai dẳng” nhằm vào Triều Tiên.

Huyền Trang

Bài mới
Đọc nhiều