+
Aa
-
like
comment

Triều Tiên cảnh báo có một cuộc chiến tranh mới đang ngầm diễn ra

Bích Vân - 27/09/2023 11:29

Bình Nhưỡng cảnh báo bán đảo Triều Tiên có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, với nguyên nhân là chính sách thù địch từ Washington và Seoul.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ ngày 26/9. Ảnh: Reuters

“2023 được ghi nhận là một năm cực kỳ nguy hiểm”, Đại sứ Triều Tiên Kim Song phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9. “Bán đảo Triều Tiên đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cận kề”.

Theo ông Kim, nguyên nhân khiến tình hình trở nên nguy hiểm là chính sách thù địch của Mỹ và Hàn Quốc. Hệ quả, Triều Tiên “đối mặt yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh hơn nữa việc tăng cường các năng lực tự vệ”.

“Triều Tiên vẫn kiên định với quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và thịnh vượng của người dân trước những mối đe dọa từ bên ngoài”, ông Kim cho biết.

Phó đại diện thường trực Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Kim Sang-jin phản bác, nói Triều Tiên đang đưa ra các cáo buộc “vô căn cứ, bất hợp lý và lố bịch”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây leo thang, với Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử tên lửa còn Seoul và Washington tăng cường hợp tác quân sự.

Triều Tiên nhiều lần chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, coi đây là bằng chứng cho thấy liên minh này có thái độ thù địch và muốn thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Washington và Seoul khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính phòng vệ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Triều Tiên từ năm 2006 vì chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, hội đồng trong vài năm qua đã bị chia rẽ về cách ứng phó Triều Tiên, do Nga và Trung Quốc cho rằng tăng trừng phạt sẽ không giúp ích và kêu gọi nới lỏng.

Nga và Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung khiêu khích Triều Tiên. Trong khi đó, Washington cho rằng Bắc Kinh và Moskva đang bao che cho Bình Nhưỡng.

Mỹ, Nga, Trung Quốc, cùng với Anh và Pháp, là 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết. Quyền này giúp họ có thể chặn các nghị quyết được thông qua, bất kể nó nhận được bao nhiêu phiếu ủng hộ tại hội đồng.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều