+
Aa
-
like
comment

Triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” là lời ngụy biện của Giáo sư Trần Ngọc Thêm

Phạm Đức Nhuận - 26/10/2021 15:24

Thời gian gần đây, câu chuyện xung quanh nền giáo dục Việt Nam một lần nữa lại trở nên khuấy đảo bởi đề xuất “Bỏ triết lý tiên học lễ, hậu học văn” của Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Dù phải khẳng định rằng cáccông trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực giáo dục rất đáng trân trọng, nhưng quan điểm trên của Giáo sư Thêm, thực chất chỉ là một lời ngụy biện phiến diện.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Xin tóm tắt lại ý kiến của ông Thêm như sau: Nền hiáo dục Việt Nam đang “hỏng” và nguyên nhân của cái “hỏng” ấy theo ông là do triết lý giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” vì chịu ảnh hưởng của triết lý “con ngoan, trò giỏi” nên là một “triết lý sai lầm”. Cuối cùng, ông hô hào cho triết lý mà ông khởi xướng, đó là “Con bản lĩnh, trò sáng tạo” để thay thể cho triết lý hàng trăm năm nay của người Việt Nam.

Tuy ông Thêm đã luận giải khá chi tiết những ý kiến trên, song vẫn cảm thấy có nhiều điều chưa ổn.
Ông đã sai khi cho rằng “nguyên nhân giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”. Đó là ngụy biện, đổ lỗi cho triết lý, chẳng khác nào “đứt tay đổ tại dao”. Lỗi lầm ở chính con người đã hiểu không đúng hoặc đã lựa chọn sai triết lý giáo dục. Con người ở đây là bản thân mỗi người ở hoàn cảnh, cương vị khác nhau. Với cách ngụy biện như thế sẽ gây ra thực trạng “hòa cả làng”, chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng ai có tội. Người ta sẽ đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho Trời, cho số phận… mà ở đây là đổ cho triết lý. Rõ ràng ông chưa thấy được vấn đề sâu xa của nền giáo dục Việt Nam.

Việc ông cho rằng “triết lý giáo dục ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ chịu ảnh hưởng của triết lý giáo dục ‘con ngoan, trò giỏi’ là sai lầm, cần phải được sửa đổi” đã là không đúng. Thứ nhất, ông đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm “triết lý giáo dục” và “mục tiêu giáo dục”. “Con ngoan, trò giỏi” chưa cấu thành một triết lý. Nó chỉ là mục tiêu, là kết quả của giáo dục theo một triết lý nào đó. Bởi vậy, việc đánh đồng và coi “Tiên học lễ, hậu học văn” chịu ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan, trò giỏi” là không chính xác và thực chất là nói ngược.

Thứ hai, căn cứ vào những lý giải về triết lý này cho thấy ông đã hiểu chưa đầy đủ về chữ “Lễ”. Chữ “Lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ là lễ phép, lễ nghi như ông giải thích. Nó là phép ứng xử, tư tưởng, hành vi của con người đối với mọi mối quan hệ xã hội và thiên nhiên… Bởi vậy, “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là trước tiên phải học làm người, sau đó mới học kiến thức chuyên ngành, học nghề… Hành trình học làm người phải bắt đầu từ lúc sơ sinh cho đến hết đời. Giáo dục theo triết lý này giúp con người có được những phẩm chất, nhân cách, nhằm bảo vệ quyền con người và trật tự cộng đồng xã hội, giữ gìn sự phát triển hài hòa của xã hội và thiên nhiên, giúp cho quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng cùng tồn tại và phát triển, làm cơ sở hình thành một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Việc Giáo sư cho rằng “Con bản lĩnh, trò sáng tạo” là triết lý đúng, cần phải được thay thế cho “con ngoan, trò giỏi” hay “Tiên học lễ, hậu học văn” là một giải pháp luẩn quẩn, phiến diện. Giải pháp đó đã “phớt lờ” việc giáo dục nhân cách nên có nguy cơ gây ra những hệ lụy khôn lường. Giả sử “Con bản lĩnh, trò sáng tạo” thành công thì có ai dám đảm bảo rằng những con người như thế sẽ chắc chắn giúp ích cho xã hội? Những kẻ tham nhũng, những kẻ lưu manh, lừa đảo, những tên giết người, kẻ bán nước cầu vinh… Ai bảo rằng chúng không có bản lĩnh, không sáng tạo?

Điều đáng mừng là ông Thêm đã nhận ra nguyên nhân của mọi vấn đề là do con người. Tuy nhiên, cùng lúc, chúng ta lại thất vọng khi thấy ông chỉ chú mục vào một trong vô vàn những sản phẩm của con người là “triết lý giáo dục” và ông coi đó là nguyên nhân sâu xa nhất của nền giáo dục. Giả sử ông chứng minh được rằng cái triết lý đó là sai và triết lý ông đưa ra để thay thế là đúng thì ông cũng chỉ đạt được một thành công hết sức nhỏ nhoi. Nhưng, ngay cả việc nhỏ nhoi đó ông cũng không làm được vì mắc nhiều sai lầm thì hỏi rằng đến bao giờ mới giải quyết tận gốc vấn đề? Sự nhìn nhận và tư duy của ông là phiến diện, thậm chí cực đoan. Khi bác bỏ một cái gì đó, các ông chỉ nhìn thấy mặt khiếm khuyết, sai trái của nó, còn khi ủng hộ điều gì đó các ông chỉ nhìn thấy mặt ngược lại.

Ông đã không hoặc cố tình không nhận ra rằng chẳng có giải pháp nào là hoàn hảo bởi bất cứ giải pháp nào cũng chứa đựng hai mặt đối lập nhau. Trước khi phê phán bất cứ một giải pháp nào cũng phải xem xét kỹ cả hai mặt.

Giáo sư Thêm cho rằng: “Con ngoan là biết vâng lời (Con cãi cha mẹ trăm đường con hư), trò giỏi là học thuộc bài (câu hỏi cửa miệng thường là ‘Đã học thuộc bài chưa?’). Nói đầy đủ hơn, đó là một triết lý giáo dục hướng đến ổn định… triết lý hướng đến ổn định nêu trên đã tạo ra không ít bi kịch cho đất nước”. Phát ngôn này cho thấy ông đã có cái nhìn hạn hẹp, phiến diện về “con ngoan” và “trò giỏi” và khái niệm “ổn định”. Không rõ có phải ông có cái nhìn hạn hẹp, phiến diễn hay cố tình giả vờ để sử dụng thuật ngụy biện trong suy diễn? Dù thế nào chăng nữa, ông cũng đã sa lầy trong mớ bòng bong các luận cứ dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn.

Từ xưa con người đã lựa chọn triết lý giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông ra sức phản bác triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” và cho rằng việc khôi phục triết lý đó sẽ tạo ra những hệ lụy và làm cho giáo dục Việt Nam “hỏng”, trong khi chính bản thân ông còn chưa hiểu thấu đáo triết lý ấy. Khi ông mải miết “vạch lá tìm sâu” và phê phán triết lý ấy, ông đã quên những những điều tốt đẹp mà nó mang lại. Từ xa xưa cho đến ngày nay, tất cả những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền giáo dục theo triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn”. Triết lý giáo dục mà ông cho là sai lầm đó đâu chỉ sản sinh ra những “sản phẩm lỗi”… mà còn sinh ra những danh nhân kiệt xuất trong mọi lĩnh vực, những người yêu nước, anh hùng dân tộc… Và, như mọi người đều thấy, Hồ Chí Minh – con người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính trọng. Ông có thấy việc đổ tội cho triết lý giáo dục là sai lầm hay không? Triết lý dù hay đến mấy nhưng con người không hiểu nó, không tự nguyện theo nó cũng chẳng ích gì!

Triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được nhân loại lựa chọn ngàn đời nay.

Mặt khác, những gì ông nói về giáo dục chứng tỏ ông thấy công việc giáo dục chỉ theo một chiều từ người giáo dục đến người nhận sự giáo dục. Ông không biết hoặc quên rằng giáo dục là công việc của mọi người trong xã hội. Để giáo dục người khác, trước hết phải giáo dục chính mình. Thực chất, “hành trình giáo dục là hành trình tự giáo duc”.

Tóm lại, tuy ông đã xác định nguyên nhân là do con người, nhưng trong những nghiên cứu và giải pháp ông không lấy con người làm trung tâm. Đó là cái sai cơ bản, khiến nhiều những lý giải và lập luận của ông không có tính thuyết phục. Những giải pháp mà ông đề xuất trở nên vô ích, thậm chí phản tác dụng.

Con người và con vật giống nhau ở chỗ bẩm sinh đã có khả năng sinh tồn nhưng khác con vật ở chỗ có khả năng nhận thức, tư duy. Bởi vậy, con người không chỉ có khả năng sinh tồn mà còn có ý thức về khả năng đó. Con người nhận thức được rằng sống không chỉ là tồn tại mà phải có khát vọng sống hạnh phúc. Bản năng sinh tồn đi đôi với bản năng ích kỷ. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng ích kỷ là bản năng của mọi sinh vật bao gồm cả con người. Tuy nhiên chỉ có con người mới ý thức được bản năng đó và chỉ có con người mới chi phối được hành vi bản năng của mình, còn loài vật thì không. Nói cách khác, chỉ có con người mới có ý thức làm chủ cuộc sống của mình. Ý thức đó dần được nâng cao qua học tập và trải nghiệm, trong đó giáo dục có vai trò rất quan trọng.

Giáo dục là công việc của mọi người trong xã hội, không phân biệt tuổi tác giới tính, đảng phái, tôn giáo, trình độ nhận thức và cùng hướng tới xây dựng xã hội văn minh, hạng phúc. Nói cách khác, giáo dục không phải chỉ là công việc của người tuổi cao đối với người ít tuổi hơn, lãnh đạo đối với cấp dưới, người có trình độ cao đối với người trình độ thấp, thầy đối với trò… mà là giáo dục lẫn nhau. Việc giáo dục phải được thực hiện suốt đời từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Lúc mới chào đời, con người được sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ và những người thân. Từ lúc biết nhận thức, hành trình giáo dục là hành trình tự giáo dục để thay đổi chính mình, vượt qua chính mình, tiến tới một cuộc sống hạnh phúc. Mỗi con người phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình đối với chính mình và đối với thế giới mình đang sống, bởi lẽ chúng không những ảnh hưởng tới bản thân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Phạm vi và mức độ ảnh hưởng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào hoàn cảnh và cương vị của từng người. Giáo dục làm thay đổi bản thân con người, do đó, làm thay đổi thế giới. Sự thay đổi đó theo hướng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào chính hành vi của mỗi con người trong đó có sự lựa chọn triết lý giáo dục.

Với quan điểm đó, có thể khẳng định rằng triết lý giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” từ xưa đã rất đúng và sẽ mãi mãi đúng, không phụ thuộc chế độ xã hội, bối cảnh lịch sử. Tuy nhiên, một lần nữa xin nhấn mạnh: Triết lý dù hay đến mấy nhưng con người không hiểu nó, không tự nguyện theo nó cũng chẳng ích gì.

Con người ai cũng muốn sống hạnh phúc và như người ta nói “hạnh phúc không phải là điểm đến mà là hành trình ta đang đi”. Nếu mỗi con người làm chủ được chính mình, làm chủ bản năng ích kỷ theo hướng tích cực thì sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc.

Phạm Đức Nhuận

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều