+
Aa
-
like
comment

Triển vọng, thách thức kinh tế Việt Nam 2023

Diệu Hương - 17/01/2023 06:22

Năm 2022 đã đi qua, Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều “sóng gió” trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, như GDP, xuất nhập khẩu, FDI, chỉ số sản xuất công nghiệp,… đều ghi nhận sự tăng trưởng rất ấn tượng. Thế nhưng, bên cạnh sự thành công đó vẫn còn những nỗi lo thường trực, như thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, hay nội tại kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Triển vọng, thách thức kinh tế Việt Nam 2023

Nỗ lực vượt khó

Trong dòng chảy của thời gian, thế giới đã trải qua một năm 2022 với rất nhiều diễn biến hết sức bất thường, biến động nhanh và khó đoán định. Nhiều quốc gia vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19; Việc gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất tăng vọt; Lạm phát cao ở nhiều nơi khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tăng trưởng sản xuất – tiêu dùng chậm lại. Đặc biệt, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina leo thang, kéo dài dẫn đến thị trường năng lượng khủng hoảng. Nền kinh tế toàn cầu suy giảm, khả năng phục hồi chậm… Tất cả đều tác động không thuận tới nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động kinh tế – xã hội năm 2022 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Những con số đầy ấn tượng

Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng tới 8,02% – mức tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022. Đáng chú ý, quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt gần 400 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là thành tích đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1.800 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 26% dự toán. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng.

GDP 2022 tăng 8,02%, cao nhất giai đoạn 2011-2022

Giữ vững phong độ tăng trường

Mặc dù ghi nhận nhiều điểm sáng của nền kinh tế, trong đó có sự gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động của hơn 208.000 doanh nghiệp. Song với hơn 143.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, một tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay cho thấy rõ những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong năm qua, nhất là những tháng cuối năm. Áp lực lạm phát từ nhiều đối tác lớn khiến cho đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm, lao động và khả năng còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn, biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự, hay dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Vì vậy, để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, cần phải tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đảm bảo sức khỏe cho thị trường tài chính, đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của thị trường trái phiếu, hay bất động sản sẽ là mục tiêu quan trọng để giữ vững lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam.

Duy trì động lực từ các trụ cột tăng trưởng như đầu tư – xuất khẩu – tiêu dùng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số…

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu tuần tra, kiểm soát đường biên giới

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước. Chính sách điều hành giá cần rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.

Cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…

Tóm lại, dù có nhiều khó khăn nhưng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ, tin rằng nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 như Quốc hội đề ra.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều