+
Aa
-
like
comment

Triển vọng ổn định lãi suất ngân hàng

Mạnh Hải - 03/01/2023 11:50

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc các ngân hàng phải cùng chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, có thể thấy, việc ổn định mặt bằng lãi suất đang rất được quan tâm.

Việc lạm phát Mỹ lập đỉnh và Fed dừng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam…

Dù vậy, giữ cho lãi suất ở mức thấp không phải nhiệm vụ dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay.

Trong suốt thời gian 2022, ngân hàng trung ương tại nhiều nước đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát cao và giá cả leo thang. Trong năm 2023, những đợt tăng lãi suất có thể dịu bớt, nhưng gần như chắc chắn rằng mức lãi suất cao sẽ còn được duy trì ở các nước trong một khoảng thời gian để kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn khó có thể đi ngược lại xu hướng này. Đó là chưa kể CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân của Việt Nam quý IV năm 2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ, trong khi tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021. Vậy là trong giai đoạn cuối năm 2022, áp lực về lạm phát của nước ta đã lớn hơn.

Bên cạnh những yếu tố ấy, những vấn đề liên tiếp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản khiến nhiều doanh nghiệp đã phải mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này khiến gánh nặng cung ứng tín dụng lại dồn thêm sang phía hệ thống ngân hàng. Nhưng quan trọng hơn là niềm tin bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều ngân hàng thương mại cũng bị ảnh hưởng. Tất cả những điều đó cuối cùng khiến nhiều ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ phải tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung, thậm chí là có thời điểm phải chạy đua lãi suất huy động để giữ chân khách hàng và đảm bảo thanh khoản.

Sự mất cân đối giữa cung và cầu về vốn vay là kết quả khó tránh khỏi của sự mở rộng quá mức hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt quá xa so với mức tiêu dùng có hạn của đa số người dân.

Ngược lại, hoạt động điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể giúp giải tỏa những áp lực về thanh khoản gây ra bởi những biến động ngắn hạn trên thị trường.

Trước hết, có thể thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở để hỗ trợ về thanh khoản cho các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ trong những thời điểm nhu cầu thanh toán nhất thời tăng vọt ví dụ như thời điểm cận Tết hay khi các khoản đáo hạn trái phiếu bị dồn vào một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, các ngân hàng này không nhất thiết phải chạy đua lãi suất huy động. Và thực tế, sau khi nới room tín dụng hồi đầu tháng 12 năm 2022, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng thêm thanh khoản với kỳ hạn 91 ngày cho các ngân hàng.

Có thể thấy rằng, dù áp lực đối với lãi suất còn rất lớn, nhưng nếu làm tốt hoạt động điều hành, duy trì được sự ổn định của hệ thống ngân hàng, thì có thể tránh những biến động quá mức, những sự tăng vọt của mặt bằng lãi suất. Và với sự cố gắng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào điều này trong năm 2023.

Mạnh Hải

Bài mới
Đọc nhiều