Triển vọng kinh tế Việt Nam như thế nào khi bước sang năm 2023?
Việt Nam đã trải qua những khó khăn về kinh tế do đại dịch giống như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới ghi nhận triển vọng kinh tế vô cùng tích cực trong năm 2022.
Bước sang những ngày đầu 2023, các chuyên gia kinh tế đồng loạt dự báo Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, trở thành điểm đến hoàn hảo cho đầu tư và thương mại. Đặc biệt, trang Alibaba của Trung Quốc và The Star của Malaysia đều đã có bài viết nêu lên triển vọng kinh tế 2023 như sau:
Theo The Star, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành đầu tàu kinh tế của châu Á khi khu vực này đang nhanh chóng phục hồi sau tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra. Ngoài ra, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – sắp mở cửa trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng, mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam.
Đặc biệt, phản ứng của Việt Nam đối với Covid-19 đã thể hiện trách nhiệm của mình và được xem như là tấm gương phòng chống dịch cho nhiều quốc gia noi theo.
Với những lợi thế: chi phí lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng củng cố, chính sách kinh tế mở… việc Việt Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ phi thường là điều dễ hiểu, theo Alibaba.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.
Theo Alibaba, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, với những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu cao. Vì thế, việc kỳ vọng Việt Nam sẽ có nền kinh tế phát triển tốt hơn trong những năm tới là điều hợp lý.
Với mức tăng 28% năm 2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á. Một số mặt hàng xuất khẩu phổ biến nhất của Việt Nam hiện nay bao gồm điện thoại di động, linh kiện máy tính và sản phẩm điện tử.
Bất chấp sự suy thoái của cả thế giới vào năm 2020 – 2021, Việt Nam đã có thể phục hồi và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng khi các tập đoàn muốn dịch chuyển sản xuất. Tính đến tháng 12 năm 2021, vốn điều chỉnh và mua cổ phần của Việt Nam bởi các nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD.
Những yếu tố khác khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm môi trường kinh tế mở, cơ sở hạ tầng vững chắc và chi phí lao động hợp lí. Tính đến tháng 11/2022, tổng vốn FDI ước đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước
Theo The Star, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường pháp lý vô cùng linh hoạt, đặc biệt là trong khu vực ASEAN. Sau đại dịch, Việt Nam đã áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chính sách này nhằm hỗ trợ lãi suất, giảm thuế VAT, hỗ trợ nhà ở cho công nhân lành nghề và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước.
Năm 2022 đã qua, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong những năm qua và dự kiến sẽ cải thiện trong những năm tới. Theo The Star, kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan với dự báo năm tới duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Tuệ Ngô