+
Aa
-
like
comment

Triển vọng hợp tác Việt – Mỹ từ những chuyến thăm cấp cao

Bích Trân - 05/09/2023 13:58

Các chuyến thăm cấp cao mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác Việt – Mỹ, trong đó thương mại và kinh tế là những yếu tố cốt lõi, giới chuyên gia đánh giá.

“Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden mang ý nghĩa Mỹ đặt ưu tiên cao với Việt Nam, với tư cách một chủ thể độc lập, có quan hệ kinh tế ngày càng tăng”, giáo sư kinh tế David Dapice thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard, nói với VnExpress.

Ông Dapice cho biết thêm những chuyến thăm trước đây của nhiều quan chức cấp cao Mỹ đều phù hợp với ưu tiên này. Kể từ năm 2021, Việt Nam đã đón tiếp nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Biden, trong đó nổi bật là chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris.

Trong năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đoàn nghị sĩ quốc hội và đại diện hơn 50 doanh nghiệp Mỹ cũng đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam ngày 10-11/9 của Tổng thống Biden sẽ là biểu hiện cao nhất của mức độ ưu tiên này.

Ở chiều ngược lại, hồi tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc 7 ngày tại Mỹ, giúp quan hệ song phương có thêm đà tiến trong nhiều lĩnh vực. Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cũng thăm và làm việc tại Mỹ vào tháng 7.

Hồi tháng 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Biden trong dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 15/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 25/5. Ảnh: AFP

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nhận định những cuộc trao đổi cấp cao này thể hiện sự công nhận của Mỹ đối với hệ thống chính trị Việt Nam, cũng như gia tăng niềm tin chính trị giữa hai nước.

Ông Thayer cho biết từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, Việt – Mỹ đã tập trung vào 9 lĩnh vực hợp tác, gồm chính trị – ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường và sức khỏe, vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng – an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, văn hóa, du lịch và thể thao.

Các lĩnh vực này đều chứng kiến những tiến bộ đáng chú ý, trong đó thương mại và kinh tế là động lực chính. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại Việt – Mỹ từ 29 tỷ USD năm 2013 đã tăng lên khoảng 123 tỷ USD vào năm 2022.

Lũy kế đến tháng 6 năm nay, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với báo chí hồi tháng 4, Ngoại trưởng Blinken nói rằng quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ năng động và quan trọng nhất. Trong thông điệp sau đó, ông cho hay chuyến thăm đến Việt Nam nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai nước, bày tỏ mong đợi vào triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia trong 10 năm tới.

Nhận định về tiềm năng phát triển của quan hệ song phương, giáo sư David Dapice nói rằng hai bên có thể tập trung vào hợp tác an ninh mạng, điều mà Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. Lĩnh vực này có thể bao gồm đầu tư vào trung tâm điện toán đám mây ở Việt Nam, cũng như những giải pháp tăng cường an ninh mạng mà phía Mỹ có thế mạnh.

“Một số công ty như Amazon, Microsoft, Google có thể xây dựng trung tâm điện toán đám mây an toàn tại Việt Nam. Dù có thể có giá thành cao, dự án như vậy có thể hữu ích và sẽ được hai bên thảo luận”, ông Dapice nói.

Bên cạnh an ninh mạng, sản xuất chip và chuyển đổi năng lượng xanh cũng là những lĩnh vực mà hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác hơn nữa trong tương lai.

Năm 2022, Mỹ và Việt Nam đã khởi động dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), trị giá 36 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Dự án được kỳ vọng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng bền vững.

USAID cho biết V-LEEP II sẽ tham gia đóng góp vào quá trình thiết kế, huy động tài chính, xây dựng và vận hành các nguồn năng lượng sạch mới, bao gồm 2.000 megawatt (MW) năng lượng tái tạo và 1.000 MW nguồn điện từ khí đốt tự nhiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) chụp ảnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Ảnh: TTXVN

Giáo sư Thayer nhận định thương mại và đầu tư vẫn là cốt lõi của mối quan hệ song phương Việt – Mỹ. Mỹ muốn tìm chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và linh hoạt từ Việt Nam, trong khi Việt Nam tìm kiếm nguồn đầu tư lớn hơn và tiếp cận thị trường Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ và đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này. Bà khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Theo ông Thayer, chuyến thăm của bà Yellen đã củng cố cam kết của Mỹ hỗ trợ Việt Nam cải cách kinh tế và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhằm “mang lại cho Việt Nam một vị trí đặc quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ”.

Bộ trưởng Yellen đã nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, được chứng minh bởi các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào Việt Nam như công ty Amkor Technology hay tập đoàn Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của công ty được đặt tại TP HCM.

Giáo sư Dapice cho rằng những cải tiến của Việt Nam về lực lượng lao động được đào tạo, năng lượng xanh và nhà cung cấp có chuyên môn cao sẽ mở ra cơ hội thu hút nhiều vốn FDI từ Mỹ hơn nữa.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden nhằm khám phá các cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế tập trung vào công nghệ và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực của Việt Nam.

Giới chuyên gia kỳ vọng chuyến thăm này sẽ là tiền đề để hai nước thảo luận về một hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đã tham gia 16 FTA song phương và đa phương, nhưng chưa ký với Mỹ.

“Hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục được nâng cao nếu Việt Nam và Mỹ có một hiệp định thương mại tự do, nhằm củng cố khả năng tiếp cận thị trường của nhau với những điều kiện thuận lợi”, giáo sư Dapice nhận định.

Bích Trân 

Bài mới
Đọc nhiều