Triển vọng chấm dứt chiến sự ở Ukraine
Nga lần đầu thừa nhận tổn thất đáng kể trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và mong chiến sự sớm kết thúc, trong khi phương Tây lo ngại khủng hoảng tiếp tục kéo dài.
Đài Sky News ngày 8.4 đưa tin phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov thừa nhận Nga đã chịu tổn thất đáng kể và lần đầu đề cập việc Moscow muốn sớm chấm dứt chiến sự, dù chưa biết theo hình thức nào.
Nga hy vọng kết thúc trong những ngày tới
Ông Peskov không công bố số liệu mới trong cuộc phỏng vấn với Sky News, nhưng cho biết về “sự tổn thất binh sĩ đáng kể và đó là thảm kịch lớn đối với Nga”. “Chúng tôi rất hy vọng trong những ngày tới, chiến dịch này sẽ đạt mục tiêu hoặc sẽ kết thúc bằng đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine”, ông cho biết và nhấn mạnh việc Nga rút quân khỏi Kyiv và Chernihiv đã cho thấy thiện chí, đồng thời quân đội Nga đang nỗ lực hết sức để sớm kết thúc chiến dịch.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 25.3 nói rằng 1.351 binh sĩ nước này tử trận và 3.825 người bị thương trong chiến dịch. Cũng theo ông Peskov, một trong số những mục tiêu của chiến dịch là tránh một cuộc xung đột quân sự lớn hơn, một Thế chiến 3 tiềm tàng có thể liên quan vũ khí hạt nhân.
Về phía Ukraine, nhà đàm phán Mykhailo Podolyak cho hay Ukraine và Nga “luôn luôn” duy trì đàm phán trực tuyến, nhưng tâm trạng bị ảnh hưởng bởi cái chết của những dân thường ở Bucha. Trong khi đó, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ tiếp tục tham gia vào hòa đàm với Ukraine bất chấp “những sự khiêu khích”.
Xem nhanh: Ngày 44 chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga thừa nhận ‘bi kịch’ tổn thất
Tranh cãi đã nổ ra khi Ukraine cáo buộc Nga “lạm sát dân thường” ở Bucha, còn Moscow bác bỏ hoàn toàn đồng thời tố ngược Kyiv dàn dựng và khiêu khích.
Sau cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3, Nga cho rằng Ukraine lần đầu đưa ra đề xuất cụ thể bằng văn bản là một kết quả tích cực, song chưa có đột phá lớn. Nội dung văn bản trên không được công bố, nhưng theo các đại diện đàm phán, Ukraine đề xuất quy chế trung lập cho nước này để đổi lấy việc đảm bảo an ninh, bên cạnh những đề xuất khác.
Đến ngày 6.4, Ukraine gửi dự thảo thỏa thuận hòa bình, nhưng Ngoại trưởng Nga cho rằng có nội dung khác so với những gì hai bên nhất trí trước đó tại cuộc gặp hôm 29.3 nên “không thể chấp nhận được”. Phía Nga nói vẫn tiếp tục nỗ lực đối thoại và sẽ không thay đổi các yêu cầu của mình.
Còn nhiều lo ngại
Lực lượng Nga trong tuần qua đã rút khỏi khu vực quanh Kyiv và Chernihiv để di chuyển lên phía bắc vào Belarus và Nga, trong khi phương Tây cho rằng lực lượng này đang chuẩn bị trở lại vùng Donbass phía đông Ukraine và xung đột có thể không dàn trải như trước nhưng sẽ kéo dài nhiều năm.
\n
Mỹ, NATO cam kết chuyển thêm vũ khí cho Ukraine
Theo CBS dẫn lời Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, cách thức để chấm dứt chiến sự ở Ukraine là “một vấn đề mở” và giai đoạn tiếp theo của chiến sự có thể kéo dài. Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào ngày 7.4, ông cho rằng Ukraine đã kháng cự được tại Kyiv nhưng vẫn còn xung đột lớn trước mắt tại phía đông nam, nơi Nga dự định tập trung quân để tiếp tục chiến dịch.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ bỏ việc giành kiểm soát thủ đô Kyiv và có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào vùng Donbass. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine có thể kéo dài nhiều năm. Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Austin cho hay giới lãnh đạo quân đội Mỹ đã không liên lạc được với những người đồng cấp Nga, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trên thực địa, Nga hôm qua tiếp tục nã pháo vào các thành phố phía đông và nam Ukraine và lực lượng Nga tiến sâu hơn về phía nam từ thành phố Izium. Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy một trung tâm huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài gần thành phố Odessa, trong khi phía Ukraine chưa đưa ra bình luận.
Cùng ngày, Tập đoàn Đường sắt Ukraine thông báo ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi 2 quả rốc két của quân đội Nga phóng trúng một ga tàu ở thành phố Kramatorsk dùng để di tản dân thường. Bộ Quốc phòng Nga sau đó bác bỏ cáo buộc. Trước nay, Nga luôn tuyên bố không nhằm vào mục tiêu dân sự ở Ukraine.
Bác tin đồn tướng Mỹ bị quân Nga bắt ở Ukraine
Phương Tây gia tăng sức ép đối với Nga
Theo Reuters ngày 8.4, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh cấm vận đối với than của Nga và đóng cửa các cảng của những nước thành viên đối với tàu Nga, áp dụng từ giữa tháng 8, chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Lệnh cấm còn ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu từ Nga trị giá 10 tỉ euro, trong đó có hàng công nghệ cao, và việc phong tỏa tài sản một số ngân hàng Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ có thể sớm cấm vận thêm khí thiên nhiên hoặc dầu mỏ của Nga. Bên cạnh đó, EU ủng hộ đề xuất tăng thêm 500 triệu euro viện trợ vũ khí cho Ukraine, nâng tổng mức viện trợ lên 1,5 tỉ euro.
Trước đó ngày 7.4, Mỹ đưa Tập đoàn đóng tàu United và Công ty khai thác kim cương Alrosa của Nga vào danh sách đen, chặn sự tiếp cận đến hệ thống tài chính Mỹ. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm qua cho biết sẽ cấm vận than và phong tỏa tài sản một số ngân hàng lớn của Nga.
Hôm qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Cao ủy phụ trách đối ngoại Josep Borrell thông báo về việc đến Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.