+
Aa
-
like
comment

Expo Dubai 2020: Cơ hội và thách thức của Việt Nam

Anh Thư - 15/03/2021 10:55

Vào tháng 11 năm 2013, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã giành được quyền đăng cai World Expo tại Dubai vào năm 2020 (hoãn đến 2021 vì đại dịch). Đây sẽ là lần đầu tiên World Expo được tổ chức tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á (MENASA). Kể từ Hội chợ đầu tiên năm 1851, World Expo tiếp tục là một trong những sự kiện lớn nhất và lâu dài nhất trên toàn cầu. Với thời lượng kéo dài suốt 6 tháng, World Expos là sự kiện thu hút hàng triệu du khách tìm hiểu và khám phá các gian hàng, triển lãm và sự kiện văn hóa được tổ chức bởi hàng trăm người tham gia bao gồm các quốc gia, công ty đã quốc gia và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Obaid Saeed Bintaresh Al Dhaheri.
Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Obaid Saeed Bintaresh Al Dhaheri.

Triển lãm Thế giới (World Expo) là triển lãm phi lợi nhuận, có chủ đề mang tính thời đại, là một trong những sự kiện toàn cầu có quy mô lớn nhất, thu hút hầu hết các quốc gia tham dự cùng nhau chia sẻ ý tưởng, giao lưu học hỏi, sáng tạo, cùng phát triển; quảng bá hình ảnh quốc gia, khẳng định vị thế, giới thiệu tiềm năng và đóng góp của quốc gia cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại.

Trong nhiều năm qua, kim ngạch thương mại song phương UAE-Việt Nam luôn chiếm khoảng 30% trong tổng thương mại song phương UAE-ASEAN, và Việt Nam luôn đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để UAE thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN. Ngược lại, Việt Nam cũng luôn đánh giá UAE là thị trường quan trong bậc nhất tại Trung Đông – Châu Phi.

Cơ hội của Việt Nam…

Nhà Triển lãm Việt Nam có chủ đề “Việt Nam – Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai” (Viet Nam – Distilling the past, Shaping the future) được xây dựng trong khu vực chủ đề “Cơ hội” với diễn giải của Ban Tổ chức dành cho Việt Nam: “Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc văn hoá, thuận lợi trong việc biểu đạt, ‘kết nối’ để tạo ra cơ hội; Việt Nam là điểm đến, là cơ hội hấp dẫn cho đầu tư và du lịch. Việt Nam đang nổi lên như một cơ hội cho hợp tác trong khu vực và trên thế giới”.

Ngày 01/10/2021, Expo 2020 Dubai sẽ tổ chức Lễ Khai mạc với sự hiện diện của nguyên thủ các nước do nước chủ nhà mời tham dự và các đoàn thể từ các quốc gia tham dự Expo. Đoàn Việt Nam dự kiến do Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn đầu đi dự Lễ Khai mạc EXPO 2021 và chủ trì Lễ khai mạc Nhà Triển lãm Việt Nam.

Là một đất nước đang ngày càng chứng tỏ vị thế trong khu vực và quốc tế với những dự báo đầy triển vọng, Việt Nam có một cơ hội rất rõ ràng khi có thể qua triễn lãm lần này để xúc tiến xuất khẩu những giá trị văn hóa thương mại sâu rộng hơn nữa. Việc hợp tác trao đổi với các thị trường tiềm năng chưa từng được khai phá triệt để sẽ là một bước đệm cực kỳ quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng.

… và những thách thức

Việc Việt Nam chiếm một thị phần đáng kể trong thương mại với các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng tồn tại không ít trở ngại. Với mặt hàng nông sản – vốn là thế mạnh của Việt Nam – chúng ta có thể bị “lép vế” với một số nước như Ấn Độ (chuyên các loại ngũ cốc), Trung Quốc, Ả Rập Saudi (hương liệu, gia vị)… Ngoài ra, các chính sách khuyến khích nông nghiệp của khu vực cũng là một rào cản quan trọng, như lệnh cấm nhập khẩu các loại cam, chanh của Algeria khi nước này bước vào mùa thu hoạch.

Những trở ngại giữa văn hóa và tôn giáo cũng là một thách thức của Việt Nam khi muốn chinh phục khối thị trường này. Xét một cách khách quan, đây là thị trường tiền năng với nhu cầu nhập khẩu cao và qui định kiểm định chất lượng không nghặt nghèo như thị trường châu Mỹ, châu Âu. Nhưng ngược lại, những luật lệ tôn giáo nghiêm khắc tại đây là một thách thức lớn khi những sản phẩm nhập khẩu phải đạt chuẩn Halal – một chứng nhận mà ở Việt Nam cho đến nay chỉ có hai doanh nghiệp tư nhân có đủ thẩm quyền cung cấp với chỉ khoảng 1.000 doanh nghiệp có đầy đủ chứng nhận.

Một vấn đề khác là các quốc gia Trung Đông có khả năng thanh khoản cao nên việc tiếp xúc trao đổi trực tiếp là một vấn đề quan trọng nhằm đi đến hợp tác lành mạnh và có lợi lâu dài.

Lối đi cho Việt Nam

Ngoài việc xúc tiến các mối quan hệ trao đổi hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường, Việt Nam còn sở hữu rất nhiều tiềm năng ở các mặt hàng xuất khẩu khác như may mặc, giày dép, các loại linh kiện, nguyên liệu thô… Việc xác định đúng một thị trường rộng lớn với số lượng dân nhập cư đông đảo cũng là một cái nhìn toàn diện hơn về khu vực này.

Với chính sách thu hút nhân tài và ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường, chúng ta hoàn toàn có thể xúc tiến và đẩy mạnh các quá trình hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ với khu vực Trung Đông – Bắc Phi nhiều hơn nữa.

Anh Thư

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều