+
Aa
-
like
comment

Triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 toàn quốc

10/07/2021 08:43

Sáng nay (10.7), Bộ Y tế dự kiến tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 toàn quốc năm 2021 – 2022, được triển khai từ tháng 7.2021 – 4.2022 tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến.

Bộ Y tế hướng đến mục tiêu 70% dân số VN được tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế hướng đến mục tiêu 70% dân số VN được tiêm vaccine COVID-19

Việt Nam phấn đấu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân phải được tiêm vaccine COVID-19. Sử dụng vaccine COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng chống dịch chủ động. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021. Tới hết quý 1/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vaccine COVID-19.

Hơn 18.000 điểm tiêm

Bộ Y tế cho biết 2 nhóm đối tượng ưu tiên (gồm các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, các nhóm theo khuyến cáo của nhà sản xuất và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế).

Chiến dịch sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm: tỉnh/thành đang có dịch (trong đó sẽ ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch); các tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh/thành có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh/thành có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai ngay từ tháng 7 này với khoảng 8,7 triệu liều vaccine COVID-19 được tiếp nhận. Hơn 18.000 điểm tiêm trên cả nước bao gồm tiêm chủng lưu động sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19. Kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, Quỹ vaccine COVID-19 và nguồn viện trợ. Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch trực 24/24 và thiết lập các tiểu ban về giám sát chất lượng, phản ứng sau tiêm… đảm bảo tối đa về an toàn tiêm chủng.

Ưu tiên tiêm đủ liều cho tuyến đầu ở TP.HCM

Theo Bộ Y tế, tại TP.HCM, do tác nhân gây bệnh là chủng Delta của SARS-CoV-2 có đặc tính lây nhiễm mạnh, nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%.

Để nhanh chóng thực hiện được số lượng lớn các mẫu xét nghiệm tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tăng cường nhân lực lấy mẫu và chuyên gia xét nghiệm. Theo đó, tại các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu) trong đó khu vực nguy cơ rất cao được tầm soát với tần suất 3 ngày/lần. Với các khu vực nguy cơ cao thực hiện ít nhất 1 tuần/lần; đối với các khu vực nguy cơ, sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.

Về tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo, thành phố ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổ chức tiêm chủng tại nhiều điểm tiêm bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động; thực hiện tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm; yêu cầu người đi tiêm chủng thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo quy định.

Bài mới
Đọc nhiều