+
Aa
-
like
comment

Trích một phần kinh phí từ xử phạt vi phạm giao thông để thưởng tiền cho người báo tin

Bích Ngân - 23/12/2024 16:36

Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp ngân sách nhà nước.

Cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông tại TP.HCM

Cụ thể, trích một phần kinh phí từ xử phạt vi phạm giao thông để thưởng tiền cho người báo tin vi phạm sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.

Trong đó có việc hỗ trợ tài chính cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

Theo dự thảo, mỗi vụ việc có thể được hỗ trợ tối đa 10% số tiền xử phạt, nhưng không vượt quá 5 triệu đồng.

Mỗi người dân là một “tai mắt” giám sát vi phạm giao thông. Có thể thấy đây không chỉ là một bước tiến mới trong việc nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong cách huy động sức mạnh của cộng đồng.

Trong bối cảnh các lực lượng chức năng có giới hạn về nhân lực và nguồn lực, việc huy động sự tham gia của cộng đồng là một giải pháp hợp lý, nhất là tại các đô thị lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này mang lại nhiều lợi ích và giá trị thực tiễn, cần được sớm triển khai.

Hiện tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, từ vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đến chở quá tải hay lấn làn đường…

Những hành vi không chỉ gây mất an toàn cho chính người vi phạm mà còn đe dọa tính mạng, tài sản của những người khác.

Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu sự giám sát thường xuyên, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành hay những tuyến đường xa trung tâm.

Với chính sách mới, mỗi người dân có thể trở thành một mắt xích trong mạng lưới giám sát rộng khắp, hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm giao thông kịp thời hơn.

Đề xuất còn tạo cơ chế khuyến khích tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, thúc đẩy ý thức tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng một xã hội văn minh hơn.

Khi người dân nhận thức được rằng mình có thể đóng góp trực tiếp vào việc bảo đảm trật tự giao thông, họ sẽ có động lực hành động, thay vì thờ ơ hoặc chấp nhận sự vô trách nhiệm từ những người xung quanh.

Hơn nữa, chính mỗi người sẽ tự nhắc bản thân tuân thủ tốt hơn. Những điều tích cực đó không chỉ cải thiện chất lượng giao thông mà còn củng cố mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng và người dân, tạo dựng lòng tin và sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Xem xét cơ chế mà Bộ Công an đề xuất cho thấy đã có những điều khoản bảo đảm tính minh bạch và hợp lý.

Các thông tin cung cấp phải có căn cứ rõ ràng, được xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra người cung cấp thông tin chắc chắn được bảo vệ danh tính, tránh bị trả thù hoặc gặp rủi ro không đáng có.

Một khía cạnh khác cần được nhấn mạnh là giá trị kinh tế của chính sách này.

Việc tái đầu tư một phần kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính để khuyến khích người dân tham gia giám sát không chỉ là cách sử dụng hiệu quả nguồn lực, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng.

Khi người dân nhận thấy hành động của mình mang lại lợi ích cụ thể, lợi ích chung cho xã hội, họ sẽ có xu hướng tham gia tích cực hơn.

Hơn nữa, với giới hạn mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng mỗi vụ việc là phù hợp.

Để đề xuất này thực sự phát huy hiệu quả, cần có các biện pháp triển khai phù hợp và đồng bộ.

Trước hết cần xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin tiện lợi, bảo mật và dễ sử dụng cho người dân. Công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Đó có thể là phát triển ứng dụng điện thoại đến tích hợp các chức năng báo cáo vi phạm vào những nền tảng trực tuyến hiện có.

Đồng thời cần có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu rõ về mục đích và quy trình của chính sách, từ đó giảm thiểu hiểu lầm hoặc phát sinh lo ngại không đáng có.

Khi số lượng thông tin phản ánh tăng lên, lực lượng chức năng cần được trang bị kỹ năng và công cụ cần thiết để xử lý hiệu quả, nhanh chóng.

Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người cung cấp thông tin mà còn giúp nâng cao lòng tin của cộng đồng vào hệ thống quản lý giao thông.

Như vậy cơ quan chức năng sẽ có thêm “tai mắt” qua đề xuất này nhằm tận dụng hệ thống “camera chạy bằng cơm” từ camera hành trình, camera nhà dân, thiết bị cầm tay của mỗi người bên cạnh hệ thống camera đặt nơi công cộng.

Qua đó, hy vọng những nỗ lực chung sẽ lập lại trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại hơn.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều