Trị bệnh “có tiền mà không tiêu được”!
Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo mức ổn định, an sinh cho xã hội thì đã đến lúc các thành viên Chính phủ, cùng những người quản lý có trách nhiệm liên quan không thể vô cảm được nữa.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Liệu rằng, nỗi lo “có tiền mà không tiêu được” sẽ sớm được giải tỏa? Đây vẫn là bài toán tưởng dễ ra đáp án, nhưng con đường tìm ra lời giải vẫn còn nhiều khúc quanh co lắm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP nhằm trị bệnh “có tiền không tiêu được”
“Thông” vốn nhờ Nghị quyết 94/NQ-CP
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một “điểm nghẽn”, là “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế . 10 tháng, dù tình hình thực hiện vốn đầu tư công đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt thấp so với các năm trong giai đoạn 2015 – 2019.
Con số cụ thể được Tổng cục Thống kê công bố. Đó là 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 260.400 tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%). Chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng giao.
Nên câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” đã tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội âu cũng là lẽ đương nhiên.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng tình trạng chậm xây dựng các công trình trọng điểm là điệp khúc “biết rồi nói mãi”. Theo Đại biểu thì “Năm nào nội dung này cũng được Chính phủ nêu ra trong phần hạn chế yếu kém. Dù biết rằng đây là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhưng tôi thấy lạ là càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn. Điển hình là việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản”.
Để chữa căn bệnh “có tiền không tiêu được, trong Nghị quyết số 94/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và năm 2019.
Thứ ba, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2019.
Thứ tư, đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Thứ năm, tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong bối cảnh hiện nay, cần rốt ráo hơn bao giờ hết. Việc ban hành nghị quyết này là cần thiết và quan trọng và cần thực hiện nghiêm túc nghị quyết này để không lặp lại tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Vẫn không dễ “thông”!
Chuyện “có tiền mà không tiêu được” khiến Chính phủ và dư luận xã hội nói chung rất sốt ruột. Liên tiếp các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ được ban hành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cũng đã rốt ráo được thực hiện để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một hội nghị trực tuyến toàn quốc về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đúng như nhiều Đại biểu nêu, tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Ngay chính Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công: Một là, Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, trong khi còn một khối lượng lớn vốn ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Kế tiếp, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Ba là, Gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Bốn là, Doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.
Dĩ nhiên, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, bao gồm cả việc lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai,…v..v.
Song, một nguyên nhân quan trọng được nhắc tới là do yếu tố chủ quan, mà cụ thể là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai. Bởi vì, cùng một thể chế, chính sách, nhưng có địa phương, có ngành giải ngân tốt, trong khi có nhiều ngành, địa phương chỉ giải ngân được 10-15%, nên không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan được.
Phải chăng, lý do là ở thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư?
Phải chăng, lý do nằm ở quản trị yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo của người đứng đầu hạn chế, lại trong bối cảnh “lò” lúc nào cũng nóng nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm”?
Nói cách khác, hiểu theo hướng của Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cử tri đó là “Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn những nguy cơ gì khác? Điều này Chính phủ cần quan tâm làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công”.
Dường như, “có tiền không tiêu được” trong đầu tư công đã thành căn bệnh đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mới trị được. Trong đó, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo mức ổn định, an sinh cho xã hội thì đã đến lúc các thành viên Chính phủ, cùng những người quản lý có trách nhiệm liên quan không thể vô cảm được nữa.
Một khi tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, mưu cầu lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm thì những con đường “thông vốn” cho đầu tư công như Nghị quyết 94/NQ-CP vẫn còn quá ư khúc khuỷu, ngoằn ngoèo.
Sông Trà