+
Aa
-
like
comment

Trên sốt sắng, lãnh đạo bộ, tỉnh thành thờ ơ

11/07/2019 07:43

Trong khi Chính phủ sốt sắng chỉ đạo kế hoạch thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều Bộ, ngành và địa phương lại chẳng quan tâm, câu chuyện thực sự rất đáng lo ngại

Xới lên rồi… để đấy

Vấn đề này được ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, nêu tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sớm được thông qua” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 10/07.

Ông Khanh lấy dẫn chứng, khi ban hành Quyết định thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, gửi về Bộ Công thương tổng hợp chậm nhất ngày 01/03/2019.

Tuy nhiên đến ngày 25/3 Bộ Công thương mới chỉ nhận được ý kiến của 10 Bộ, ngành và gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau đó, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương chưa hoàn thiện phải gửi về cho Bộ Công thương chậm nhất đến ngày 12/4. Và đến thời điểm này (10/7), Bộ Công thương vẫn chưa nhận được đầy đủ các ý kiến từ các Bộ, ngành và địa phương còn lại.

Kế hoạch hành động là để giúp chúng ta tận dụng cơ hội, qua đó biến cơ hội thành hiện thực. Nhưng thực tế nhiều cơ quan chủ quản vẫn còn chậm trễ trong kế hoạch hành động.

“Nếu chúng ta vẫn giữ cách tiếp cận như trên với EVFTA, tôi khẳng định những bài trình bày về cơ hội, những lời hay ý đẹp về EVFTA sẽ chỉ tồn tại trên giấy và lời nói,” ông Ngô Chung Khanh nói. “Rõ ràng khi chúng ta ký thì rất hoành tráng, nhưng quan trọng là chúng ta thực thi như thế nào, làm sao đưa các FTA vào hiện thực càng sớm càng tốt và phải được xuyên suốt”.

Nói về sự “hời hợt” của chúng ta đối với các FTA, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho rằng hiện nay chúng ta cũng chỉ “chạy theo phong trào”.

“Cách đây khoảng 3 tháng, “CPTPP” là từ khóa cực hot, nhưng nếu bây giờ VCCI tổ chức một hội thảo về CPTPP tôi nghĩ sẽ không có nhiều người tham dự, vì EVFTA đang hot hơn. Và sau 3 tháng nữa, tôi không biết từ khóa “EVFTA” có còn hot nữa hay lại chìm vào quên lãng nếu không có ai đó xới nó lên”.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương. Ảnh: Tin247.

Doanh nghiệp cần làm gì với EVFTA?

Không chỉ các cơ quan nhà nước, ngay cả các doanh nghiệp cũng hiểu một cách mông lung về EVFTA, trong khi bản thân các doanh nghiệp phải tự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đón đầu cơ hội.

Sau khi EVFTA được ký kết, Bộ Công thương nhận được một số câu hỏi của doanh nghiệp gửi về, nhưng các câu hỏi chỉ xoay quanh hai nội dung: mặt hàng này thuế về bao nhiêu phần trăm?; hoặc quy tắc xuất xứ của mặt hàng này là như thế nào?

Trong khi đó, ngay cả khi thuế về 0% không có nghĩa rằng chúng ta xuất khẩu ngay sang được EU, mà còn phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ. Nhưng đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng không có nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ bán được hàng cho EU mà còn phải quan tâm đến nhiều quy định khác.

“Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến cấp độ thuế quan hoặc cao hơn nữa là quy tắc xuất xứ, mà chưa quan tâm sâu hơn là để xuất khẩu được mặt hàng này cần phải qua các thủ tục gì, và làm như thế nào đến được tay người tiêu dùng châu Âu, chúng tôi chưa nhận được câu hỏi nào chi tiết như thế,” ông Ngô Chung Khanh cho hay.

Có một nhận xét “các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội từ CPTPP”, nhưng thực tế “doanh nghiệp Việt Nam” không có nghĩa là doanh nghiệp do người Việt Nam sở hữu. Ông Khanh cho biết, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp do người Việt Nam sở hữu tận dụng tốt CPTPP không nhiều, các câu hỏi về CPTPP gửi về Bộ Công thương cũng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI.

“Chúng ta nói rằng doanh nghiệp FDI được hưởng lợi, nhưng chúng ta không đặt câu hỏi tại sao lại thế. Rõ ràng sự chủ động của các doanh nghiệp FDI là rất tốt, đó là lý do họ tận dụng cơ hội tốt hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề này đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa có sự tiến triển”.

Để rút kinh nghiệm và sẵn sàng cho việc EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay bởi Hiệp định này có lộ trình cắt giảm thuế rất ngắn, chỉ khoảng 7 năm là về 0%. EU sẵn sàng cho phép nhiều mặt hàng chúng ta đang xuất khẩu vào thị trường này trở về mức thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Lấy ví dụ về mặt hàng gạo, hiện nay gạo Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường EU vì chúng ta không cạnh tranh nổi khi thuế suất mặt hàng gạo của Myanmar và Campuchia vào EU đang là 0%. Nhưng nếu có EVFTA, thuế xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU lại về 0%, lúc đó cơ hội cho hạt gạo Việt Nam là có ngay.

Hơn nữa, chúng ta phải duy trì lợi thế này càng lâu càng tốt. Hiện nay các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philipines, Malaysia chưa tham gia FTA với EU, nhưng không có nghĩa là mãi mãi họ không có FTA với EU.

Sau  khi Singapore và Việt Nam ký thành công FTA với EU, các nước trong khu vực chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên mà sẽ chủ động đàm phán mạnh hơn với EU, bởi họ không muốn mất đi lợi thế cạnh tranh với Việt Nam tại thị trường lớn như EU.

(Theo Infonet)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều