Trên công trường và trong nghị trường
Quốc hội soạn sửa Kỳ họp mới với dự kiến nửa Kỳ họp theo hình thức trực tuyến. Người dân ra đường luôn nhớ đến những chiếc khẩu trang. Nhưng dòng chảy phát triển đất nước vẫn cuồn cuộn. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng có mặt trên các công trường từ Bắc vào Nam…
COVID-19, kẻ thù nguy hiểm, trong lần xuất hiện trở lại này đã không còn đủ sức phủ bóng u ám lên toàn nền kinh tế cũng như không còn đủ sức phủ bóng âu lo “nghỉ tết kéo dài đến hè, nghỉ hè kéo dài đến tết” lên tâm tư của người dân.
Dù các ca bệnh tăng lên con số có ngày là hàng chục ở tâm điểm Đà Nẵng, nhưng Chính phủ vẫn giữ vững khí thế đồng loạt ra quân đúng như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nghị trường Kỳ họp thứ 9 diễn ra hồi tháng 6.
Thủ tướng quả quyết, “trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”.
Chọn trọng tâm để “tả xung hữu đột” là giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ trước Quốc hội, “tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án quan trọng, cấp bách khác có tính lan toả cao, kết nối vùng, miền”.
Cả Chính phủ lên đường đến công trường, trong đó người đứng đầu Chính phủ thị sát thực địa dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và cuối tuần rồi là lần thứ 3 ông đến kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Trên công trường, Thủ tướng ra chỉ đạo tháo gỡ từng nút thắt, chốt lại thời điểm cho từng hạng mục và nối vòng tay giữa lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư dự án, các bộ, ngành thành vòng tròn gắn kết, gia tốc cho “bánh xe” công trình lao về đích.
Kiểm tra thực địa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cùng hỗ trợ tỉnh để cơ bản trong năm 2020 phải xong mặt bằng, có đất sạch 5.000 ha. Trước hết, trong tháng 10 năm nay phải bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 hơn 1.800 ha để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công hạng mục dự án.
Thủ tướng cũng đồng ý ngay với kiến nghị của Đồng Nai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.831 ha để đón nhận dịch chuyển đầu tư mới sau dịch COVID-19.
Còn công trường dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, trong vòng hơn một năm, sau 3 lần Thủ tướng đến kiểm tra, khối lượng công việc hoàn thành đã tăng gấp 4 lần so với tiến độ thi công trong suốt 10 năm, tính từ thời điểm dự án khởi công lần đầu.
Chỉ tính từ thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến đây hồi tháng 3/2020 tới khi ông trở lại vào ngày 31/7/2020, sau 4 tháng, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), bất chấp điều kiện bất lợi của thời tiết mùa mưa Nam Bộ.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận tự tin báo cáo Thủ tướng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020 bảo đảm đúng như kỳ vọng của Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là một ví dụ điển hình cho một Chính phủ trân trọng lời hứa, không ngại khó, không ngại khổ, nói là làm, làm quyết liệt, làm đến cùng.
Có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trầy trật 10 năm với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến đầu năm 2019 thì đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Quyết giải cứu cho Dự án này vì “phải làm cho được cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận để giữ lời hứa với 20 triệu người dân miền Tây, một lời hứa đã cam kết từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được”, kể từ tháng 3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục chủ trì các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, “điều tôi muốn nghe tại các cuộc họp là về những đơn vị, con người kiên cường thi công để bằng mọi cách bảo đảm tiến độ”.
Không chỉ vậy, Thủ tướng đến tận nơi để bảo đảm cho 100% các đề nghị liên quan đến dự án này được giải quyết triệt để. Cuối tháng 9/2019, đứng giữa công trường của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Thủ tướng trao cho các bộ, cơ quan liên quan văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án. Đại diện các bên liên quan đều hứa không phụ công sức của Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận còn có thể coi là một ví dụ điển hình cho tinh thần thách thức lại dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, như Thủ tướng nói, “dịch bệnh xuất hiện không phải để làm chúng ta gục ngã, mà để chúng ta vượt qua và chiến thắng”.
Hơn 4 tháng trước, vào đúng lúc “giặc” virus Corona hoành hành, Thủ tướng vẫn dành thời gian đến kiểm tra tiến độ dự án này. Và kể cả khi dịch bệnh bùng phát trở lại sau gần 100 ngày bình yên, Thủ tướng giữ nguyên lịch trình thị sát công trường dự án cao tốc miền Tây.
Dẫn đầu đoàn kiểm tra của Chính phủ kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình quan tâm đến điểm nghẽn dự án không triển khai được bởi không có mặt bằng thi công.
Nguyên nhân là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị khi chưa quyết liệt, thiếu sự phân công chỉ đạo tập trung, dứt điểm và cũng có cả nguyên nhân là thủ tục lòng vòng ngay trong bộ máy hành chính Nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực nói thẳng, “bên cạnh việc kiểm tra ở các địa phương cũng cần kiểm tra các bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính… để xem thủ tục lòng vòng ở ngay trong chính các bộ này như thế nào”.
Thị sát công trường tại các tỉnh Tây Bắc; thị sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên là tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giúp các địa phương biết “sốt ruột” đúng như yêu cầu của Thủ tướng.
Bởi nếu không biết “sốt ruột” thì sẽ thấm thía về quyết định của Chính phủ là điều chuyển vốn từ các tỉnh có tiến độ giải ngân chậm sang các tỉnh có tiến độ giải ngân cao.
Thưởng, phạt phân minh, Chính phủ hiện sẵn sàng nguồn vốn khoảng 2 nghìn tỷ đồng rót thêm cho địa phương nào về đích sớm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến công trường Dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn. Tính đến hết tháng 6, tiến độ giải ngân cho Dự án này đã đạt trên 93%.
Các dự án cao tốc bừng bừng tăng tốc. Dự án Cam Lộ-La Sơn, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thi công liên tục từ sáng sớm đến 22h hằng ngày. Bộ Giao thông vận tải vào danh sách top 10 bộ, ngành đang có tốc độ giải ngân cao nhất.
Chưa thể “ra trận” giải ngân như ngày nào vai đeo balo lên đường thám hiểm hang động Sơn Đoòng quảng bá cho du lịch Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ diệt COVID- 9…
Khi cả Chính phủ tỏa ra công trường, kết quả, giải ngân đầu tư công tháng 7 tăng gấp 1,5 lần tháng 6 và tính chung 7 tháng năm 2020 đã tăng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Gặp phải bạt ngàn thách thức, trong đó có những thách thức chưa từng có, Chính phủ nhiệm kỳ này mang trọn vẹn hình ảnh của một Chính phủ “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chưa từng có thời khắc thảnh thơi. Đã vậy, từng có dư luận ồn ào không hài lòng vì “Thủ tướng đi địa phương nhiều quá”.
Nhưng điều đó càng làm cho nghị trường nhiều hơn những lời cổ vũ cho Chính phủ.
“Có đi nhiều thì mới có thể mang đến được cảm nhận cho người dân rằng Chính phủ gần dân đến như vậy”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé xúc động nói trước diễn đàn Quốc hội.
“Tôi thấy Thủ tướng đi như vậy là ít”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt phát biểu, “muốn đất nước phát triển hơn nữa thì Thủ tướng phải đi địa phương nhiều hơn nữa”.
Nói ngắn gọn và chắc nịch, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) khẳng định tại phiên thảo luận kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp tới toàn dân, “Chính phủ khỏe và giỏi”.
Lê Châu/VGP