Trẻ em tuyệt nhiên không phải là ‘người lớn bé lại’!
Làm sách giáo khoa phổ thông cũng như viết văn thơ cho thiếu nhi là vô cùng khó. Các em là một thế giới khác với thế giới người lớn. Trẻ em tuyệt nhiên không phải là người lớn bé lại.
Thời gian qua, dư luận xôn xao xung quanh những “hạt sạn” trong sách giáo khoa lớp 1 Cánh diều. Cụ thể, đó là các bài “Bốn cái làn”, ‘Thỏ thua rùa”, “Ve và gà”…
Trước hết, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình và Sách giáo khoa; GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa khẳng định, bài “Bốn cái làn” không có trong bất cứ sách giáo khoa nào và cho rằng thông tin này là bịa đặt.
Như vậy có thể đây là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhưng cũng có thể ở các cuốn nâng cao, tham khảo… bởi hiện nay, loại hình này chưa được kiểm soát chặt chẽ?
Về hai bài còn lại, nhiều ý kiến cho rằng các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ suồng sã, phương ngữ và dạy trẻ dối trá, khôn lỏi.
Do đã có rất nhiều những phân tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và các giáo sư liên quan đã giải thích (xem trong Bài liên quan) nên tôi không đi sâu vào đúng – sai của sự việc mà quan tâm tới cách xử lý của các bên khi xảy ra vụ việc này.
Trước hết, có lẽ trừ một vài động cơ không tốt, hầu hết các ý kiến của cộng đồng đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Nhiều ý kiến sâu sắc là tín hiệu cho thấy giáo dục không còn là lĩnh vực “đặc quyền” với bất cứ ai.
Về phía Bộ GD&ĐT, lần này đã biết lắng nghe ý kiến nhiều chiều và có những phản ứng cẩn trọng, kịp thời, có trách nhiệm.
Về phía các tác giả, đã có những giải thích khá hợp lý trên tinh thần lắng nghe với quan điểm sai thì sửa, không sợ sai và không “cố thủ”.
Về quan điểm người viết, tôi nghĩ khó có sản phẩm nào, dù tinh thần hay vật chất có được sự hoàn hảo tuyệt đối từ ban đầu mà thường phải qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian.
Vì thế, việc sửa chữa sai sót không chỉ sách giáo khoa mà cả giáo trình (nếu có sai sót) vừa qua là tất yếu và cần thiết.
Đối với sách giáo khoa nói chung, tập sách lớp một Cánh diều nói riêng cần tuân thủ nguyên tắc trong sáng, dễ hiểu và tránh đa nghĩa, tránh dẫn đến các em có những cách hiểu không mong muốn.
Xin hãy xác định rằng làm sách giáo khoa phổ thông cũng như viết văn chương cho thiếu nhi là vô cùng khó. Các em là một thế giới khác với thế giới người lớn. Trẻ em tuyệt nhiên không phải là người lớn bé lại.
Xin nhắc lại lời của người xưa, những con trâu già không thể “cưa sừng thành nghé” mà nên nghĩ ngược lại, hãy lớn hơn nữa mới thành trẻ nhỏ để được hòa vào thế giới trẻ thơ, thế giới thiêng liêng và trong sáng.
Trở lại với sách Cánh diều lớp 1, tôi đề nghị ngay trước mắt, các tác giả và Hội đồng thẩm định cần ngồi lại lý giải khách quan vì sao có phản ứng của dư luận vừa qua, tìm phương án khắc phục đồng thời nghiêm túc kiểm điểm bởi nói gì thì nói, làm sách cho học sinh mà để phụ huynh phản ứng thì không thể nói là thành công.
Về phía phụ huynh, theo tôi chúng ta nên bình tĩnh theo dõi cách xử lý của các bên liên quan, tránh những bức xúc thiếu kiềm chế, nhất là có những ngôn từ “nhạy cảm”.
Về Bộ Giáo dục & Đào tạo, cần làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, sớm có kết luận cuối cùng cũng như làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra sự việc. Đồng thời “Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục” như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Chỉ có như vậy mới làm yên lòng phụ huynh, học sinh và nhất là đội ngũ giáo viên đang đứng lớp.
Bùi Hoàng Tám/DT