+
Aa
-
like
comment

Trẻ dưới 12 tuổi đi máy bay phải xét nghiệm Covid-19: Bất hợp lý!

19/01/2022 10:30

Ra tới sân bay mới hay bé sơ sinh, bé nhỏ dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin cần phải có giấy xét nghiệm âm tính, nhiều gia đình đã lỡ cả chuyến bay về Tết, chật vật tìm nơi xét nghiệm…

Phụ huynh vội đưa hai con xét nghiệm nhanh COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 18-1. Khi có kết quả âm tính, hai bé mới được cùng mẹ lên máy bay về quê ăn Tết – Ảnh: XUÂN MAI

Ghi nhận của PV tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhiều gia đình có trẻ em đi cùng phải chật vật làm thủ tục vì thiếu giấy xét nghiệm âm tính, thậm chí trễ chuyến bay.

Thông tin từ hãng bay cho biết người tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng sẽ không cần giấy xét nghiệm. Tuy nhiên, với trẻ em dưới 12 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh), chưa tiêm vắc xin vẫn phải cần xét nghiệm âm tính, trừ trường hợp trẻ em từng là F0 đã khỏi bệnh hoặc được tiêm vắc xin ở nước ngoài trở về thì sẽ không cần xét nghiệm nhanh.

Vất vả với giấy xét nghiệm

Bế con trai 3 tuổi trên tay tại quầy check-in sân bay Tân Sơn Nhất, chị Nguyễn Thị Hiền (quận Tân Bình) ứa nước mắt khi chuyến bay từ TP.HCM – Thanh Hóa trưa 18-1, gia đình gồm 6 người không thể bay được đúng giờ.

Chị Hiền phải đóng thêm 3,6 triệu đồng để đổi sang chuyến bay kế tiếp mới được tiếp tục hành trình về quê đón Tết.

Chị Hiền cho hay khi ra tới sân bay vào làm thủ tục chị mới hay quy định trẻ em dưới 12 tuổi cần phải có giấy xét nghiệm âm tính mới hoàn tất được thủ tục. Gia đình 6 người, trong đó có 3 trẻ dưới 12 tuổi, chị phải dời lại chuyến bay, tất tả tìm nơi xét nghiệm để kịp chuyến bay sau.

“Giờ TP.HCM đã là vùng xanh rồi. Trẻ em đi chung với cha mẹ thì có cần thiết phải có giấy xét nghiệm này hay không? Cái gì không còn phù hợp nên tháo gỡ chứ thấy ngoáy mũi mấy đứa nhỏ khóc ngất, xót xa lắm”, chị Hiền chia sẻ.

Nhiều nhân viên hàng không cũng than ngắn thở dài khi quy trình thủ tục đặt ra, buộc khách phải tuân thủ. Vấn đề trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin cần phải có giấy xét nghiệm (bao gồm trẻ sơ sinh) đi máy bay là vấn đề “đau đầu”, bởi số đông khách hàng tới làm thủ tục hay thiếu giấy tờ này.

“Nếu còn dư thời gian trước chuyến bay khoảng 1 tiếng, nhân viên sẽ hỗ trợ làm thủ tục. Sau đó khách hàng phải nhanh chóng làm xét nghiệm, có chứng nhận âm tính mới lên được máy bay. Khổ nhất là gia đình có trẻ em đi vào khung giờ buổi tối.

Ra tới sân bay mới biết có quy định. Bay chuyến 7h-8h tối thì tìm đâu ra chỗ xét nghiệm. Cho nên rất nhiều gia đình có trẻ em đi cùng bị kẹt ở quy định này”, một nhân viên hàng không tại Tân Sơn Nhất cho hay.

Đại diện các hãng hàng không giải thích đây không phải là quy định của hãng hàng không đặt ra để làm khó khách hàng. Hãng bay tăng cường thêm nhân viên hỗ trợ, thậm chí ngay trên website khi vào mua vé, hãng có thông tin lưu ý về quy định đi lại máy bay.

“Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng vào website để xem”, một hành khách cho biết.

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải – Tổng hợp: X.MAI – Đồ họa: T.ĐẠT

Quy định không hợp lý, không nên áp dụng máy móc

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, quy định trên của Bộ GTVT là không hợp lý, không có ý nghĩa nhiều trong công tác phòng chống dịch COVID-19, bởi lẽ trẻ em dưới 12 tuổi không tiêm vắc xin là do ngành y tế chưa có loại vắc xin tiêm cho trẻ ở độ tuổi này tiêm chứ không phải trẻ hoặc bố mẹ của trẻ không chịu tiêm.

Ông phân tích phần lớn trẻ nhiễm COVID-19 là do người lớn lây sang và nguy cơ trẻ nhiễm rất thấp nếu bố mẹ tuân thủ biện pháp chống dịch, tiêm đủ vắc xin.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm ở trẻ dưới 12 tuổi trước khi bay, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể gây nguy hiểm khi trẻ không hợp tác, giãy giụa, hoảng sợ, la khóc. Và nếu trẻ và phụ huynh không di chuyển bằng máy bay thì vẫn còn nhiều lựa chọn khác như xe khách, tàu lửa, xe máy… mà trẻ không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính mới về quê được.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng cho rằng quy định trên của Bộ GTVT phi lý, “không giống ai” vì trẻ dưới 12 tuổi ở nước ta chưa được tiêm vắc xin nhưng đây lại là một trong những lý do buộc trẻ phải xét nghiệm mới được lên máy bay.

Với quy định của Bộ GTVT, một chuyên gia hàng không đề nghị cần phải xem lại hoặc bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết. Không nên áp dụng máy móc các quy định gây khó dễ cho người dân, đặc biệt là trẻ em.

Chỉ nên xét nghiệm đối tượng nguy cơ

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết các hướng dẫn hiện hành chỉ yêu cầu xét nghiệm đối tượng nguy cơ để giảm lây nhiễm, tùy theo tình hình dịch tễ của từng địa bàn mà có nhóm nguy cơ riêng. COVID-19 là bệnh lây và có yếu tố gia đình, các gia đình người lớn đã được tiêm đủ mũi vắc xin khi di chuyển không phải xét nghiệm nhưng trẻ em chưa tiêm lại phải xét nghiệm là cách thức không hợp lý.

Vị này cũng cho biết đã trao đổi với các cơ quan chức năng để sớm có hướng dẫn chỉnh sửa quy định này theo hướng hợp lý hơn.

Lan Anh

Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Liên quan đến quy định trẻ em chưa tiêm vắc xin đi máy bay có phải xét nghiệm âm tính, trao đổi với PV, đại diện Bộ GTVT cho biết: “Trước ngày 27-12, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Y tế, ý kiến của các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 có quy định: hành khách ở địa bàn có dịch cấp 4, vùng cách ly y tế, hành khách đi chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4, từ các sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đến trước thời điểm chuyến bay khởi hành”.

Ngày 27-12, Bộ GTVT sửa đổi quy định trên, chỉ áp dụng xét nghiệm với hành khách ở địa bàn có dịch cấp 4, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4.

Với các vùng khác, hành khách đi máy bay chỉ cần 1 trong 3 điều kiện: người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành; người có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành; người có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến thời điểm chuyến bay khởi hành.

Theo quy định trên, với hành khách đi máy bay là trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, chưa có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng khi đi máy bay vẫn cần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Ngọc Tuấn

Minh Ánh

Bài mới
Đọc nhiều