Trẻ 3 tuổi cũng trượt mầm non và chuyện người cười – kẻ khóc
Vụ việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học tại trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã gây xôn xao lớn trong dư luận và gợi lên nỗi lo lắng cho nhiều gia đình.
Oái oăm thay bởi hai hình ảnh đối nghịch. Bên cạnh hình ảnh người cha, người mẹ hân hoan chìa mẩu giấy có dấu đỏ và dòng chữ “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”, là những gương mặt rầu rĩ của phụ huynh bốc phải lá phiếu “Bé đã không trúng tuyển”.
Khi sự việc được đăng tải, bên cạnh những câu đùa như “ngày trước có trượt đại học thì giờ có cả trượt mầm non” thì một số người bày tỏ sự thông cảm cho quyết định “cực chẳng đã” này. Được biết, phường Hoàng Liệt là nơi có mật độ xây dựng cao, đi kèm với đó là tốc độ tăng dân số nhanh. Mỗi năm, số lượng trẻ mầm non tăng khoảng 2.000, tuy nhiên, với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tại, trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% trẻ.
Chắc hẳn qua câu chuyện trên, chúng ta càng thấm thía hơn bài học về việc xây dựng nhiều chung cư cao tầng nhưng không đi kèm với quy hoạch các công trình xã hội, đặc biệt là hệ thống trường học. Tuy nhiên, có thể thấy đây mới chỉ là hệ lụy bước đầu. Việc phải cho con nhập học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây ra áp lực kinh tế không hề nhỏ cho nhiều gia đình. Điều này vô hình chung tạo nên tâm lý lo lắng đối với việc kết hôn, sinh và nuôi dạy con cái ở người trẻ hiện nay, từ đó dẫn đến những ảnh hưởng đối với chất lượng cơ cấu dân số và việc phát triển kinh tế tại nước ta.
Để giải quyết vấn đề này, rất cần những chiến lược quy hoạch có tầm nhìn trong tương lai. Chúng ta có thể hy sinh nhiều thứ để phát triển kinh tế, nhưng đó không thể là giáo dục. Còn trước mắt, cơ quan chức năng có thể cân nhắc nới lỏng chính sách nhập học trái tuyến để tạo điều kiện cho những gia đình tài chính không dư dả và đảm bảo chi tiêu cho những cơ sở giáo dục công lập đang thiếu học sinh ở các địa phương lân cận.
Quỳnh Mint