Trật tự thế giới thay đổi thế nào qua lăng kính của các đảo quốc Thái Bình Dương?
Mới đây, “Tuần san châu Á” vừa đăng tải bài viết nói về việc Nam Thái Bình Dương trở thành bàn cờ chiến lược của cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Qua đó đặt ra câu hỏi “trật tự thế giới thay đổi thế nào qua lăng kính của các đảo quốc Thái Bình Dương?”.
Trước đó, vốn dĩ có nhiều nước ở Nam Thái Bình Dương thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng hiện nay chỉ còn lại 4 nước. Chuyên gia quan hệ quốc tế nổi tiếng người Đài Loan Trần Nhất Tân cho biết Mỹ từng gây sức ép Quần đảo Solomon không được cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng Trung Quốc đưa ra giá cao hơn. Học giả Hoàng Khuê Bác thuộc Đại học chính trị Đài Loan cho rằng Trung Quốc thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để mở rộng ảnh hưởng, Mỹ rất khó chống lại.
Cách tiếp cận của Mỹ rõ ràng vẫn không đủ mạnh. Trần Nhất Tân cho biết Mỹ từng đưa ra một kế hoạch hợp tác thử thách thiên niên kỷ, yêu cầu Chính phủ Quần đảo Solomon không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, duy trì quan hệ với Đài Loan, như vậy sẽ không tạo thành cuộc khủng hoảng nợ công và tài chính không minh bạch mà người Mỹ nhận định, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của Mỹ trong kế hoạch viện trợ.
Tuy nhiên, Quần đảo Solomon căn bản không quan tâm, bởi vì cái giá mà Trung Quốc đưa ra cao hơn nhiều, đưa ra kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 500 triệu USD, khiến cho quần đảo này quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Theo Hoàng Khuê Bác, từ lâu nay, Nam Thái Bình Dương luôn có Australia “chăm sóc”, nên nguồn lực mà Mỹ đầu tư vào khu vực này không nhiều. Dưới thời Donald Trump, Mỹ không coi trọng các nước nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Cũng có thể nói rằng Joe Biden tiếp nhận mớ bòng bong do Donald Trump để lại sau 4 năm cầm quyền. Nói cách khác, thay vì cần phản công, chuẩn bị các hành động đối phó với Trung Quốc ở khu vực này thì Donald Trump lại không có hành động gì, nên hiện nay Mỹ mới phải nếm trái đắng.
Các nước Nam Thái Bình Dương cách Đài Loan nửa vòng Thái Bình Dương từng là cứ điểm quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Đài Loan, dưới thời Mã Anh Cửu cầm quyền, quan hệ ngoại giao giữa hai bờ eo biển ở trạng thái hòa dịu, Đài Loan chỉ mất quan hệ ngoại giao với Gambia. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Thái Anh Văn lên cầm quyền, quan hệ hai bờ eo biển rơi vào trạng thái đóng băng, đến nay đã có 8 nước cắt đứt quan hệ với Đài Loan, trong đó có hai nước ở Nam Thái Bình Dương, lần lượt là Quần đảo Solomon và Kiribati.
Ngày 16/9/2019, Quần đảo Solomon tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. 4 ngày sau, Kiribati cũng tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau khi cắt đứt vào năm 2003.
Sau khi Quần đảo Solomon “thay lòng đổi dạ”, Trung Quốc lại nhìn thấy Kiribati có giá trị chiến lược cao hơn, nếu đất nước nhỏ bé với dân số chỉ có 110.000 người, nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, vùng biển vắt qua ba múi giờ này xích lại gần Trung Quốc, thì e rằng sẽ khiến Mỹ cảm thấy như có gai đâm vào sau lưng.
Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Tổng thống Kiribati Taneti Maamau đưa ra tuyên bố giải thích nguyên nhân rất đơn giản khi cho rằng điều này hoàn toàn xuất phát trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đáp lại rằng Taneti Maamau yêu cầu Đài Loan viện trợ 70 triệu USD để mua máy bay dân dụng, tuy nhiên việc viện trợ máy bay dân dụng thương mại vì mục đích lợi nhuận không phù hợp với tinh thần lập pháp của Luật hợp tác và phát triển quốc tế của Đài Loan. Do đó, sau khi xem xét khả năng tài chính của chính phủ, Đài Loan kiến nghị hỗ trợ bằng hình thức cho vay thương mại ưu đãi, nhưng Kiribati không chấp nhận.
Trung Quốc ngay lập tức nhảy vào cuộc, tuy nhiên cũng cảm thấy mức giá đưa ra quá cao, nên “ép giá” xuống còn một nửa, đồng thời tặng một máy bay chở khách C919 do Trung Quốc sản xuất trị giá hơn 30 triệu USD, kèm theo cam kết mua phà cho Kiribati để “mua đứt” một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này.
Sau khi Kiribati thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quan hệ song phương phát triển nhanh chóng. Theo Reuters, các nghị sĩ Quốc hội của Kiribati tiết lộ rằng Bắc Kinh đang lên kế hoạch nâng cấp sân bay và cầu ở đảo Kanton của nước này để khôi phục căn cứ máy bay quân sự trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Có đánh giá cho rằng “hòn đảo này sẽ trở thành hàng không mẫu hạm trên biển”.
Theo các chuyên gia nhận định Kiribati cách Hawaii chỉ khoảng 4 giờ bay, nếu Trung Quốc cải tạo thành công sân bay ở nơi này thì nó có thể trở thành đầu cầu để máy bay Trung Quốc giám sát Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đến Nam Thái Bình Dương, vốn thuộc phạm vi ảnh hưởng của Australia, đã tạo thành mối đe dọa mạnh mẽ đối với Mỹ. Sau khi Quần đảo Solomon và Kiribati lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Mỹ tăng cường lôi kéo Đài Loan. Năm 2020, việc Quốc hội Mỹ thông qua TAIPEI Act, sau đó Tổng thống Donald Trump chính thức ký và có hiệu lực vào ngày 26/3 cùng năm, được coi là một biện pháp chống lại Trung Quốc.
Việc Mỹ ra tay bảo vệ các mối quan hệ ngoại giao của Đài Loan và ổn định tình hình Nam Thái Bình Dương khiến Đài Loan thở phào nhẹ nhõm. Trần Nhất Tân cho rằng Đài Loan phải dựa vào Mỹ do không có đủ sức mạnh, 2 năm trước Quần đảo Marshall ở Bắc Thái Bình Dương đã dấy lên hồi chuông báo động, may mà Mỹ và Marshall có thỏa thuận quốc phòng, hóa giải khủng hoảng ngoại giao cho Đài Loan.
Theo Hoàng Khuê Bác, sự không tin tưởng lẫn nhau về chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ nét ở Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thiết lập ngày càng nhiều quan hệ ngoại giao với các nước ở Nam Thái Bình Dương. Trong thời kỳ hưng thịnh, Đài Loan có quan hệ ngoại giao với gần 10 nước ở khu vực này, nhưng hiện nay chỉ còn lại 4 nước, điều này cho thấy ảnh hưởng của Mỹ và Australia ở khu vực này đang suy yếu.
Ông Hoàng Khuê Bác nhấn mạnh hiện nay mối quan hệ ngoại giao của Đài Loan với 4 nước này vẫn đang ổn định, nhưng nếu có thay đổi thì nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ không “đặt cược thêm” vì Đài Loan. “Đặt cược thêm” chắc chắn là vì Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tiếp đó, điều Mỹ có thể làm chính là phối hợp với Australia, gia tăng sức ép với những nước này, tuy nhiên do Đài Loan đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực nên sức ép ngoại giao có thể không đạt được hiệu quả mong muốn.
Palau với ngành du lịch phát triển đang có quan hệ ngoại giao ổn định với Đài Loan. “Hội nghị Đại dương của chúng ta” (OOC) lần thứ 7 do nước này tổ chức gần đây, Đài Loan cũng được mời tham dự và đã cử Bộ trưởng Bảo vệ môi trường Trương Tử Kính làm đặc phái viên. Tuy nhiên, trong phần giới thiệu trên trang mạng của OOC, tên quốc gia chính thức là “Trung Hoa dân quốc” bị gỡ bỏ, chỉ còn lại Đài Loan.
Điều này cũng chứng thực quan điểm từ trước đó khi nhiều phương tiện truyền thông cho rằng nước đồng tổ chức OOC là Mỹ muốn Đài Loan tham dự thông qua Văn phòng đại diện tại Mỹ, nghĩa là tránh sử dụng các phù hiệu có biểu tượng chủ quyền như tên quốc gia chính thức, quốc kỳ… tại địa điểm tổ chức hội nghị, ngay cả chức danh “đặc phái viên tổng thống” cũng tránh đề cập.
Palau mời Mỹ xây dựng căn cứ quân sự
Do Palau và Đài Loan đều hành xử theo sự sắp xếp của Mỹ, nên sự kiện OOC không ảnh hưởng đến quan hệ Đài Loan-Palau. Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. có quan hệ hữu nghị với Đài Loan. Hoàng Khuê Bác cho rằng sở dĩ gần đây Palau dám dựa vào Đài Loan là do tài nguyên du lịch của nước này gần bão hòa, không cần dựa vào khách du lịch Trung Quốc. Hai năm trước, Surangel Whipps Jr. đã mời Mỹ xây dựng căn cứ hải quân ở Palau để chống lại Trung Quốc, hơn nữa nhiều khả năng Mỹ sẽ đóng quân ở đây để củng cố chuỗi đảo thứ hai.
Ông Trần Nhất Tân cho biết việc Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Đài Loan ở Nam Thái Bình Dương, không chỉ là làm giảm ảnh hưởng của Đài Loan, mà còn nhằm vào Mỹ và Australia. Đằng sau câu chuyện này đều có mục đích quân sự, chẳng hạn như việc xây dựng sân bay ở Kiribati, cũng như tăng cường hợp tác quân sự trên biển với Vanuata…
Theo Hoàng Khuê Bác, tất cả những điều này đều là để cản trở Mỹ triển khai các hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, hơn nữa đây đều là những nơi tương đối then chốt. Điều này khiến cho Mỹ càng cảm thấy bất an hơn đối với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương.
Hơn 10 năm qua, Trung Quốc sử dụng phương thức viện trợ tài chính để thao túng các nước Nam Thái Bình Dương, thúc đẩy thực hiện rộng rãi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở khu vực này. Kể từ sau khi Papua New Guinea đi đầu ký các thỏa thuận hợp tác liên quan với Trung Quốc vào giữa năm 2018, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương (trừ 4 nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan) đều bày tỏ sự hoan nghênh, điều này cho thấy “sự đầu tư” của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã giành được thành quả.
Diệp Trường Thành, chuyên viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa (Đài Loan) cho biết những năm gần đây, Trung Quốc thông qua các phương thức khác nhau để tích cực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương, điển hình là kế hoạch viện trợ của Trung Quốc đối với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy của Australia, từ năm 2006 đến tháng 6/2016, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1,781 tỷ USD viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương, đầu tư vào 218 chương trình viện trợ. Mặc dù tổng kinh phí viện trợ của Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn không bằng Australia (7,703 tỷ USD), nhưng đã gần bằng mức viện trợ của Mỹ (1,89 tỷ USD).
Theo BBC, đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trên các đảo quốc, chẳng hạn Trung tâm hội chợ và triển lãm quốc tế – một trong những địa điểm tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea vào năm 2018 – là do Trung Quốc viện trợ xây dựng. Sau khi hoàn thành, các dự án này đều gắn biển hiệu “Trung Quốc viện trợ xây dựng” ở vị trí nổi bật, nhắc nhở người dân bản địa “uống nước nhớ nguồn”.
Hoàng Khuê Bác cho rằng Trung Quốc rất khôn ngoan khi bắt đầu từ các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa-giáo dục và an ninh phi truyền thống…, chẳng hạn như bảo tồn biển. Điều này khiến cho các nước Nam Thái Bình Dương rất khó từ chối, trong bối cảnh như vậy Mỹ không có tính chính danh để phản đối, chỉ có thể “đặt cược thêm”, nhưng Mỹ cũng trực tiếp chỉ trích Trung Quốc có “ý đồ chiến lược”.
Trung Quốc gây rối loạn bố cục chiến lược của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương
Bố cục của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương gần đây đã bước sang một giai đoạn mới, có tin đồn cho rằng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Quần đảo Solomon. Hoàng Khuê Bác nhận định, Trung Quốc dựa vào BRI để mở rộng ảnh hưởng một cách mạnh mẽ ở khu vực này, thỉnh thoảng kèm theo các bố trí chiến lược liên quan đến quốc phòng và an ninh. 70% là phi chiến lược, 20%-30% là chiến lược quân sự, rất khó xóa bỏ tất cả đầu tư và nỗ lực của Trung Quốc ở khu vực này, đồng thời cũng rất khó để chống lại một cách hiệu quả.
Hiện nay, cần phải xem Nam Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng như thế nào trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ? Nam Thái Bình Dương nhận được bao nhiêu lợi ích? Trước đây, Mỹ rất lạc quan về tình hình Nam Thái Bình Dương, nhưng sau những động thái dồn dập của Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy căng thẳng, Hoàng Khuê Bác cho rằng bố cục chiến lược của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương đã bị Trung Quốc gây rối loạn.
Bảo Trâm