+
Aa
-
like
comment

Trao quyền đề nghị từ chức liệu có dễ đề nghị từ chức?

Đinh Lực - 25/11/2019 17:23

Việc từ chức của cán bộ, công chức được xác định không phải là một hình thức kỷ luật mà do cá nhân tự nguyện. Theo đó, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho cán bộ cấp dưới từ chức là phù hợp…

Trao quyền đề nghị từ chức liệu có dễ đề nghị từ chức?

Đây là một nội dung được UB Thường vụ Quốc hội giải trình để thuyết phục các đại biểu Quốc hội trước phiên biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội chiều 22/11.

Kết quả biểu quyết sau đó, trong số 448 đại biểu tham gia bấm nút, 431 vị tán thành (tương đương 89,23% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật chính thức được thông qua với nhiều nội dung mới.

Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định giải trình cặn kẽ nội dung quy định tại khoản 5 Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ về vấn đề cho cán bộ, công chức từ chức.

Cụ thể, khoản 5 Điều 34 quy định Bộ trưởng có quyền thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Ông Định cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, do dự thảo luật lần này có bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

UB Thường vụ Quốc hội phân tích, việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại Điều 30 (đối với cán bộ) và Điều 54 (đối với công chức). Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.

Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Từ chức khi thành văn bản pháp luật cán bộ vẫn khó từ chức

Có thể nói việc trông cậy vào sự trung thực, tự giác của cán bộ sử dụng bằng giả nhưng chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, xem chừng chỉ là giấc mơ thôi.

“Từ chức” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và ngay tại nghị trường Quốc hội. Cứ mỗi khi có vấn đề nóng, liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, vấn đề “từ chức” lại được đặt ra. Tuy nhiên, văn hóa “từ chức” vẫn còn rất xa xỉ. Gần đây vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Có thể nói đây là điểm khởi đầu để cán bộ, đảng viên xây dựng văn hóa từ chức.

Hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 giải thích: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Trong Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009, của Bộ Chính trị, về “Việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”, ghi rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Đáng chú ý, Điều 6 Quy định số 260-QĐ/TW đưa ra các căn cứ xem xét việc từ chức của cán bộ như sau: Cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe; cán bộ xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; cán bộ xin từ chức vì lý do cá nhân khác.

Điều 7 Quy định này cũng ghi rõ các trường hợp không được từ chức bao gồm: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do bản thân cán bộ đã thực hiện; nếu cán bộ từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao; đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hay như Điều 30, Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các trường hợp miễn nhiệm hoặc từ chức đối với cán bộ, công chức, như không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ;…

Thực tế, đề cập đến vấn đề từ chức,những năm qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…
Từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ quan niệm cán bộ có sai sót nên mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình thì từ chức ngang với cách chức, coi từ chức là một dạng của cách chức, do đó từ chức trở thành vấn đề rất nặng nề. Tuy nhiên, đã đến lúc cần hiểu rằng từ chức có rất nhiều lý do: làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu, thậm chí ê kíp làm việc không thông thuận cũng có thể từ chức.
Có thể thấy, theo các quy định của Đảng và Nhà nước, từ chức là một hành động hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo. Như vậy, từ chức rõ ràng thuộc phạm trù văn hóa: Văn hóa từ chức.

Từ chức phải thành một nét văn hóa, thể hiện sự văn minh, lịch sự của một chính khách. Khi từ chức, người ta vẫn có thể bảo tồn cho mình các giá trị, để khi có cơ hội, họ vẫn có thể xuất hiện trở lại trên chính trường. Nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh, lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Văn hóa từ chức rất cần thiết trong cuộc đời của người có quyền lực.
Có thể nói, hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các Dự thảo, các quy định xây dựng “văn hóa từ chức” vẫn chưa đồng nhất, vẫn chưa thể trở thành một văn bản nhất định. Đây vẫn đang còn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

 

Bài mới
Đọc nhiều