+
Aa
-
like
comment

Tránh lãng phí, Bộ VHTT cần sớm qui hoạch xây dựng tượng đài trên phạm vi cả nước

Đỗ Mạnh - 05/07/2020 18:09

Mấy năm gần đây đến địa phương nào trong cả nước cũng thấy bàn tán về việc xây tượng đài. Tỉnh nào cũng muốn xây, huyện nào cũng muốn xây tượng đài làm biểu tượng cho huyện mình, tỉnh mình. Dân ta còn nghèo, thậm chí còn rất nghèo so với các cường quốc. Việt Nam vẫn nằm trong top các nước nghèo nhất trên thế giới, ấy vậy mà chẳng hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo các địa phương lại thi nhau vẽ ra những dự án dựng tượng đài, quảng trường một cách lãng phí.

Một điều đáng lưu ý nữa là cứ tỉnh sau trình thì quy mô lại to hơn tỉnh trước, hình ảnh được các vị đề xuất xây tượng đài lại toàn là những vị kiệt xuất của địa phương mình và trên cả nước. Những ông vua, những anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đành rằng tình yêu dành cho những người kiệt xuất của dân tộc là một điều đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên việc xây tượng đài và quảng trường vào thời điểm nào mới là điều đáng bàn. Một khi dân đã no đủ, trường học, bệnh viện đã khang trang, đường xá đã thuận lợi thì chả có lý do gì chúng ta không xây tượng đài để nhắc nhỡ người dân biết ơn những vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Không có lý do gì để chúng ta không xây những quảng trường hoành tráng và hiện đại để cho dân có nơi vui chơi giải trí. Nhưng hiện nay khi nền kinh tế còn nhiều việc phải làm, dân chúng ở vùng sâu, vùng xa còn ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, thiếu thốn mọi bề. Ở nhiều nơi học sinh vẫn phải học ở nhà tranh vách đất, các em học sinh đi học còn chưa có cầu để qua sông phải đu dây, thì liệu bỏ ra cả ngàn tỷ để dựng tượng và xây quảng trường liệu có hợp; ý không? Các vị tiền bối chắc cũng chẳng vui gì khi mình được dựng tượng mà dân hàng ngày cơm không đủ no áo không đủ mặc.

Mặt khác, Việt Nam không phải là đất nước có văn hóa tượng đài, văn hóa này được du nhập từ các nước  phương tây đặc biệt là từ Pháp. Dưới thời pháp thuộc, ở Hà Nội hay các thành phố lớn ở Việt Nam có rất ít tượng và đài tuởng niệm. Tượng nữ thần tự do đặt ở Vườn hoa Cửa Nam, Đài tuởng niệm tại Vườn hoa con cóc trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chúng ta có thêm các tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh một đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và một đặt ở vị trí đối diện Đền Ngọc Sơn trên Bờ Hồ. Và Sau này chúng ta có thêm tượng Đài vua Lý Thái tổ đặt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lê Nin đặt tại Vườn hoa canh nông do Nước Nga tặng cho Chính phủ Việt Nam. Những tượng đài này được xây dựng với quy mô vừa phải núp mình dưới những bóng cây xanh mát làm cho Hà Nội thêm cổ kính đáng yêu.

Tuy nhiên mấy năm gần đây nhất là sau khi tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành thì hàng loại các địa phương thi nhau trình lên Bộ VHTT để  được xây tượng đài nghìn tỷ. Điển hình trong số đó là Tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình. Tượng đài có khối lượng gần 100 tấn, phần thân bằng đồng, cao 9,9m; phần bệ đỡ bằng đá, cao 10m. Theo quyết định 926/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh Ninh Bình, dự án quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) được phê duyệt có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỉ đồng, bằng ngân sách nhà nước. (Riêng phần tượng đài bằng đồng, do một số tổ chức và cá nhân cung tiến). Khu tượng đài có diện tích gần 10ha, với khu tượng đài Đinh Tiên Hoàng, diện tích 5,1ha, được xây dựng dạng tam cấp, mỗi cấp có chín bậc đá xanh. Sân khánh tiết của khu tượng đài dự kiến được lát đá tự nhiên toàn bộ. Tuy nhiên cho đến nay, theo quan sát của chúng tôi , tượng đài như một công trình bỏ hoang. Xung quanh tượng đài cỏ mọc kín. Sân khánh tiết ở dưới chân tượng đài đang được thi công dang dở, nhiều tấm đá lớn đã bị vỡ. Hiện nay nơi đây đang bị biến thành nơi cho các con nghiện tụ tập hút chích. Bản thân tượng Đinh Tiên Hoàng qua mưa nắng thời gian và không có người gìn giữ, sửa sang, giờ đã được phủ kín bởi một màu đen của rêu mốc.

Nhiều phần của tượng đài như hai bàn tay, cổ tay, cánh tay, khuỷu tay… bị ăn mòn, thủng những mảng lớn. Tượng đài như một người bị thương tích đầy mình, với những vết mốc đen xen lẫn những lổ thủng lớn. Công trình này hiện chưa biết bao giờ mới xây dựng xong.  Kế đến phải kể đến công  trình tượng đài chiến thắng ở Bắc Cạn khánh thành năm 2015 với kinh phí 14 tỷ bao gồm cả kiến trúc và mỹ thuật. Tuy nhiên sau hai năm xây dựng đã bị gãy đổ , làm bị thương một em bé khi đu bám vui chơi gần tượng đài này. Mới đây tại huyện Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, 75% dân số là người dân tộc Bhnong. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 56%, đến năm 2019 giảm còn 25%. Cùng với các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020.

Huyện cũng nằm trong nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại nghị quyết 30A ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Tuy nhiên dù là huyện nghèo nhưng UBND huyện không hiểu đã nghĩ  gì mà quyết định san hẳn một qua đồi để xây dựng đài tưởng niệm Khâm Đức có giá 14 tỷ với lý do là để phát triển du lịch. Nghe cách mà UBND huyện giải trình chúng ta thấy sự vô lý cho một huyện nghèo. Mặc dù theo cách lí giải của lãnh đạo huyện là việc xây dựng đài tưởng niệm không dung nguồn kinh phí của Chính phủ theo quyết định 30A. Tuy nhiên dù là nguồn tiền nào thì cũng là tiền của nhân dân, đối với một huyện nghèo thì số tiền 14 tỷ không phải là nhỏ. Số tiền đó có thể làm được rất nhiều cầu, xây trường học cho con em và một số những việc bổ ích khác. Ngoài Quảng Nam, Ninh Bình, Bắc Cạn còn rất nhiều địa phương khác đang có ý định xây dựng những tượng đài và quảng trường khác. Thiết nghĩ Bộ VHTT cần sớm có quy hoạch và hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng tượng đài và quảng trường bởi đây là việc làm rất tốn kém và đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Chất lượng công trình cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Tượng đài và quảng trường là những sản phẩm mang tính lâu dài phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy không phải địa phương nào cứ xin là duyệt và bố trí vốn cho xây như hiện nay.

Đất nước ta còn nghèo, đang cần rất nhiều vốn để đầu tư các công trình phục vụ an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Vì vậy lãnh đạo các cấp ở tất cả các ngành, các địa phương cần phải biết ưu tiên dòng vốn đầu tư ít ỏi mà các địa phương, các ngành có được để đầu tư sao cho thiết thực nhất.

Việc xây tượng đài, quảng trường là những công việc chỉ nên được xây dựng khi đời sống nhân dân đã hết khó khăn, các địa phương khi đã đủ điện đường, trường trạm, địa phương đó hàng năm không phải sống nhờ kinh phí do Chính phủ hỗ trợ thì khi đó xây dựng các tượng đài, quảng trường nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng sẽ là hợp lý và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều