+
Aa
-
like
comment

Tranh cãi về đề xuất người đi xe máy phải bật đèn suốt cả ngày

Quỳnh Quỳnh - 11/05/2020 18:33

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có đề xuất xe máy phải bật đèn 24/24 khi ra đường.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông.Xe máy phải bật đèn nhận diện.

Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Việc Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, người dân để có điều chỉnh phù hợp với đặc thù của VN.

Trước quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn trong suốt quá trình di chuyển, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.

Người nói khuyến khích, người cho rằng không cần thiết

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên tổ trưởng xử lý vi phạm – Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho rằng việc bật đèn xe máy cả ngày là không cần thiết. “Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ít sương mù nên việc quy định bật đèn cả ngày là vô lý, rất khó để lực lượng CSGT xử lý vi phạm. Xe máy bật đèn cả ngày thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả. Quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn, ở VN thì không cần thiết”, thượng tá cho hay.

“Suốt ngày nắng chói, xe máy lại bật đèn, thậm chí nhiều người còn bật pha, thì ai chịu cho nổi”, một bạn đọc của Cánh Cò bình luận.

Theo độc giả của Cánh Cò, những quy định – đề xuất không sát thực tế, chỉ sao chép nguyên mẫu của nước khác rồi áp dụng vào trong nước sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ càng làm tăng thêm bất cập. Chỉ cần người làm luật rời xe bốn bánh và tự tay cầm lái chiếc xe máy đi làm trong một tuần, sẽ thấy hệ lụy của việc ban hành một “công thức sao chép”. Chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều nguyên liệu, ô nhiễm tiếng ồn, gia tăng nhiệt độ, giờ lại thêm “ô nhiễm ánh sáng”, thật không hiểu nổi!

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng nên khuyến khích bật đèn xe máy ban ngày. “Đề xuất bắt buộc bật đèn khi tham gia giao thông nhìn sơ qua có thể thấy không hợp lý nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là vấn đề nên áp dụng. Việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh, giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông”, anh Phạm Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) phân tích.

Lý giải vì sao đề xuất này không phù hợp, kỹ sư ô tô, xe máy Trần Quân cho biết vì xe máy chưa được trang bị đèn nhận diện.

Các loại đèn chiếu sáng hiện nay ở các loại xe máy chỉ phù hợp với ban đêm và không nên sử dụng vào ban ngày. Vì khi đi ban đêm, người đi phía sau hoặc phía trước đều có thể thấy được xe khác đang di chuyển, ban ngày mà bật đèn là không hợp lý vì gây ra chói mắt cho người đi đường.

Đồng thời, việc máy phát sử dụng nhiều sẽ nhanh hư hỏng hơn. Bóng đèn bị đốt nhiều cũng nhanh hỏng, đèn pha cũng vậy. Thực tế bóng đèn tiêu hao nhiên liệu khá nhiều vì nó có công suất khá lớn. Dù chưa đo lường được cụ thể từng xe nhưng một chiếc bóng đèn để chiếu sáng được cho con người di chuyển thì công suất khá lớn.

Đối với thời tiết sương mù dày đặc, việc chiếu đèn của xe máy chỉ ảnh hưởng rất ít vì xe máy không được trang bị đèn sương mù. Đây chỉ là loại đèn trắng bình thường. Hiện nay, chỉ có trên ô tô mới trang bị loại đèn sương mù, có ánh sáng cam, vàng.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận quy định mới bao giờ cũng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, trước đây nhiều người cũng phản ứng gay gắt nên Việt Nam phải mất 10 năm tranh cãi mới quyết tâm thực hiện. Giờ nhìn lại, chúng ta thấy quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm là cần thiết. Tóm lại, đây cũng chỉ mới dự thảo nên chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến chuyên gia, người dân đóng góp cho dự luật để chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.

Hiện nay rất nhiều các dòng xe mới (nhất là xe nhập khẩu) đều để chế độ đèn 24/24 ngoài chiếu sáng vào ban đêm còn cảnh báo các phương tiện đối diện vào ban ngày. Bộ GTVT khi lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi với đề xuất mới này nên cân nhắc.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều