Tranh cãi trái chiều quanh chuyến công du “đầy sóng gió” trong lịch sử của bà Nancy Pelosi
Khu vực xung quanh eo biển Đài Loan những ngày tới được dự báo sẽ căng thẳng với các hoạt động quân sự sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan.
Trong bài bình luận đăng trên Washington Post ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan, bà Nancy Pelosi viết rằng Mỹ cần phải ghi nhớ cam kết “ủng hộ quyền phòng thủ của Đài Loan” trong bối cảnh nền dân chủ tại hòn đảo vẫn “bị đe dọa” bởi Trung Quốc. Cam kết này nằm trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, trở thành một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo cam kết, Mỹ sẽ “coi mọi nỗ lực quyết định tương lai Đài Loan không bằng biện pháp hòa bình là mối đe dọa đến an ninh và hòa bình ở khu vực Tây Thái Bình Dương, là mối lo ngại nghiêm trọng với Mỹ”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho rằng Trung Quốc gần đây gia tăng căng thẳng đáng kể với Đài Loan bằng việc tăng cường điều oanh tạc cơ, chiến đấu cơ và máy bay trinh sát áp sát, thậm chí tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Đài Loan. Điều này khiến Lầu Năm Góc đi đến kết luận Trung Quốc “có vẻ đang chuẩn bị để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.
“Trước hành động ngày càng quyết liệt từ Trung Quốc, chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ Mỹ nên được coi là một tuyên bố dứt khoát rằng Mỹ đứng về phía Đài Loan khi hòn đảo tự bảo vệ chính họ và quyền tự do của họ”, bà Nancy Pelosi viết.
Ngay lập tức, chuyến thăm của bà đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns để chia sẻ quan điểm.
“Động thái này cực kỳ sai lầm và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chuyến thăm tác động nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Mỹ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Động thái này giống như đùa với lửa, cực kỳ nguy hiểm. Những người đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu đốt. Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong nói.
Đài Loan, hòn đảo 23 triệu dân cách bờ biển Trung Quốc khoảng 129km, từ lâu đã luôn là “điểm căng thẳng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được kiểm soát và sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần, thì Mỹ – dù cam kết tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” – nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp các loại khí tài hiện đại để tự vệ.
Nhìn chung, vấn đề Đài Loan luôn rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ – Trung, vì vậy Trung Quốc luôn phản ứng mạnh trước tất cả chuyến thăm viếng qua lại của quan chức Mỹ đến Đài Loan, đồng thời cáo buộc Mỹ “chơi quân bài Đài Loan” để kiềm chế sự trỗi dậy của mình.
Hiện tại, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là lãnh đạo đương nhiệm của Quốc hội Mỹ, nên chuyến thăm và các hoạt động của bà ở Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào và vì lý do gì, là một hành động khiêu khích chính trị lớn. Trung Quốc rõ ràng hoàn toàn không chấp nhận điều này, bởi lập trường của Chính phủ và người dân Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là nhất quán.
Thực chất, chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã được dự đoán rằng sẽ gây ra sóng gió cho cả 3 Mỹ-Trung-Đài Loan. Các chuyên gia kinh tế – chính trị nổi tiếng đều có những nhận định khác nhau xung quanh chuyến đi “đầy sóng gió” này của bà Pelosi.
Ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho rằng, sau khi bà Nancy Pelosi tới Đài Loan, chắc chắn sẽ có xung đột vũ trang bởi khả năng quân sự của Trung Quốc đã vượt xa quá khứ. Hành động trả đũa của Trung Quốc có thể bao gồm việc điều máy bay chiến đấu quấy rối máy Đài Loan hoặc cung cấp vũ khí cho Nga (trong cuộc xung đột với Ukraine) để răn đe Mỹ.
Riêng Phó giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản thì nhận định rằng, việc bà chứng tỏ rằng Trung Quốc đã bất lực trong việc dừng chuyến thăm diễn ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc của Trung Quốc. Cần nhắc lại rằng trước chuyến đi, Trung Quốc đã thuyết phục ông Joe Biden tác động để hủy chuyến thăm của bà Nancy Pelosi nếu Trung Quốc gây áp lực mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự quyết đoán của bà Nancy Pelosi mạnh hơn và đã đến thăm Đài Loan. Bây giờ, vì đã tuyên bố nhiều lập trường mạnh mẽ, Trung Quốc phải hành động cứng rắn để chứng minh quyết tâm. Nhưng nếu Trung Quốc tiến hành các động thái cứng rắn có thể khiến Đài Loan phản kháng mạnh mẽ, điển hình như cách Ukraine phản kháng Nga.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Satoru Nagao, Viện Nghiên cứu Hudson thì nhận thấy rằng Trung Quốc đã phản ứng thái quá. Hệ thống chính trị Mỹ có các nhánh ngang nhau, Chủ tịch Hạ viện có quyền lực và thẩm quyền riêng, không chịu sự kiểm soát của Tổng thống. Trung Quốc đã khiến vấn đề trở thành một cuộc khủng hoảng khi phản ứng thái quá với chuyến thăm của bà Nancy Pelosi.
Có lẽ sẽ không có thay đổi nào về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như vấn đề eo biển Đài Loan sau chuyến đi. Chính cách phản đối của Trung Quốc thực sự khiến cho bà Nancy Pelosi không thể hủy chuyến đi. “Tốt nhất là mọi người nên bình tĩnh lại, lùi lại và nhìn nhận tình hình một cách bình thản”, ông Satoru đưa ra lời khuyên.
Đặc biệt tại Mỹ, cũng có ý kiến cho rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi là “sai lầm”. Trả lời Đài CNN ngày 2/8, ông Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc dưới thời tổng thống Obama chia sẻ quan điểm: “Đừng quên, Nancy Pelosi là chủ tịch Hạ viện chứ không phải là một thành viên bình thường trong Quốc hội, vậy nên chuyến đi của bà ấy đã làm suy yếu hình ảnh của Tổng thống Joe Biden. Đây không phải là ý tưởng hay vào lúc này, nếu không muốn nói là sai lầm hoàn toàn”.
Lan Hoa