Tranh cãi nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nữ giới ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc đang diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên bắt buộc phụ nữ tham gia nghĩa vụ quân sự như đàn ông hay không.
Theo hãng tin Bloomberg, vấn đề này đã trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi từ tháng 4, khi đại biểu Quốc hội Park Yong Jin đề xuất nghĩa vụ quân sự bắt buộc với phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới.
Chung Young Ai, người đứng đầu Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, nói hướng lập luận của ông Park là “có vấn đề”.
“Tranh luận về nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nữ giới không xuất phát từ mục tiêu bình đẳng giới mà là từ những tiếng nói yêu cầu phụ nữ phải trải qua những bất lợi giống đàn ông”, bà Chung nói.
Một bản kiến nghị trực tuyến gửi tới văn phòng của Tổng thống Moon Jae In yêu cầu nữ giới phải nhập ngũ đã nhận được gần 300.000 chữ ký tính đến ngày 18-5.
Nghĩa vụ quân sự bắt buộc mang lại cho năm giới một số lợi ích khi họ hoàn thành nghĩa vụ và đi làm, qua đó khiến phụ nữ gặp bất lợi trên thị trường lao động.
Khoảng cách lương giữa hai giới ở Hàn Quốc được xếp vào hàng lớn nhất trong các nước phát triển và làm mờ đi triển vọng kinh tế dài hạn của đất nước.
“Theo cách chúng ta nhìn nhận, lứa trẻ trải qua sự vất vả khi phục vụ trong quân đội và chúng ta tạo điều kiện cho họ”, bà Chung nói.
“Nhưng điều này không nên là lý do biện minh cho việc phân biệt đối xử với người không phục vụ trong quân đội, chẳng hạn như phụ nữ và người khuyết tật.”
Bà Chung nói người Hàn phải tập trung giải quyết các vấn đề dai dẳng như chênh lệch thu nhập, tỉ lệ sinh thấp và phân biệt giới tính được xếp vào hàng nặng nhất trong các quốc gia phát triển.
Người đứng đầu Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho rằng để tăng tỉ lệ sinh, cần phải giải quyết các vấn đề khi có con, bao gồm nhà ở, y tế và chi phí nuôi dạy con cái.
“Vẫn còn nhiều phụ nữ phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái, khiến họ e ngại có con”, bà Chung nói.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ khó khăn hơn đối với phụ nữ. Dữ liệu từ ngân hàng trung ương cho thấy phụ nữ bị mất việc làm trong đại dịch nhiều hơn so với nam giới.
MINH KHÔI