Tranh cãi lợi – hại gói 1.900 tỷ USD của Mỹ
Gói cứu trợ mới thắp lên hy vọng cải thiện việc làm, giảm bất bình đẳng kinh tế nhưng cũng gây ra nỗi lo lạm phát, tăng lãi suất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/3 ký thông qua dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mà theo ông là sẽ giúp “xây dựng lại xương sống của đất nước”. Gói mới sẽ hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 85% hộ gia đình Mỹ, với khoản chi 1.400 USD mỗi người.
350 tỷ USD sẽ cấp cho các chính quyền bang, địa phương và 130 tỷ USD cho các trường học. 49 tỷ USD được dành để mở rộng xét nghiệm, truy vết và nghiên cứu Covid-19. 14 tỷ USD để phân phối vaccine, hỗ trợ lương hưu và tăng trợ cấp cho những người tham gia chương trình y tế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (còn gọi là Obamacare).
Tiền cũng chảy vào một số lĩnh vực đang chật vật trong nền kinh tế. Ví dụ, đạo luật sẽ bơm thêm 14 tỷ USD cho các hãng hàng không, 9 tỷ USD cho các sân bay cùng các doanh nghiệp liên quan khác. Để được nhận tiền, các sân bay và hãng hàng không bị cấm sa thải hàng loạt cho đến hết tháng 9.
Ngay lập tức, American Airlines và United Airlines đã thông báo tin vui với 27.000 nhân viên. “Sẽ không có bất kỳ vụ sa thải tạm thời nào tại American Airlines vào tháng 4. Và với việc tiêm chủng đang tăng tốc, hy vọng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, CEO American Airlines Doug Parker tuyên bố.
Tuy nhiên, điều gì thực sự sẽ xảy ra tiếp theo đang là chủ đề của cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế, chuyên gia ngân sách, các nhà hoạch định chính sách ở Washington và học giả trên toàn quốc.
Đó có thể là khoảnh khắc “bình minh” ở Mỹ, nếu gói cứu trợ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế vốn đã sẵn sàng phát triển, giảm bất bình đẳng và đưa Biden lên vị thế anh hùng kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một chất xúc tác khiến giá xăng, giá nhà cùng tài sản đầu cơ tăng cao. Kéo theo đó là nguy cơ lạm phát tăng vọt khi chính phủ đổ quá nhiều tiền vào nền kinh tế vốn đã ấm lên.
Tờ Politico bình luận, việc ký thông qua đạo luật là thành công bước đầu với Biden trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, kết thúc tốt đẹp “không được đảm bảo hoàn toàn”, khi Mỹ đang đi trên một con đường gần như hoàn toàn mới để quản lý nền kinh tế.
“Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Biden sẽ được xem như người hùng và ông ấy xứng đáng với điều đó”, Len Burman – nhà kinh tế tại Đại học Syracuse kiêm đồng sáng lập Tax Policy Center đánh giá. Dù vậy, ông cũng cảnh báo “lạm phát là một rủi ro thực sự”.
Gói 1.900 tỷ USD có hiệu lực khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hồi sinh nhờ việc tiêm chủng tăng tốc và các bang dỡ bỏ nhiều hạn chế hơn. 379.000 việc làm được tạo ra trong tháng 2, được xem là cao “đáng ngạc nhiên” khi các quán bar, nhà hàng mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu du lịch.
Niềm tin của các CEO cũng đạt mức cao nhất trong 17 năm, khi các công ty chuẩn bị cho sự trở lại của một nền kinh tế bình thường vào cuối năm nay. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ cũng đang tăng lên, dù với tốc độ thận trọng hơn. Người tiêu dùng cũng tích lũy thêm gần 3.000 tỷ USD tiền mặt trong các đợt phong tỏa. Điều này có nghĩa là nhu cầu đối với mọi thứ, từ du lịch, ôtô đến hàng hóa có khả năng tăng cao hơn nữa.
Hiện tại, các dấu hiệu của lạm phát đã xuất hiện trên khắp nước Mỹ. Giá xăng đang tăng và có khả năng lên cao hơn. Giá ôtô mới và cũ cũng đang tăng đột biến. Giá nhà leo thang ở một số nơi khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng có thể vượt khả năng tiếp cận của người dân.
Không những thế, tiền được đổ ra khi thị trường chứng khoán và phần lớn là tài sản đầu cơ như Bitcoin liên tiếp đi lên trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục. Trước khi Biden đặt bút ký dự luật, thị trường chứng khoán đã rất hưng phấn.
Trong bối cảnh này, tác động tích cực và tiêu cực của gói 1.900 USD được đánh giá rất khác nhau. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến cổ vũ khoản hỗ trợ 1.400 USD mỗi người và các khoản chi khác trong gói này. Họ cho rằng nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai gần và giảm bất bình đẳng vốn ngày càng trầm trọng trong thời kỳ Covid.
Các nhà kinh tế học cũng đồng thuận rằng người Mỹ vẫn cần được cứu trợ nhiều hơn. Nước này vẫn còn thiếu khoảng 11 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn quanh mức 6,2% và sẽ gần 10% nếu tính cả hàng triệu người rời bỏ lực lượng lao động trong thời kỳ Covid.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa gần như đồng loạt phàn nàn gói 1.900 tỷ USD quá lớn và lãng phí. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết đây là ví dụ điển hình về sự quá khích của chính phủ Dân chủ nhân danh cứu trợ Covid.
Đảng Cộng hòa chỉ trích việc gói cứu trợ sẽ phát tiền cho cả những người không bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Tiền còn được chi cho các trường học trong những năm tới, tài trợ cho các chính quyền bang và địa phương có thiệt hại vì đại dịch không lớn như lo ngại.
“Hãy thực hiện một cuộc thăm dò và hỏi ‘Bạn có muốn chính phủ phát tiền không?’. Tôi đoán là kết quả cuộc thăm dò đó sẽ khá tốt”, Thượng nghị sĩ John Kennedy nói, “Nhưng tại sao chúng ta lại phát tiền cho những người chưa bao giờ bị giảm lương?”. David Winston, một chiến lược gia của Đảng Cộng hòa, nói rằng đạo luật còn bao gồm những khoản chi tiêu không liên quan đến đại dịch.
Nhóm của ông Biden đã phản bác lại, rằng kế hoạch này được các cử tri ưa chuộng, lấy dẫn chứng từ các cuộc thăm dò dư luận. Kế hoạch đã thu hút được 70% sự ủng hộ của những người trưởng thành trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew tháng này. Nó cũng nhận được hơn 60% ủng hộ trong hai cuộc thăm dò do Đại học Monmouth và CNN thực hiện.
Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cũng thừa nhận nguy cơ lạm phát nhưng không tỏ ra không quá lo ngại. “Thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các hỗ trợ này. Chúng ta cũng đã sống chung với lạm phát dưới mức tối ưu trong gần hai thập kỷ”, ông nói.
Do vậy, kịch bản lạc quan nhất về cơn mưa tiền mặt mới đổ xuống nước Mỹ lần này là sự điều chỉnh nhẹ nhàng trên thị trường, lãi suất nhích cao hơn một chút, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều, cùng với bất bình đẳng kinh tế giảm mạnh. Đó là viễn cảnh trong mơ của Biden.
Còn kịch bản kém vui hơn là người tiêu dùng, vốn đã tiết kiệm được kha khá tiền trong đại dịch, sẽ khiến nhu cầu tăng áp đảo nguồn cung khi được chi tiêu trở lại. Điều đó đồng nghĩa giá sẽ tăng mạnh, có thể buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Chi phí đi vay tăng sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Nó cũng sẽ kéo cao chi phí giải quyết khoản nợ quốc gia của Mỹ và có thể ảnh hưởng đến hy vọng của Biden về gói kích thích nghìn tỷ USD tiếp theo – vốn đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đảng viên Cộng hòa.
“Nợ của chúng ta rõ ràng đang đi trên một con đường hoàn toàn không bền vững và chúng ta chẳng biết lãi suất có ở mức thấp này mãi không”, Nhà kinh tế Len Burman cho biết. Ông nhận định nếu các thị trường nghĩ Mỹ không còn là nơi trú ẩn an toàn nữa, tỷ giá có thể tăng rất nhanh. Đó không phải là vấn đề ngay lúc này, nhưng vẫn là một nguy cơ.
Ngay cả trước khi có biện pháp kích thích mới, các nhà kinh tế vẫn dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh năm nay. Với gói 1.900 tỷ USD, tăng trưởng ước tính sẽ vào khoảng 7% hoặc hơn, con số chưa từng thấy kể từ thập niên 80.
Sự tăng trưởng đó cũng có hai nguy cơ. Một là đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo, tăng lương theo cách không lạm phát và đưa Biden lên vị thế anh hùng kinh tế. Hoặc nó có thể châm ngòi cho lạm phát, làm bốc hơi sức mua của người tiêu dùng và khiến Fed tăng lãi suất.
“Rõ ràng có những nhà hoạch định chính sách – đặc biệt là những người cánh tả – đã quên mất lạm phát có thể gây hại như thế nào”, Steven Ricchiuto – kinh tế trưởng của Mizuho Securities, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận ít nhất thì hiện tại họ không cần lo lắng về điều này.
Phiên An (theo Politico, WSJ, NYT)