+
Aa
-
like
comment

Tranh cãi chuyện chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ

03/10/2019 08:30

Tranh cãi bùng ra khi thông tin sắp tới đây một số trường ĐH sẽ cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi sau khi có bằng tốt nghiệp ĐH.

Sắp tới sinh viên chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ  /// Ảnh: Hà Ánh
Sắp tới sinh viên chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ

ĐH Quốc gia TP.HCM đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên thạc sĩ tại ĐH này. Người dự tuyển là sinh viên năm 3 và 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 điểm trở lên trong thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông. Các đơn vị cơ sở sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình này…

Theo quy định này, sau khi hoàn thành thời gian đào tạo chính thức của chương trình liên thông, sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận bằng ĐH và thạc sĩ trong khoảng từ 4,5 – 5,5 năm.

Sẽ loạn bằng cấp thạc sĩ?

Vấn đề này gây ra nhiều tranh cãi trong bạn đọc (BĐ). Rất nhiều ý kiến không đồng tình với cách đào tạo liên thông như thế này. BĐ tên Hương (TP.HCM) cho rằng: “Chất lượng giáo dục, đào tạo ĐH đã quá kém, những người làm giáo dục đừng vì lợi nhuận mà đưa đất nước xuống thấp về tri thức, chất lượng sinh viên ĐH”.

Đồng quan điểm, BĐ ilmenau (Phú Thọ) cho rằng: “Bằng cấp để làm gì khi thực lực (kiến thức…) không có, chất lượng hạn chế? Nhà trường đua nhau kiếm tiền bằng cách mở mọi cánh cửa “bé ơi ra mà ăn kẹo”, học viên thì hớn hở với cơ hội sở hữu bằng cấp hợp pháp. Đầu ra sẽ là những sản phẩm gì đây?”.

“Vấn đề xã hội quan tâm là chất lượng ra sao. Không nên đào tạo tràn lan tránh tình trạng hữu danh vô thực đem nhiều hệ lụy cho xã hội”, BĐ Phan Thuân (TP.HCM) nêu quan điểm.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một số BĐ thì ủng hộ cách làm này. “Đây là ý tưởng rất mới thoát khỏi ràng buộc bấy lâu nay là phải có bằng thấp rồi mới được học bằng cao hơn. Nếu chúng ta làm tốt công tác kiểm tra đánh giá thì tôi nghĩ đây là ý tưởng hay, cho phép người học có thể học vượt. Chưa có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng nếu người học có năng lực thực sự thì vẫn theo học thạc sĩ bình thường, quan trọng là khâu đánh giá cho đúng thực chất. Sau này công tác tuyển dụng cũng bỏ đi việc coi trọng bằng cấp mà nên theo khuynh hướng năng lực thực tế như nước ngoài vẫn thường làm”, BĐ Nguyễn Hải (Thừa Thiên-Huế) đưa ra quan điểm.

Cần đánh giá cẩn thận

Theo PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, mục tiêu quan trọng của chương trình này nhằm rút ngắn thời gian học ĐH và thạc sĩ của người học. Tuy nhiên, yêu cầu của người học với chương trình này là phải có học lực khá giỏi, còn cơ sở đào tạo phải được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc trường với ngành học triển khai. “Hiện chúng tôi mới chỉ ban hành quy chế tạm thời. Sau 2 năm triển khai sẽ tổng kết lại, nếu hiệu quả mới ban hành quy định chính thức”, ông Tú nhấn mạnh.

Dù chỉ thực hiện thí điểm và “đầu vào” phải có học lực khá giỏi, tuy nhiên nhiều BĐ cũng tỏ ra lo lắng và cho rằng việc này cần đánh giá cẩn thận. “Phải đánh giá cẩn thận, toàn diện. Một số ngành kinh tế, xã hội cần bắt buộc ít nhất một năm kinh nghiệm để học thạc sĩ chuyên ngành. Một số ngành khác như công nghệ sinh học, khoa học máy tính… thì việc học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ cần khuyến khích. Không nên làm đại trà, phong trào”, BĐ Đại Hùng (Hà Nội) nêu ý kiến.

Tuy nhiên, BĐ Cường Lê (TP.HCM) cho rằng: “Thực tế giờ nhiều sinh viên ra trường không xin được việc đành học tiếp sau ĐH trong khi chờ kiếm việc. Trường cần học viên nên cứ muốn sinh viên học tiếp. Hậu quả học xong xin việc càng khó hơn vì doanh nghiệp không cần loại học cao mà chẳng biết gì…”.

Tương lai VN ra đường nhích là đụng thạc sĩ, tiến sĩ.

Lê La (Hà Nội)

Cứ cách làm này thì sẽ càng loạn xạ bằng cấp thạc sĩ?

Đỗ Quang (Hà Nội)

Cách làm này trên thế giới đã triển khai lâu rồi. Bây giờ, ở VN mới có trường triển khai là chậm.

Nguyễn Hồ (Hà Nội)

Đ. Huân

Bài mới
Đọc nhiều