+
Aa
-
like
comment

Trạng Tí và sự ngụy biện đáng trách của đoàn làm phim

Tifosi - 25/01/2021 20:30

Từ phim Cậu Vàng, đội ngũ làm phim đã sử dụng chú chó ra như là một tấm khiên để “phản pháo” hay “cầu mong lòng thương hại” từ người hâm mộ, nào là chú chó không có tội, đừng tẩy chay phim vì một con chó… Và giờ đây, đến Trạng Tí, đạo diễn bộ phim cho rằng: “Các em diễn viên nhỏ tuổi đều xứng đáng được yêu thương và không phải nhận những chỉ trích từ phía người hâm mộ”.

Làm ơn, hãy nhìn thẳng vào sự thực, người hâm mộ đâu có chỉ trích hay mắng mỏ các em diễn viên nhí? Xin nhắc lại với đội ngũ làm phim, có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc phim Trạng Tí bị tẩy chay.

Đó là, một là vấn đề bản quyền xung quanh Trạng Tí, hai là vấn đề kịch bản làm sai lệch hình ảnh Trạng Tí và ba là nghi vấn bỏ bản đồ Việt Nam khỏi áo của Trạng Tí.

Vấn đề khó hiểu là đội ngũ làm phim lấy căn cứ ở đâu mà cho rằng người hâm mộ đang chỉ trích các em diễn viên nhí? Người ta chê “hình tượng nhân vật Tí trong phim”, chứ không có chỉ trích các diễn viên nhí, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đừng cố gắng tạo ra một lý do để đấu tố lại người xem, mà hơn nữa, đây lại là một lý do không bằng chứng và thiếu thuyết phục.

Đội ngũ làm phim cho rằng thời điểm hiện tại có quá ít các tác phẩm hướng đến trẻ em, vì thế, họ mong muốn làm một tác phẩm điện ảnh về văn hóa dân tộc cho trẻ em Việt Nam. Điều này khán gỉa đương nhiên sẽ hoàn toàn ủng hộ nếu như đây là một tác phẩm độc lập, không dựa hơi Trạng Tí, không có những bê bối ồn ào xung quanh bộ phim. Nhưng, bộ phim có quá nhiều vấn đề, và thế hệ con trẻ của chúng ta xứng đáng để thưởng thức những bộ phim toàn vẹn hơn.

Đạo diễn phim nói rằng: “Nếu anh Lê Linh muốn làm điều gì đó cho trẻ em Việt Nam thì anh rất nên ủng hộ bộ phim này, vì điều đó lớn hơn tất cả”. Vậy nếu họa sĩ Lê Linh không ủng hộ bộ phim, thì thành ra họa sĩ không quan tâm đến trẻ em Việt Nam, không muốn làm gì cho trẻ em Việt Nam à? Vậy giờ thành lỗi của họa sĩ Lê Linh à?

Với lại, bộ phim này còn dành cho “những người lớn đã từng làm trẻ em”, những người đã từng thưởng thức Thần Đồng Đất Việt, đã thân quen với Tí, Sửu, Dần, Mẹo… Nhưng đội ngũ làm phim lại bỏ qua cảm giác của “những người lớn đã từng làm trẻ em” này.

“Thật ra, xét theo bối cảnh Hậu Lê như trong truyện, việc Tí mặc bổ tử hình bản đồ chữ S là sai về lịch sử”, Đạo diễn bộ phim nhận xét về vấn đề tấm bản hình chữ S được thêu trên áo của Trạng Tí trong bộ truyện Thần Đồng Đất Việt.

Đúng là trong truyện tranh, giai đoạn mà Tí sống là vào thời Hậu Lê. Cụ thể ở tập truyện 27 mang tên Món Quà Roi Mây, viên quan đọc chiếu tuyên bố Tí đã đỗ Trạng Nguyên, viên quan đó nói: “Lê Triều Nguyên Niên Khoa Thi Đình năm Quý Mùi, thí sinh Lê Tí đã trúng tuyển ngôi Đệ Nhất Giáp, Đại Trạng Nguyên”. Chính họa sĩ Lê Linh cũng xác nhận bối cảnh chính của Thần Đồng Đất Việt sẽ diễn ra vào thời Hậu Lê. Vậy nói Tí mang chiếc áo có hoa văn bản đồ Việt Nam như trong truyện là sai lịch sử là đúng hay sai?

Đầu tiên, mặc dù bối cảnh của truyện là vào thời Hậu Lê, nhưng các sự kiện trong truyện lại được đúc kết lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong các giai đoạn của lịch sử phong kiến Việt Nam. Trạng Tí là hình mẫu chung cho các trạng nguyên hay những người con người tài năng trong lịch sử đất nước. Việc tạo ra hình tượng Trạng Tí mặc tấm áo có hình bản đồ có ý nghĩa là các thế hệ đi trước đã có công trong việc xây dựng, bảo vệ và mở mang bờ cõi đất nước.

Truyện Trạng Tí không phản ánh chính xác hay nguyên vẹn bối cảnh xã hội, lịch sử, sự kiện thời Hậu Lệ, mà gần như ôm trọn các giai đoạn phong kiến Việt Nam. Vì thế, việc cho rằng tấm bản đồ trên áo Trạng Tí phản ánh “sai lịch sử” là không đúng.

Chi tiết bản đồ hình chữ S trong bộ truyện không chỉ được thêu trên áo của Trạng Tí mà còn được xuất hiện trên áo của Hộ vệ quan Dương Bá Tuất. Trong truyện, Hộ vệ Dương Bá Tuất được tấn phong cao nhất đến chức Chấn nam Đại tướng quân, nhiều khả năng là lấy hình mẫu từ Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.

Vì thế, chi tiết tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S trên áo Trạng Tí, đây là chi tiết mang hàm ý ẩn dụ của tác giả về ý thức giữ gìn chủ quyền dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải trực tiếp mang ý nghĩa là “một tấm bản đồ vẽ lại chủ quyền Việt Nam vào thời Hậu Lê”.

Vậy tại sao họa sĩ Lê Linh không đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào hoa văn bản đồ trên áo của Tí? Về điều này, cần biết rằng tập truyện tranh Trạng Tí đầu tiên được ra mắt khán giả vào năm 2002, tức là cách đây đã 18 năm. Ở thời điểm ấy, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta chưa nóng bỏng như hiện nay, các ấn phẩm xuất bản báo chí, truyền hình chỉ mô tả hình dáng Việt Nam là S chứ không phải .S: như hiện tại.

Từ năm 2012 trở lại đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trở nên gay gắt, nhằm đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, các ấn phẩm có bản đồ Việt Nam bắt buộc phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào. Nếu truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được phát hành lần đầu trong những năm 2012 trở lại đây mà bỏ quên đi hai quần đảo thì mới đáng lên án và chỉ trích.

“Đây là một bộ phim phiêu lưu kỳ ảo và không xác định niên đại. Vì thế nếu đưa bản đồ hình chữ S vào phim thì sẽ bị sai niên đại và mình cũng không muốn xác định niên đại bộ phim”, đạo diễn phim Trạng Tí phát biểu.

Nhưng, một lần nữa nhấn mạnh lại, nguyên văn Trạng Tí không phải là một bộ truyện phiêu lưu kỳ ảo, bỏ tiền ra mua bản quyền không đồng nghĩa với tự trao cho mình cái quyền biến một tác phẩm dựa trên những chi tiết lịch sử có thật thành một tác phẩm hư cấu hoang đường, biến một nhân vật Tí thông minh, lanh lẹ, oai hùng, thầy yêu bạn mến, vua tôi coi trọng, thành một nhân vật Tí bạc nhược, trầm cảm và tham gia một chuyến hành trình tìm cha được phóng tác sai lệch so với nguyên bản gốc. Hay là đội ngũ làm phim muốn dựa trên sức ảnh hưởng của tác phẩm Thần Đồng Đất Việt để câu kéo khán giả điện ảnh?

Thiếu Hoàng Sa, Trường Sa thì bỏ thêm vào đó, chứ không phải thấy thiếu rồi là cắt luôn. Hiện nay, xu hướng kinh doanh dựa trên lòng yêu nước là một xu thế tất yếu và đúng đắn, đã có nhiều bài học kinh doanh và phát triển thành công từ xu thế này rồi. Ngoài ra, vấn đề chủ quyền dân tộc đang ngày càng nóng bỏng, bảo vệ chủ quyền không phải chỉ ở trên Biển Đông hay ngoại giao, mà còn ở nhiều lĩnh vực như đời sống, xã hội, phim ảnh…

Khán giả chưa bao giờ tẩy chay vô lý điện ảnh nước nhà. Khán giả phải chê, phải tẩy chay những bộ phim làm kiểu không tôn trọng tác giả, văn hóa, lịch sử đất nước. Có như vậy, những người làm phim mới biết và cho ra những tác phẩm chỉnh chu, tử tế… Khán giả sẽ không tiếc tiền vì những bộ phim như vậy, có quá nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã đại thắng doanh thu rồi. Ngô Thanh Vân thừa hiểu điều này, nhưng tiếc là chị và đội ngũ làm phim đã đi một nước cờ, có vẻ như sai rồi.

Bây giờ, khán giả cũng tinh vi rồi, và sức nặng dành cho đội ngũ làm phim không còn là vô hình nữa.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều